NXB Viện Khoa học Việt Nam. Giấy phép xuất bản số 90/CXB. In xong và nộp lưu chiểu tháng 4 - 1993
Tổng số trang:90.
Lời nói đầu Cảnh quan học đã xâm nhập vào Việt Nam trong khoảng 30 năm gần đây và được các nhà khoa học nghiên cứu về cảnh quan Việt Nam vận dụng sáng tạo với những kết quả đáng khích lệ. Một số công trình nghiên cứu lý luận và ứng dụng đã được công bố, áp dụng trong thực tiễn sản xuất trên địa bàn toàn quốc. Tuy nhiên trong quá trình vận dụng, do xuất phát từ nhiều nguồn tiếp cận (Liên Xô, các nước Đông Âu cũ, các nước phương tây), từ nhiều lĩnh vực ứng dụng (cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng, bảo vệ môi trường. . .) nên phương pháp nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn không thống nhất, gây nhiều lúng túng cho người sử dụng kết quả. Đôi khi còn gây ra những nhận định mâu thuẫn nhau về cùng một đối tượng tự nhiên.
Nghiên cứu cảnh quan thực chất là nghiên cứu về các mối quan hệ tương hỗ giữa các hợp phần tự nhiên, nguồn gốc phát sinh, quá trình phát triển và quy luật phân hóa tự nhiên nhằm phát hiện và phân chia ra các thể tổng hợp tự nhiên – các đơn vị cảnh quan có tính đồng nhất tương đối trong lãnh thổ làm cơ sở đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên – tài nguyên thiên nhiên và kinh tế xã hội để lập quy hoạch sử dụng hợp lý, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường.
Ngành cảnh quan học đã và đang khẳng định vai trò quan trọng của mình trong đời sống kinh tế – xã hội của nước ta, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, những nhu cầu về quy hoạch, tổ chức sản xuất trên những lãnh thổ nhỏ, cần phải xây dựng các bản đồ tỷ lệ lớn càng trở nên cấp thiết.
Nhận thức được ý nghĩa thực tiễn đó, trong tình hình còn nhiều vấn đề chưa thống nhất về nội dung, phương pháp nghiên cứu cảnh quan ở nước ta, trong hai năm (1991 – 1992) Hội đồng khoa học Trung tâm Địa lý – Tài nguyên thuộc Viện Khoa học Việt Nam đã giao cho Phòng Địa lý – Tự nhiên tổng hợp chủ trì đề tài “Nghiên cứu thành lập bản đồ cảnh quan các tỷ lệ trên lãnh thổ Việt Nam”, bước đầu đưa ra hệ thống phân loại, cô đọng và đầy đủ với các chỉ tiêu cụ thể để thành lập bản đồ cảnh quan ở các tỷ lệ khác nhau nhằm phục vụ các ngành điều tra, nghiên cứu về thiên nhiên có quan tâm đến bộ môn khoa học này trong nghiên cứu và ứng dụng cho thực tiễn.
Tập sách nhỏ này là một phần nội dung của đề tài do tập thể cán bộ của phòng biên soạn trong thời gian ngắn với sự nỗ lực, lao động trong điều kiện hết sức khó khăn.
Là người theo dõi liên tục quá trình lao động của tập thể tác giả, tôi vui mừng giới thiệu với độc giả sách này và tin tưởng nó sẽ đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu và ứng dụng cảnh quan học ở nước ta.
Hà Nội, ngày 9 tháng 12 nămg 1992
Giám đốc Trugn tâm Địa lý – Tài nguyên
Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm
Giáo sư Nguyễn Thượng Hùng