BBT Viện KHCNVN: Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế về số lượng sản phẩm khoa học của các tổ chức khoa học và đào tạo của Việt Nam thường có sai số. Điều này xảy ra một phần do sự không nhất quán khi các nhà khoa học ghi tên đơn vị nghiên cứu. Về vấn đề này, chỉ đạo việc thống nhất trong việc đề tên, địa chỉ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong các công bố khoa học, văn bằng sở hữu trí tuệ và các sản phẩm KHCN khác hình thành từ nguồn NSNN, ngày 29/8/2012 Chủ tịch Viện KHCNVN đã ra Quyết định số 1164/QĐ-KHCNVN quy định về việc đề tên và địa chỉ như sau:
1. Tất cả các công bố khoa học, văn bằng sở hữu trí tuệ và các sản phẩm KHCN khác hình thành từ nguồn NSNN của các cá nhân và đơn vị trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phải được đề tên, địa chỉ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam sau tên đơn vị trực thuộc.
2. Tên và địa chỉ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam được ghi cụ thể như sau:
- Tên cơ quan tiếng Việt: Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (tên viết tắt: Viện KHCNVN).
- Địa chỉ cơ quan tiếng Việt: Số 18, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
- Tên cơ quan tiếng Anh: Vietnam Academy of Science and Technology (tên viết tắt: VAST).
- Địa chỉ cơ quan tiếng Anh: 18 Hoang Quoc Viet, Cau Giay, Hanoi, Vietnam.
Bảng xếp hạng với 20 đơn vị đứng đầu và chỉ số của 4 Trường Viện nghiên cứu khoa học của Việt Nam
Trong đó:
- WR: thứ tự xếp hạng thế giới.
- RR: thứ tự xếp hạng khu vực.
- CR: thứ tự xếp hạng trong nước.
- Organization: tên cơ quan, tổ chức.
- Sector: trực thuộc: GO (Chính phủ); HE (Giáo dục bậc cao, Đại học); HL (Tổ chức y tế, chăm sóc sức khỏe); PR (tổ chức tư nhân); OT (các tổ chức khác).
- Country: Quốc gia.
- Region: Khu vực: AF (Châu Phi); AS (Châu Á); EE (Đông Âu); LA (Mỹ La tinh); ME (Trung Đông); NA (Bắc Mỹ); OC(Châu Đại dương); WE (Tây Âu).
- Output: Tổng số công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới được lập chỉ mục trong Scopus.
- IC (%): International collaboration - Hợp tác quốc tế. Tỷ lệ tổng số công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín trên thế giới của một tổ chức trong quá trình hợp tác với các tổ chức quốc tế. Giá trị được tính bằng cách phân tích tổng số công trình nghiên cứu khoa học của tổ chức đó mà các chi nhánh liên kết của nó nhiều hơn một nước.
- Q1 (%): High quality publications - Ấn phẩm khoa học chất lượng cao. Tỷ lệ ấn phẩm mà tổ chức đó công bố trong các tạp chí khoa học có ảnh hưởng nhất trên thế giới; đó là 25% số tạp chí có ảnh hưởng lớn nhất được xếp hạng bởi SClmago Journal Rank - SJR indicator.
- NI: Normalized Impact - Tầm ảnh hưởng tiêu chuẩn. Các giá trị (theo%) cho thấy mối quan hệ giữa tầm ảnh hưởng khoa học trung bình của một tổ chức và trung bình của thế giới được thiết lập theo điểm số 1 - tức là nếu điểm số NI là 0,8 thì có nghĩa tổ chức đó được trích dẫn 20% dưới mức trung bình của thế giới và điểm số là 1,3 thì có nghĩa tổ chức đó được trích dẫn 30% trên mức trung bình.
- Spec: Specilization Index - Chỉ số chuyên môn hóa trong nghiên cứu. Chỉ số chuyên môn hóa cho biết mức độ tập trung hay phân tán theo chủ đề của công trình nghiên cứu khoa học được công bố của một tổ chức nghiên cứu. Giá trị nằm trong khoảng từ 0 đến 1 chỉ các tổ chức tổng hợp so với tổ chức chuyên ngành tương ứng. Chỉ số này được tính theo chỉ số Gini thường được sử dụng trong kinh tế.
- Exc (%): Excellence rate - Tỷ lệ xuất sắc trong nghiên cứu. Tỷ lệ xuất sắc cho biết tỷ lệ các công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc (%) trong tổng số các công trình nghiên cứu khoa học của một tổ chức nghiên cứu, bao gồm 10% tổng số các bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong các lĩnh vực nghiên cứu riêng. Nó là thước đo số công trình nghiên cứu khoa học chất lượng cao của chính tổ chức nghiên cứu đó.
- Leadership: Scientific leadership - Quản lý khoa học. Chỉ số Leadership cho thấy “tổng số công trình nghiên cứu khoa học được coi như là sự đóng góp chính” của một tổ chức nghiên cứu, điều đó có nghĩa là số lượng bài báo là của tác giả thuộc tổ chức nghiên cứu đó.
"TT. Theo công bố mới nhất của Viện SCImago (Tây Ban Nha - một tổ chức có uy tín về xếp hạng và đánh giá khoa học), vị trí của các viện, trường đại học của Việt Nam tiếp tục tụt hạng.
Ông Phạm Bích San - phó tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam - khi nghe thông tin này đã cho rằng “không ngạc nhiên”, và khẳng định đất nước khó vươn lên khi khoa học tiếp tục tụt hậu.
Theo công bố của SCImago Institutions Rankings (Tây Ban Nha), xếp hạng năng lực và chất lượng nghiên cứu khoa học của các viện, trường ĐH của VN giảm mạnh so với năm 2011.
Không những vậy, theo các chuyên gia, những công trình nghiên cứu có chất lượng chủ yếu do nước ngoài chủ trì, người VN chỉ đóng vai trò thu thập dữ liệu.
Tụt hạng
Tính về mặt số lượng bài báo công bố năm 2012, các viện, trường của VN nằm trong danh sách này đều có số lượng tăng đáng kể so với năm trước, tuy nhiên về xếp hạng thì lại bị tụt khá nhiều. Đáng chú ý là ĐH Quốc gia Hà Nội bị tụt gần 200 bậc ở mức thế giới, xếp hạng khu vực cũng bị tụt đáng kể. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên lọt vào danh sách này và thứ hạng cũng chỉ cách ĐH Quốc gia Hà Nội bốn bậc ở phạm vi thế giới.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu y khoa Garvan, ĐH New South Wales (Úc), SCImago là một tổ chức uy tín về xếp hạng và đánh giá khoa học. Họ làm việc chặt chẽ với các trung tâm như Scopus, Thomson ISI và tiếp cận được nhiều dữ liệu khoa học của hai trung tâm này. SCImago là nhóm nghiên cứu có uy tín trong chuyên ngành đo lường khoa học, từng công bố phương pháp xếp hạng và đã được cộng đồng khoa học công nhận. Theo đó, việc đánh giá ĐH dựa vào sáu tiêu chí chính: đầu ra của nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tính tập trung hay chuyên môn hóa trong nghiên cứu, chất lượng tập san khoa học, tính xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, và tầm ảnh hưởng. Tất cả những tiêu chí này hoàn toàn hợp lý và được giới khoa học quốc tế sử dụng. Họ công khai dữ liệu, cho phép chúng ta kiểm tra dữ liệu và phương pháp phân tích của họ. Bảng xếp hạng của SCImago là bảng xếp hạng về năng lực và chất lượng nghiên cứu khoa học.
Nguyên nhân của sự tụt hạng này, theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức - phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, là tốc độ chung về tăng sản phẩm khoa học lại không bằng của thế giới dẫn đến việc tụt hạng. “Nếu xảy ra sự tụt hạng theo cách này thì nguyên nhân chủ yếu nằm ở khâu đầu tư cho khoa học. Các quốc gia trên thế giới quan niệm chính sách đầu tư cho khoa học là đầu tư cho phát triển và họ đầu tư phù hợp với mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, chúng ta cũng xác định rất rõ đầu tư cho khoa học là đầu tư cho phát triển nhưng thực tế triển khai lại không được như vậy. Lưu ý rằng ngay cả khi đầu tư tốt nhưng giải pháp tổ chức các hoạt động khoa học công nghệ, tổ chức các hệ thống quỹ khoa học, hệ thống các đề tài, dự án không hợp lý cũng khó thành công” - GS Đức chia sẻ.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, chất lượng bài báo khoa học của VN nếu so trong khu vực Đông Nam Á chỉ đứng sau Singapore và Thái Lan (về tần số trích dẫn, chỉ số xuất sắc). Điểm đáng lưu ý là theo GS Tuấn, những bài báo chất lượng của VN chủ yếu là do nước ngoài chủ trì, người VN chỉ thu thập dữ liệu, còn việc phân tích, đánh giá và công bố do người nước ngoài thực hiện. Nếu Thái Lan tự làm khoảng 50% các công trình nghiên cứu có chất lượng thì VN chỉ khoảng 10-20%. “Tôi nghĩ mục tiêu của chúng ta không phải là lọt vào top 200, 400... của bảng xếp hạng này mà cần tập trung vào việc xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện cơ chế tài trợ cho nghiên cứu, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, không nên chạy theo số lượng” - ông Tuấn nói thêm.
Bảng xếp hạng ba trường ĐH, viện của VN theo công bố của SCImago
Đánh giá tương đối
Đánh giá về việc tụt hạng này, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng việc xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học của SCImago hoàn toàn khách quan dựa trên số liệu thu thập được từ trung tâm dữ liệu Scopus. Tuy nhiên, với các trường ĐH ở VN thì việc tham gia những bảng xếp hạng thế giới thường xảy ra sai số nhất định. Chẳng hạn có tác giả sơ suất chỉ ghi tên đơn vị là Trường ĐH Khoa học tự nhiên mà không ghi rõ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội thì cơ sở dữ liệu không tính đó là sản phẩm khoa học của ĐH Quốc gia Hà Nội. Thứ nữa là do hệ thống tên gọi tiếng Anh của các trường ĐH đôi khi không được thống nhất hoặc cách dùng không ổn định. Hệ thống tìm kiếm của các bảng xếp hạng không đủ thông minh để khắc phục các thiếu sót ấy. Sai số này có khi lên đến 20-30%.
Nói về vị trí của các trường, viện VN trong bảng xếp hạng này, GS Tuấn cho rằng nên đánh giá một cách tương đối. Các ĐH VN chưa có những quy định về cách viết tên trường trong giao dịch quốc tế, nếu có thì các nhà khoa học cũng không tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định. Ví dụ như ĐH Quốc gia TP.HCM xuất hiện trong các cơ sở dữ liệu dưới ít nhất là năm tên khác nhau! Ngay cả Viện Khoa học và công nghệ VN cũng thế, có người chỉ đơn giản viết VAST! Ngoài ra, hai ĐH quốc gia là tập hợp của nhiều ĐH, và nhà khoa học của ĐH thành viên có khi không ghi tên ĐH Quốc gia (tức không ghi tên ĐH “mẹ”). Điều này tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến cách tính năng suất khoa học của ĐH VN. Riêng trường hợp của ĐH Quốc gia TP.HCM, theo GS Tuấn, sau khi so sánh và đối chiếu những số liệu của trường và SCImago thì thấy độ tương đồng cũng khoảng 80%. Nói cách khác, trong trường hợp VN, chúng ta chỉ nên xem cách xếp hạng của SCImago một cách tương đối vì những lý do trên.
Theo bảng xếp hạng năm 2012, có bốn đơn vị là Viện Khoa học công nghệ VN, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lọt vào bảng xếp hạng của SCImago. Nếu tính theo quốc gia, Viện Khoa học và công nghệ VN đứng đầu VN, kế đến là ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (xếp thứ 4 quốc gia, 857 khu vực và 3.160 thế giới)."