Đề tài do TS. Phan Sĩ Mẫn làm chủ nhiệm, với sự tham gia của nhóm cán bộ nghiên cứu của Viện, gồm: TS. Đinh Thị Hoàng Uyên, TS. Lưu Bách Dũng, TS. Nguyễn Thị Bích Hà, CN. Nguyễn Thị Kim Hoa, CN. Nguyễn Xuân Hoà, CN. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, CN. Lê Xuân Khôi, CN. Nghiêm Văn Khoa và CN. Ngô Tuấn Ngọc.
Mục tiêu và nội dung nghiên cứu chính của đề tài là (i) xem xét, đánh giá thực trạng nghèo đói và tình hình xoá đói giảm nghèo ở Tây Bắc và (ii) thực trạng tài nguyên nước, tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở vùng này trong mối liên hệ với các Mục tiêu Thiên niên kỷ và mục phát triển bền vững của Việt Nam về xoá đói giảm nghèo và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước. Trên cơ sở đó, đề xuất các khuyến nghị về chính sách và giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xoá đói giảm nghèo và quản lý, bảo vệ tài nguyên nước hiệu quả và bền vững hơn cho vùng này.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, Tây Bắc (gồm 4 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hoà Bình) là vùng kinh tế-lãnh thổ nằm ở phía Tây-Bắc của Việt Nam, có vị trí hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng của đất nước. Song đây cũng là vùng có địa hình núi cao hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế xã - hội chậm phát triển nhất so với các vùng trong cả nước. Đa số dân cư Tây Bắc là đồng bào các dân tộc ít người (chiếm tới 79,2%), nhiều dân tộc sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, điều kiện sản xuất và sinh sống khó khăn, tập quán sản xuất và sinh hoạt ở một số dân tộc còn nhiều lạc hậu, các dịch vụ cơ bản và an sinh xã hội (y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe,...) chậm phát triển. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo ở vùng này.
Mặc dù trong những năm vừa qua, Chính phủ, các địa phương trong vùng, các tổ chức quốc tế và nhiều tổ chức kinh tế, xã hội đã đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc, và những nỗ lực này cũng đã mang lại nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên, Tây Bắc hiện vẫn là vùng có tỷ lệ nghèo cao nhất trong cả nước (năm 2002 là 68%, năm 2004 là 58,6% và 53,5% năm 2006). Một số dân tộc trong vùng có tỷ lệ nghèo cao (chiếm hơn 70%) như Khơ Mú, Sán Dìu, H'mông, Hà Nhì,... Nhiều thôn, bản ở vùng cao, vùng sâu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 80%. Thu nhập BQ đầu người /1 tháng ở Tây Bắc là thấp nhất so với các vùng trong cả nước (chỉ bằng 54,5% thu nhập BQ đầu người của cả nước). Trong số các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2 của cả nước, các xã 135 của Tây Bắc chiếm tới hơn 39,2%. Thực tế này cho thấy, việc thực hiện (và để đạt được) các Mục tiêu Thiên niên kỷ và mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo ở vùng Tây Bắc là vấn đề hết sức khó khăn, và đây cũng là một trong những trở ngại, thách thức lớn đối với phát triển bền vững của toàn vùng.
Về tài nguyên nước và quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước, kết quả nghiên cứu đề tài cho thấy: Tây Bắc là vùng có tiềm năng lớn về tài nguyên nước, là vùng đầu nguồn của một số hệ thống sông lớn như sông Đà, sông Mã, sông Bôi,... với lưu vực rộng lớn. Lượng mưa hàng năm khá cao (từ 1800mm - 2500mm/năm) và các hồ, đập thủy lợi, thủy điện cũng làm cho tài nguyên nước ở Tây Bắc dồi dào hơn. Tổng trữ lượng nước mặt của toàn vùng có khoảng 56 tỷ m3/ năm, có tiềm năng thuỷ điện đứng đầu trong cả nước (có thể khai thác 33 tỉ KWh, chiếm hơn 30% tổng tiềm năng thủy điện của cả nước). Chất lượng nước mặt còn tốt, nhất là ở thượng nguồn các sông. Trữ lượng nước ngầm có tiềm năng khai thác hàng năm là 3,8 tỷ m3, chất lượng nước rất tốt. Ngoài ra, ở Tây Bắc còn có hơn 60 mỏ nước khoáng, nóng có chất lượng tốt, có thể khai thác phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội (nhất là cho phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và sản xuất nước uống).
Hiện tại, nhu cầu sử dụng nước của vùng ước tính mới khoảng 5,06 tỷ m3/năm, tương đương 9% nguồn tài nguyên nước của toàn vùng. Trong đó, nhu cầu nước cho nông nghiệp chiếm 88,7%, sinh hoạt chiếm 5,6 %, chăn nuôi 2,5 %, công nghiệp chiếm 1,3%, nuôi trồng thủy sản 0,5 %, dịch vụ 1,4%. Tuy nhiên, tài nguyên nước và lưu lượng dòng chảy phân bố không đều giữa các nơi, các mùa và tình trạng suy thoái rừng (nhất là rừng đầu nguồn) ở Tây Bắc là một trở ngại lớn cho việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ở vùng này. Tỷ lệ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả nước, nhiều địa phương vẫn thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của dân cư (đặc biệt là vào các tháng ít mưa).
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các hoạt động kinh tế- xã hội ở Tây Bắc chưa tác động lớn đến chất lượng nước trong vùng. Song, ở một số nơi cũng đã có biểu hiện ô nhiễm cục bộ do nước thải chưa qua xử lý của các đô thị, từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, các cơ sở thương mại, dịch vụ và nước thải sinh hoạt của dân cư. Việc khai thác nước ngầm thiếu quy hoạch và các giải pháp kỹ thuật cũng tiềm ẩn nguy cơ làm suy thoái nguồn tài nguyên này.
Từ đánh giá thực trạng trên đây, đề tài khẳng định rằng, việc quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước là vấn đề hết sức quan trọng đối với phát triển theo hướng bền vững của toàn vùng. Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ cho việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước của vùng Tây Bắc; trong đó, quản lý tổng hợp lưu vực sông, bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hợp lý nước trong nông nghiệp, xử lý các nguồn nước thải và nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch sinh hoạt của dân cư,... là những giải pháp quan trọng, cả trước mắt cũng như về lâu dài đối với vùng Tây Bắc.
Có thể tham khảo, khai thác tư liệu và tìm hiểu sâu hơn kết quả nghiên cứu đề tài trong Báo cáo tổng hợp được lưu giữ tại Thư viện Viện NC Môi trường và Phát triển bền vững./.