Nghiên cứu, đề xuất mô hình sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới thuộc ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia (gồm các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ratanakiri, Attapeu)

01/03/2021 11:59

THÔNG TIN ĐỀ TÀI

Tên đề tài Nghiên cứu, đề xuất mô hình sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới thuộc ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia (gồm các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ratanakiri, Attapeu)
Mã số đề tài TN18/T09
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Địa lý
Thuộc Danh mục đề tài Nhiệm vụ thuộc Chương trình Tây nguyên 2016-2020
Họ và tên ThS. Vương Hồng Nhật
Thời gian thực hiện 01/07/2018 - 31/12/2020
Tổng kinh phí 8.550 triệu đồng
Xếp loại Đạt
Mục tiêu đề tài

Mục tiêu chung:
- Góp phần xây dựng biên giới ổn định và thực hiện các nội dung của Hiệp định Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia
Mục tiêu cụ thể:
-  Xây dựng được bộ chỉ số của mô hình sử dụng bền vững TNTN xuyên biên giới (đất, nước, rừng) làm cơ sở khoa học phục vụ và khuyến cáo các bên liên quan lập kế hoạch sử dụng phù hợp.
-  Đề xuất được các dạng mô hình sử dụng bền vững TNTN xuyên biên giới (đất, nước, rừng) khu vực nghiên cứu.

Kết quả chính của đề tài

Về khoa học:
- Khu vực nghiên cứu có nguồn tài nguyên rừng dồi dào với tổng diện tích rừng 3.157.957 ha, tạo độ che phủ 74,1% nhưng không đồng đều theo các tỉnh. Các tỉnh Attapeu, Ratanakiri có diện tích lớn, độ che phủ cao; Kon Tum, Quảng Nam ở mức độ trung bình; Đà Nẵng ở mức độ thấp. So với  độ che phủ của Việt Nam (2018) là 41,65%, của Lào (2015) là 57,4%, của Campuchia (2016) là 52,85% thì độ che phủ của các tỉnh đều hơn độ che phủ trung bình của quốc gia. Riêng với các tỉnh của Việt Nam, so với  mục tiêu phát triển lâm nghiệp Việt Nam (đến năm 2020 đạt độ che phủ 47%) thì tỉnh có độ che phủ thấp nhất (Đà Nẵng) cũng gần đạt, còn các tỉnh khác vượt xa mục tiêu này. Diện tích rừng/người trung bình ở khu vực đạt 0,97ha; nhưng có sự khác biệt lớn theo tỉnh. So với trị số này của Việt Nam (2018) là 0,15 ha thì Đà Nẵng quá thấp, Kon Tum và Quảng Nam đều lớn hơn; so với Lào (2015) là 1,82ha;  Campuchia (2016) là 0,56 ha thì 2 tỉnh Attapeu và Ratanakiri đều lớn hơn nhiều lần.
- Quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, rừng tại khu vực nghiên cứu trong giai đoạn 2000-2018 diễn biến tương đối phức tạp. Xu hướng chủ đạo trong khai thác tài nguyên đất là giảm diện tích rừng, tăng diện tích sản xuất nông nghiệp, tăng diện tích đô thị và các công trình cơ sở hạ tầng. Nhu cầu sử dụng nước rất khác biệt giữa các địa phương, ví dụ cho nông nghiệp, các tỉnh ở Việt Nam có tổng lượng nước dùng cho nông nghiệp ở mức độ rất cao trong khi hai tỉnh Attapeu và Ratanakiri đều có mức độ sử dụng nước cho nông nghiệp thuộc loại rất thấp. Mặc dù nguồn nước khá phong phú nhưng ở hầu hết 50 huyện đều có các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm nước, bao gồm cả các nguồn tập trung như các khu công nghiệp, các khu dân cư, khu vực chăn nuôi tập trung và nguồn phân tán như từ các khu vực trồng trọt. Do nguồn ô nhiễm và các công trình thủy lợi thủy điện, mức độ rủi ro tới đa dạng sinh học cũng rất khác nhau. Kết quả giải đoán ảnh Landsat giai đoạn 1988-2018, tập trung vào giai đọan 2000 - 2018 cho thấy qua 30 năm, tốc độ suy giảm rừng tự nhiên khoảng 1,5% / năm, trong đó: - Rừng kín tự nhiên giảm 1.479.444 ha, bình quân giảm 49.315 ha / năm; - Rừng thưa tăng từ 548.369 ha lên 1.236.045 ha, tổng số 687.676 ha và bình quân 22.922 ha / năm và diện tích bị ảnh hưởng bởi hoạt động của con người tăng từ 217.739 ha lên 1.032.944 ha, tổng số tăng 815.205 ha, bình quân 27.173 ha / năm.
- Sử dụng kỹ thuật Delphi kết hợp với tài liệu thực địa, nguồn tài liệu thu thập, đề tài đã xây dựng và tính toán định lượng giá trị của Bộ chỉ số sử dụng hợp lý các tài nguyên đất, nước, rừng khu vực xuyên biên giới Việt Nam- Lào- Campuchia với tổng cộng 74 chỉ số.
- Khung thể chế, chính sách sử dụng và quản lý tài nguyên đất, nước, rừng của ba quốc gia đều quy định rõ ràng về sở hữu, quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý vi phạm tài nguyên theo các điều, khoản trong các bộ luật chuyên ngành và một số luật khác. Cả 3 quốc gia đều tham gia và cam kết thực hiện các công ước quốc tế liên quan đến tài nguyên đất, nước, rừng. Hệ thống luật và văn bản dưới luật đều phù hợp với các thỏa thuận trong cam kết, tuy nhiên hình thức thực hiện vẫn còn có nhiều khác biệt cho mỗi Quốc gia. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng quá trình khai thác tài nguyên, sử dụng bộ chỉ số nêu trên, đề tài đã xây dựng mô hình sử dụng hợp lý tài nguyên đất, nước, rừng cho khu vực với nhiều kịch bản khác nhau. Năm kịch bản sử dụng hợp lý tài nguyên đất được xây dựng theo hướng điều chỉnh các chỉ số thuộc cả 5 hợp phần để tăng dần mức độ bền vững của mô hình cho từng tỉnh cũng như toàn khu vực. Năm kịch bản sử dụng hợp lý tài nguyên nước được xây dựng theo hướng từ điều chỉnh các chỉ số của hợp phần quản trị tài nguyên nươc sau đó đến điều chỉnh các chỉ số của hợp phần chất lượng nước; Sử dụng hợp lý tài nguyên nước phải là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan  và phải được thực thi và quản lý tổng hợp thống nhất và đồng bộ trên toàn bộ các lưu vực. Các kịch bản sử dụng bền vững tài nguyên rừng tập trung điều chỉnh các chỉ số về  sự suy giảm diện tích rừng tự nhiên, nâng cao độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng cả rừng tự nhiên và rừng trồng, duy trì, bảo tồn và nâng cao đa dạng sinh học, giữ vững tỷ  lệ diện tích rừng thuộc các VQG, khu bảo vệ tự nhiên, rừng đặc dụng trên tổng diện tích tự nhiên.

Về ứng dụng:
Sản phẩm của đề tài là những cơ sở khoa học có thể được ứng dụng ngay trong công tác giám sát, đánh giá, điều chỉnh tính hợp lý và độ bền vững của các mô hình sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới.

Những đóng góp mới

- Xây dựng được bộ chỉ số sử dụng hợp lý tài nguyên đất – nước – rừng cho khu vực nghiên cứu với với tổng cộng 74 chỉ số, cụ thể: Tài nguyên đất: 5 chủ đề, 18 chỉ số; tài nguyên nước: 5 chủ đề, 22 chỉ số; tài nguyên rừng: 8 chủ đề, 34 chỉ số;
- Xây dựng được một số kịch bản sử dụng hợp lý tài nguyên đất- nước – rừng làm cơ sở khoa học để các nhà quản lý hoạch định các chính sách khai thác bền vững tài nguyên xuyên biên giới.
- Đã thành lập bản đồ hiện trạng rừng toàn vùng tỷ lệ 1/250.000, các tỉnh tỷ lệ 1/100.000 tại hai thời điểm (năm 2000 và năm 2018);
- Đã biên tập và thành lập được bản đồ địa mạo toàn vùng tỷ lệ 1/250.000, các tỉnh tỷ lệ 1/100.000; nội dung và bản chú giải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; Kết quả, khu vực nghiên cứu xác định được 34 kiểu địa hình, gộp trong 6 nhóm kiến trúc hình thái
- Đã xây dựng được cơ sở dữ liệu GIS các kết quả của đề tài, xây dựng trang WEBGIS phục vụ lưu trữ cũng như chia sẻ các kết quả nghiên cứu của đề tài cho các cá nhân, đơn vị quan tâm sử dụng.

Địa chỉ ứng dụng

Các kết quả của đề tài sẽ được bàn giao cho:
- Uỷ ban Điều phối Tam giác phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
- Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ratanakiri, Atapeu,
- Các trường Đại học trên địa bàn Tây Nguyên,

Kiến nghị

- Khu vực nghiên cứu bao gồm 5 tỉnh có sự phân hóa sâu sắc về các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, đặc biệt là khí hậu, thủy văn giữa Đông và Tây Trường Sơn. Mặc dù đã có những kết quả bước đầu nhưng cần nghiên cứu chi tiết, cụ thể để có được kết quả phù hợp hơn với điều kiện của các vùng và tiểu vùng.
- Các kịch bản đang ở dạng đề xuất chưa đưa vào vận hành trong thực tiễn nên công việc kiểm định các kịch bản này chưa được thực hiện. Để hoàn thiện được cơ sở lý luận cũng như ứng dụng trong thực tiễn, cần thiết triển khai một số kịch bản đẻ có điều kiện tổ chức kiểm định tính khả thi của các kịch bản này. 

Ảnh nổi bật đề tài
1635999408385-132. vương hồng nhật.png
Liên kết website khác