Tài nguyên đất ở Tây Nguyên đã và đang xảy ra các quá trình thoái hóa mạnh mẽ. Đặc biệt, tình trạng hoang mạc hóa đang diễn ra với cường độ mạnh và quy mô ngày càng lan rộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và gây khó khăn cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Để có những dữ liệu tổng hợp về thoái hóa đất, hoang mạc hóa ở Tây nguyên và đề xuất các giải pháp sử dụng đất bền vững, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước: “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3) đã giao nhiệm vụ KH&CN: “Nghiên cứu tổng hợp thoái hóa đất, hoang mạc hóa ở Tây Nguyên và đề xuất giải pháp sử dụng đất bền vững”, mã số TN3/T01 cho Viện Địa lý chủ trì và TS. Lưu Thế Anh làm chủ nhiệm, thực hiện từ năm 2011 - 2014. Ngày 30/5/2015 vừa qua, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (HĐKHCNNN) đã họp và đánh giá kết quả thực hiện đề tài.
HĐKHCNNN gồm GS.TS. Trần Đức Viên (Chủ tịch HĐ); 02 ủy viên phản biện là TS. Nguyễn Văn Toàn và PGS.TS. Đặng Duy Lợi; các ủy viện HĐ là GS.TSKH. Hoàng Văn Huây, GS.TS. Trương Quang Hải, PGS.TS. Hồ Quang Đức, PGS.TS. Vũ Năng Dũng, PGS.TS. Cao Việt Hà và PGS.TS. Nhữ Thị Xuân.
Trên cơ sở ba mục tiêu chính của đề tài là (i) Đánh giá được thực trạng và nguyên nhân các dạng thoái hóa đất, hoang mạc hóa và mức độ ảnh hưởng của chúng tới phát triển KT - XH; (ii) Đề xuất được các giải pháp tổng hợp và mô hình sử dụng đất nhằm ngăn ngừa thoái hóa và hoang mạc hóa phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên; và (iii) Xây dựng được cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường đất phục vụ quản lý, cảnh báo thoái hóa đất và hoang mạc hóa Tây Nguyên; Hội đồng đã thảo luận, đánh giá và thống nhất từng kết quả mà đề tài đạt được, bao gồm các nội dung chính sau:
Về nghiên cứu hiện trạng tài nguyên đất vùng Tây Nguyên
Lớp phủ thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên đã được nghiên cứu phân loại bởi nhiều nhà khoa học theo nhiều trường phái khác nhau (Yver Henry, 1931; Schmid, 1950; Castagnol, 1932, 1950, 1952; F.R. Moorman, 1961; Thái Công Tụng, 1971; Thôn Thất Chiểu, 1976; Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, 1977, 2000, 2005), thông qua các kết quả nghiên cứu đó cho thấy tài nguyên đất vùng Tây Nguyên phong phú và đa dạng.
Theo hệ thống phân loại của FAO-UNESCO/WBR, tài nguyên đất vùng Tây Nguyên được phân thành 13 nhóm đất với 55 loại đất gồm: nhóm đất xám (13 loại), nhóm đất đỏ (7 loại), nhóm đất nâu vùng bán khô hạn (4 loại), nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá (2 loại), nhóm đất nâu thẫm (3 loại), nhóm đất đen (4 loại), nhóm đất glây (3 loại), nhóm đất cát (2 loại), nhóm đất phù sa (6 loại), nhóm đất có tầng sét chặt cơ giới dị phân (3 loại), nhóm đất mới biến đổi (5 loại), nhóm đất mùn alit núi cao (1 loại) và nhóm đất nứt nẻ (2 loại). Trong số 13 nhóm đất trên, nhóm đất xám chiếm diện tích lớn nhất (2.862.871 ha; chiếm 52,4% diện tích tự nhiên). Tài nguyên đất Tây Nguyên được đánh giá thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp khi có tới gần 60% diện tích phân bố ở độ dốc < 25 độ; 56,4% diện tích đất có tầng canh tác dày ≥ 70cm, đây là một lợi thế so sánh của Tây Nguyên trong phát triển trồng trọt so với các vùng khác trong cả nước.
Số liệu thống kê hiện trạng sử dụng đất vùng Tây Nguyên đến 31/12/2013 cho thấy, đất sản xuất nông nghiệp của vùng là 2.001.546 ha (chiếm 36,63% diện tích tự nhiên toàn vùng), trong đó đất trồng cà phê là 567.200 ha, đất trồng cao su là 278.600 ha, đất trồng lúa là 169.910 ha, đất trồng điều là 75.400 ha, đất trồng hồ tiêu là 31.500 ha, còn lại là các đất nông nghiệp khác; đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên là 2.813.245 ha (chiếm 51,49%), trong đó đất rừng sản xuất là 1.709.428 ha, đất rừng phòng hộ là 616.909 ha và đất rừng đặc dụng là 486.908 ha; đất sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp là 366.306,5 ha (chiếm 6,7%); đất chưa sử dụng của các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn 274.171 ha (chiếm 5,0%), trong đó chủ yếu là đất đồi núi chưa sử dụng (256.339 ha) phân bố ở khu vực có độ dốc lớn, đất có tầng canh tác rất mỏng, nhiều đá lẫn và đá lộ đầu.
Khảo sát đất trồng cà phê ở Đức Trọng - Lâm Đồng (ảnh trái) và người dân phá rừng để trồng cà phê trên đất có độ dốc lớn ở ở Đắk Glong - Đắk Nông (ảnh phải)
Về nghiên cứu thực trạng thoái hóa đất và hoang mạc hóa vùng Tây Nguyên
Nghiên cứu tổng hợp đất bazan thoái hóa vùng Tây Nguyên trên quan điểm địa lý tổng hợp đã được thực hiện trong một số chương trình KH&CN trước đây như: Chương trình Tây Nguyên II (Nguyễn Đình Kỳ, 1987); Chương trình KC.08 (Nguyễn Văn Toàn, 2005). Các kết quả nghiên cứu cho thấy, tài nguyên đất ở Tây Nguyên chịu tác động sâu sắc của những quá trình thoái hóa do các tác động của tự nhiên và hoạt động của con người. Vận dụng cách tiếp cận và khung hướng dẫn đánh giá thoái hóa đất của FAO đã công bố năm 2002, kết hợp với các phương pháp khảo sát thực địa, quan trắc và mô tả phẫu diện đất, phân tích các tính chất hóa lý đất trong phòng thí nghiệm, chuyên gia, viễn thám và GIS,... đề tài đã nghiên cứu và đánh giá thoái hóa đất tiềm năng, thoái hóa đất hiện tại và thoái hóa đất tổng hợp trên cơ sở ma trận tương quan giữa thoái hóa đất tiềm năng và thoái hóa đất hiện tại cho vùng Tây Nguyên. Kết quả đánh giá thoái hóa đất hiện tại vùng Tây Nguyên theo 4 mức độ cho thấy rõ: Không và thoái hóa nhẹ có diện tích là 1.840.468,4 ha (chiếm 33,7% diện tích tự nhiên toàn vùng); Thoái hóa trung bình có 2.500.208,1 ha (chiếm 45,8%); Thoái hóa mạnh có 575.575,6 ha (chiếm 10,5%); Thoái hóa rất mạnh có 547.854,9 ha (chiếm 10,0%).
Thoái hóa đất do xói mòn mạnh hình thành khe rãnh ở Chư Pảh - Gia Lai (ảnh trái); Thoái hóa đất do rửa trôi bề mặt trên đất trồng sắn ở Ngọc Hồi - Kon Tum (ảnh phải)
Thoái hóa đất do kết von hạt đậu lộ trên bề mặt ở khu vực Buôn Đôn - Đắk Lắk (ảnh trái); Thoái hóa đất do hạn hán kéo dài ở khu vực Krông Nô - Đắk Nông (ảnh phải)
Vùng Tây Nguyên đã xuất hiện 03 dạng hoang mạc hóa cục bộ gồm: (i) Hoang mạc đá có diện tích khoảng 6.380,11 ha (chiếm 0,1%); (ii) Hoang mạc đất khô cằn khoảng 182.019,46 ha (chiếm 3,2%); (iii) Hoang mạc sỏi sạn khoảng 102.252 ha (chiếm 2,2%).
Hoang mạc đá ở khu vực Chư Sê - Gia Lai
Hoang mạc sỏi sạn ở khu vực Buôn Đôn - Đắk Lắk
Về xu thế của các quá trình thoái hóa đất và hoang mạc hóa vùng Tây Nguyên
Dưới tác động của các áp lực gia tăng dân số, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu, xu thế thoái hóa đất và hoang mạc hóa ở Tây Nguyên được cảnh báo sẽ mở rộng về diện tích và gia tăng cường độ. Đặc biệt, là gia tăng quá trình xói mòn, rửa trôi bề mặt và thoái hóa hóa học do mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất sản xuất nông nghiệp, thâm canh cây công nghiệp dài ngày và canh tác nương rẫy thiếu các biện pháp bảo vệ đất. Hậu quả dẫn đến suy giảm mạnh các chất dinh dưỡng và độ phì nhiêu của đất, làm mất khả năng sản xuất của đất. Đây là một nguy cơ hiện hữu đối với nguồn tài nguyên đất - tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế đối với vùng Tây Nguyên, đi ngược lại mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Về cơ sở dữ liệu GIS về tài nguyên và môi trường đất
Đề tài đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu GIS về tài nguyên và môi trường đất cho 5 tỉnh Tây Nguyên tỷ lệ 1:100.000 và vùng Tây Nguyên tỷ lệ 1:250.000, đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên đất của các địa phương.
Bộ cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường đất vùng Tây Nguyên tỷ lệ 1:250.000 và cấp tỉnh tỷ lệ 1:100.000
Các giải pháp tổng hợp và mô hình sử dụng đất nhằm ngăn ngừa thoái hóa và hoang mạc hóa phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên
Để hạn chế từng bước, tiến tới ngăn chặn được các quá trình thoái hóa và hoang mạc hóa ở Tây Nguyên, đề tài đã đề xuất được các giải pháp cụ thể như: giải pháp tăng cường hiệu quả trong quản lý tài nguyên đất; giải pháp ứng phó với hạn hán và thích ứng với biến đổi khí hậu; giải pháp bảo vệ và duy trì sức sản xuất của đất; giải pháp xây dựng mô hình quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên đất. Ngoài ra, còn có các giải pháp về vốn; giải pháp đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; giải pháp về việc xây dựng kế hoạch hành động phòng chống thoái hóa đất và hoang mạc hóa trên cơ sở Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hoá giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020. Tất cả các giải pháp trên cần được thực hiện đồng bộ trên quan điểm sử dụng tài nguyên đất hợp lý cho một nền nông nghiệp bền vững ở Tây Nguyên.
Đồng thời, đề tài đã công bố các kết quả nghiên cứu đăng tải trong 8 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành quốc gia (Tạp chí các Khoa học về Trái đất, Tạp chí Khoa học và Công nghê Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đo đạc và Bản đồ). Đề tài cũng đã tham gia đào tạo được 3 nghiên cứu sinh (trong đó có 1 tiến sỹ bảo vệ thành công năm 2012) và 2 thạc sĩ bảo vệ năm 2012 và 2013.
Dựa trên các kết quả đạt được của đề tài, Hội đồng nghiệm thu kết luận: đề tài đã thực hiện đầy đủ theo đúng yêu cầu của Hợp đồng nghiên cứu KH&CN đã ký, Hội đồng đánh giá cao sự cố gắng trong quá trình thực hiện của chủ nhiệm đề tài. Tuy nhiên, đề tài cần xem xét một số giải pháp khoa học và công nghệ trong cải tạo và phục hồi đất thoái hóa. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu và đánh giá loại Khá.