1. TIỀM NĂNG TÀI NGUYÊN NƯỚC MẶT VÀ KHAI THÁC SỬ DỤNG
1.1 Lưu vực sông Sê San - Srêpok và Tài nguyên nước mặt
Sông Sê San là một trong những nhánh chính của sông Mê Kông. Tổng diện tích lưu vực sông Sê San là 18.570 km2 với khoảng 40% (6.960 km2) nằm trên địa phận Căm Pu Chia và 60% (11.450 km2) nằm ở địa phận Việt Nam. Chiều dài sông chính là 462 km, sông Sê San nhập với sông Srêpok ở cuối tỉnh Stung Treng, trước khi đổ vào dòng chính Mê Công, nhận thêm sông Sê Công từ địa phận Lào chảy về tạo nên vùng đồng bằng rộng lớn.
Tiềm năng nước mặt lưu vực sông Sê San là khá phong phú và đủ đáp ứng cho các nhu cầu nước trên lưu vực. Mô duyn dòng chảy trung bình nhiều năm trên lưu vực sông Sê San thay đổi khá lớn giữa các sông nhánh, từ 40 l/s/1km2 ở phần thượng lưu đến 25 - 35 l/s/1km2 ở phần hạ du, nhưng theo dòng chính thay đổi không đáng kể. Ví dụ, trên dòng chính tại tuyến Kon Tum (Việt Nam) có M0 = 32,0 l/skm2, tại Sê San 3 có M0 = 35,1 l/skm2 , và tại tuyến Veun Sai (Campuchia) M0 = 34,5 l/skm2. Các đặc trưng dòng chảy trung bình năm tại các tuyến khác nhau trên dòng chính Sê San như bảng 1.
Bảng 1: Dòng chảy trung bình nhiều năm lưu vực Sê San
TT | Tuyến | Khu vực | F (km2) | Q0 (m3/s) | M0 (l/s/1km2) | W0 (109m3) |
1 | Yaly | Việt Nam | 7455 | 259,0 | 34,7 | 8,160 |
2 | Sê San 3 | - | 7795 | 274,0 | 35,1 | 8,631 |
3 | Hạ Sê San 3 | Campuchia | 15400 | 538,0 | 34,9 | 16,969 |
4 | Vuen Sai | - | 16300 | 562,0 | 34,5 | 17,700 |
Nguồn: Công ty PEEC 1
Phân bố dòng chảy trong năm cơ bản có hai mùa gồm mùa lũ từ tháng VII đến tháng XII với tổng lượng nước chiếm tới 80% so với cả năm. Tháng có dòng chảy lớn nhất là tháng IX và nhỏ nhất là tháng IV (bảng 2).
Bảng 2: Lưu lượng dòng chảy trung bình nhiều năm lưu vực Sê San (m3/s)
Tuyến | I | II | III | IV | V | VI | VII | VIII | IX | X | XI | XII | Năm |
Kon Tum | 130,4 | 94,5 | 74,2 | 73,9 | 112,4 | 207,2 | 301,4 | 498,1 | 570,4 | 471,9 | 375,4 | 221,6 | 261,0 |
Sê San 4 | 163,1 | 118,2 | 92,8 | 92,5 | 140,6 | 259,1 | 377,0 | 623,1 | 713,6 | 590,3 | 469,7 | 277,2 | 326,4 |
Veun Sai | 350,5 | 255,6 | 190,5 | 186,9 | 263,4 | 291,7 | 537,9 | 815,0 | 1179 | 920,9 | 1129 | 623,1 | 562,0 |
Những năm gần đây (2001-2008) chế độ dòng chảy trong năm ở vùng hạ lưu Sê San có thay đổi đáng kể do các hoạt động điều tiết phát điện của các thủy điện thượng lưu. Trong đó sự dao động dòng chảy theo ngày trong thời kỳ mùa khô là khá rõ rệt, điều này thấy qua quá trình mực nước điển hình tháng 1 trong các năm 2001-2003 tại tuyến Andong Meas gần phía Việt Nam.
Sông Srêpok có tổng diện tích tự nhiên lưu vực tính đến cửa ra (nhập với Sê San) là 30.900 km2, phần diện tích thuộc Việt Nam là 18.264 km2 với hai nhánh chính là Krông Knô và Krông Ana. Nhánh Krông Knô bắt nguồn từ những dãy núi cao trên 2000 m với diện tích toàn lưu vực Krông Knô là 4.620 km2, dòng chính dài 56 km, độ dốc bình quân lưu vực là 17,6% độ cao bình quân lưu vực 917 m và mật độ lưới sông là 0,86 km/km2. Nhánh Krông Ana là hợp lưu chủ yếu của 3 sông sông Krông Buk, Krông Pach và Krông Bông, tổng diện tích lưu vực là 3.200 km2, chiều dài dòng chính là 215 km, độ đốc của những sông nhánh lớn thượng nguồn từ 4 đến5%0, đoạn sông phía hạ lưu khoảng 0,25%0.
Tài nguyên nước mặt lưu vực sông Srêpok khá phong phú, với mô duyn dòng chảy trung bình nhiều năm trên lưu vực thay đổi đáng kể từ 30 – 35 l/s/1km2 ở phần thượng lưu phía nam lưu vực xuống 23 – 27 l/s/1km2 ở phần trung và hạ lưu. Ví dụ, tại Đức Xuyên M0 = 35,0 l/s/1km2 đến Bản Đôn M0 = 25,3 l/s/1km2. Phần lưu vực thuộc Campuchia, tại tuyến Lumphat mô duyn dòng chảy trung bình nhiều năm M0 = 24,1 l/s/1km2 .
Trong năm, dòng chảy trên lưu vực sông Srêpok có mùa lũ thay đổi theo từng nhánh sông, trên nhánh Krong Ana mùa lũ từ tháng IX đến XII, trên nhánh Krong Nô từ tháng VIII đến XI, còn lại khu vực từ Cầu 14 xuống hạ lưu mùa lũ từ tháng VIII đến XII. Lượng nước trong mùa mùa lũ chiếm khoảng trên dưới 70% lượng nước cả năm.
Bảng 3: Dòng chảy trung bình nhiều năm lưu vực Srêpok
TT | TT | Khu vực | F (km2) | Q0 (m3/s) | M0 (l/s/1km2) | W0 (109m3) |
1 | Đức Xuyên | Việt Nam | 3080 | 107,9 | 33,1 | 3,219 |
2 | Sơn Giang | - | 3180 | 72,9 | 21,4 | 2,149 |
3 | Cầu 14 | - | 8610 | 235,4 | 25,5 | 6,974 |
4 | Lumphat | Campuchia | 16070 | 667,0 | 24,1 | 10,720 |
Phân phối dòng chảy trong năm trên lưu vực sông Srêpok lớn nhất vào tháng X hoặc XI và nhỏ nhất vào tháng IV (bảng 4).
Bảng 4: Đặc trưng dòng chảy trung bình nhiều năm sông Srêpok (m3/s)
Trạm | I | II | III | IV | V | VI | VII | VIII | IX | X | XI | XII |
Giang Sơn | 52,7 | 27,8 | 18,2 | 17,4 | 28,8 | 43,6 | 45,7 | 58,5 | 84,5 | 158,2 | 188,0 | 164,3 |
Đức Xuyên | 54,9 | 36,3 | 28,9 | 29,6 | 46,1 | 83,5 | 106,3 | 184,2 | 208,0 | 244,2 | 159,9 | 107,0 |
Cầu 14 | 121,8 | 76,4 | 56,5 | 55,7 | 92,4 | 192,7 | 214,0 | 292,8 | 388,7 | 487,6 | 381,3 | 266,8 |
(a) | (b) |
Hình 1: Phân bố dòng chảy trung bình nhiều năm
(a)- sông Sê San; (b)- sông Srêpok
1.2 Khai thác sử dụng tài nguyên
a- Phát triển thủy điện: Theo báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tính đến tháng 7-2011, khu vực Tây Nguyên có 34 dự án thủy điện lớn và vừa, 88 thủy điện nhỏ đã hoàn thành hoặc đang xây dựng (tổng công suất 4.523 MW) và hàng chục dự án đang nghiên cứu đầu tư.
Bảng 4: Các công trình thủy điện trên lưu vực Sê San – Srêpok
TT | Thủy điện | Sông | Diện tích lưu vực (km2) | Tổng dung tính (106m3) | Công suất lắp máy (MW) | Hiện trạng |
1 | ThượngKonTum | Sê San | 350 | 14,50 | 260 | Đang XD |
2 | Plei Krong | - | 3216 | 1.048,7 | 100 | Đã có |
3 | Yaly | Sê San | 7455 | 1.037,00 | 720 | - |
4 | Sê San 3 | - | 7788 | 92,00 | 260 | - |
5 | Sê San 3A | - | 8084 | 80,60 | 96 | - |
6 | Sê San 4 | - | 9326 | 893,30 | 360 | - |
7 | Sê San 4A | - | | 13,10 | 63 | - |
8 | Sê San 1 | - | 11070 | 136,50 | 90 | Quy hoạch |
9 | Hạ Sê San 3 | - | 15400 | | 180 | - |
10 | Hạ Sê San 2 | - | 49200 | 2296,50 | 420 | XD 2014 |
11 | Hạ Sê San 2A | - | 18550 | | 204 | Quy hoạch |
12 | Hạ Srêpok 2 | Srêpok | 30620 | | 180 | - |
13 | Precliang 1 | Precliang | 595 | 170,80 | 60 | - |
14 | Precliang 2 | - | 883 | 46,80 | 64 | - |
15 | Đức Xuyên | Srêpok | 1100 | 1749,78 | 58 | Đã có |
16 | BuonTouSrah | - | 2930 | 848,56 | 85 | - |
17 | Buôn Kuop | - | 7980 | 36,82 | 173 | - |
18 | Dray Linh | - | 8880 | 2,28 | 28 | - |
19 | Srêpok 3 | Srêpok | 9410 | 206,63 | 137 | - |
20 | Srêpok 4 | - | 10700 | 204,00 | 33 | - |
21 | Srêpok 4A | - | 9560 | | 64 | Đang XD |
Nguồn: PEEC1, 2008
- Khu vực thượng lưu thuộc Việt nam: Theo quy hoạch phát triển thủy điện trên lưu vực Sê San – Srêpok vùng thượng lưu thuộc Việt Nam đã được phê duyệt với các công trình thủy điện tính từ thượng lưu xuống tới biên giới Việt Nam – Campuchia như sau: (i)- Trên lưu vực Sê San có các công trình thủy điện Thượng Kon Tum, Pleikrong, Yaly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 và hồ điều hòa Sê San 4A nằm gần biên giới Việt Nam – Campuchia; (ii)- Trên lưu vực sông Srêpok có hệ thống các công trình thủy điện gồm Đức Xuyên, BuonTouSrah, Buôn Kuop, Dray Linh, Srêpok 3, Srêpok 4 và Srêpok 4A.
- Khu vực hạ lưu thuộc Campuchia: Nghiên cứu quy hoạch gần đây về phát triển thủy điện khu vực hạ du lưu vực Sê San- Srêpok thuộc Campuchia cho thấy có các thủy điện: Sê San 1, Hạ Sê San 2, Hạ sê San 2A, Hạ Sê San 3, Hạ Srepok 2 và 02 thủy điện trên sông nhánh Precliang (bảng 4).
Hình 2: Quy hoạch thủy điện hạ lưu Sê San – Srêpok (Sơ đồ 2, PECC1) b- Phát triển thuỷ lợi tưới:
- Phía lãnh thổ Việt Nam: Do điều kiện tự nhiên về khí hậu, đất đai và địa hình thuận lợi cho các loại cây nông nghiệp và công nghiệp nên đến nay trên hai lưu vực Sê San và Srêpok đã xây dựng được 984 công trình các loại gồm 507 hồ chứa, 455 đập dâng và 22 trạm bơm các loại với tổng năng lực thiết kế tưới cho 93.321 ha, tuy nhiên hiệu quả tưới trung bình mới đạt 62% so với năng lực thiết kế (bảng 5).
Lưu vực Sê San có điều kiện địa hình, đất đai hạn chế cho cây trồng nông nghiệp và công nghiệp nên diện tích canh tác chỉ khoảng gần 30% so với lưu vực Srêpok. Tuy nhiên hiệu quả tưới trung bình của các công trình thủy lợi trên lưu vực Sê San đạt tới 73%, cao hơn so với các công trình ở lưu vực Srêpok (58%). Số liệu thống kê ở bảng 5 cho thấy trên lưu vực Sê San các công trình thủy lợi chủ yếu là đập (83%), trong khi trên lưu vực Srêpok công trình thủy lợi chủ yếu là hồ chứa (82,4%). Qua khảo sát, đánh giá thực tế về công tác thủy lợi ở các địa phương cho thấy việc quản lý, duy tu đối với các đập là đơn giản và hiệu quả hơn, do vậy các công trình đập thường phục vụ tưới hiệu quả hơn. Cũng qua khảo sát thực tế, hầu hết các công trình hồ chứa thủy lợi nhỏ trên lưu vực Srêpok (Đăc Lăc và Đăc Nông) đều xuống cấp cả đầu mối và hệ thống kênh dẫn, nhiều công trình hầu như không còn khả năng trữ nước mà còn có nguy cơ hư hỏng trong mùa mưa lũ.
Bảng 5: Tổng hợp công trình thuỷ lợi lưu vực sông Sê San – Srêpok
TT | Lưu vực/Khu | T.số CT | Số công trình | F t.kế (ha) | F thực tưới (ha) |
Hồ | Đập | T.B | Tổng | Lúa | Cây CN |
I | Lưu vực Sê San | 455 | 71 | 376 | 8 | 24029 | 17591 | 8108 | 9483 |
1 | Krông Pô Kô | 229 | 10 | 219 | 0 | 7329 | 4304 | 2837 | 1467 |
2 | Đăk Bla | 131 | 15 | 108 | 8 | 7232 | 5249 | 3563 | 1686 |
3 | Hạ lưu Sê San | 95 | 46 | 49 | 0 | 9468 | 8038 | 1708 | 6330 |
II | Lưu vực Srêpok | 529 | 436 | 79 | 14 | 69292 | 40202 | 10454 | 29748 |
1 | Krông Knô | 34 | 23 | 11 | 0 | 2248 | 1241 | 347 | 894 |
2 | Krông Ana | 323 | 261 | 41 | 21 | 41350 | 26674 | 6926 | 19748 |
3 | Hạ lưu Srêpok | 111 | 89 | 22 | 0 | 19706 | 9251 | 1611 | 7640 |
4 | Ea Lôp- Ea Hleo | 54 | 49 | 5 | 0 | 5988 | 3026 | 1570 | 1456 |
| Tổng cộng | 984 | 507 | 455 | 22 | 93321 | 57793 | 18562 | 39231 |
Nguồn: Sở nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 5 tỉnh Tây Nguyên
- Phía hạ lưu Camphuchia: Khu vực hạ lưu Sê San – Srêpok thuộc Campuchia có tiềm năng đất đai rất lớn, tuy nhiên diện tích được tưới là rất hạ chế. Riêng tỉnh Ratanakiri chỉ có khoảng hơn 60 đập, hồ thủy lợi nhỏ với tổng dung tích 20,07 triệu m3 và tưới cho 1.338 ha. Tỉnh Stungtreng ở hạ lưu vực với diện tích được tưới là 2.300 ha.
c- Cấp nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp:
Hiện nay cấp nước cho các đô thị thuộc lưu vực sông Sê San (Kon Tum, Plei Ku, Đăc Tô, Kon Rẫy…) với tổng lượng khoảng 40.000m3/ngày đêm. Nguồn cấp chủ yếu từ nước sông và từ hồ Biển Hồ (cho thành phố Pleiku khoảng 20.000m3/ngày đêm). Trên lưu vực Srêpok nước sinh hoạt cho các khu đô thị tập trung chủ yếu khai thác nước ngầm với tổng công suất khai thác khoảng 60.000m3/ngày đêm, trong đó riêng cho thành phố Buôn Ma Thuột là khoảng 49.000m3/ngày đêm. Ngoài ra còn khai thác nước ngầm phục vụ cho công nghiệp chế biến, ví dụ công nghiệp chế biến ở Đăc Lăc bắt đầu phát triển như chế biến cao su, cà phê, mía đường và sản xuất giấy...v.v. Theo thống kê trên địa bàn các tỉnh thuộc lưu vực có trên 10 giếng khoan sâu từ 100-150 m cấp nước cho công nghiệp chế biến với tổng lưu lượng khai thác đạt 2.000 – 3.000 m3/ngày đêm.
Phía Campuchia, theo số liệu thống kê năm 2008, ba tỉnh Modulkiri, Ratanakiri và Stungtreng thuộc hạ lưu Sê San – Srêpok là một trong những khu vực kém phát triển của Campuchia với tổng dân số là 322.542 người, riêng Ratanakiri có 150.000 người. Do vậy khai thác sử dụng nước cho sinh hoạt, công nghiệp phía hạ lưu thuộc Campuchia hiện nay là không đáng kể, mới chỉ tập trung ở hai thị xã Ban Lung và Stung Treng, nguồn cấp nước cho các nhu cầu này chủ yếu là nước mặt từ hạ lưu hai sông Sê San và Srêpok.
Như vậy thực tế cho thấy nước sử dụng mang tính tiêu hao trên lưu vực Sê San – Srêpok chủ yếu là cho tưới nông nghiệp thuộc phía thượng lưu Việt Nam, còn lượng nước dùng cho sinh hoạt và công nghiệp là không đáng kể.
2. MÂU THUẪN XUYÊN BIÊN GIỚI TRONG SỬ DỤNG NƯỚC MẶT
2.1 Những nguyên nhân chính gây mâu thuẫn xuyên biên giới trong sử dụng nước mặt
Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và quản lý tài nguyên nước trên lưu vực Sê San – Srêpok cho thấy những nguyên nhân gây mâu thuẫn trong sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới chủ yếu là:
a). Điều kiện tự nhiên khác nhau đáng kể giữa thượng lưu (Việt Nam) và hạ lưu (Campuchia):
- Khu vực thượng lưu có tiềm năng thủy điện lớn do điều kiện địa hình địa hình lòng sông, lũng sông rất thuận lợi cho xây dựng các công trình thủy điện lớn. Trong khi đó khu vực hạ lưu điều kiện khó khăn hơn. Đây là nguyên nhân tự nhiên gây xung đột môi trường trong sử dụng tài nguyên nước cho lĩnh vực năng lượng.
- Cả khu vực thượng và hạ lưu đều có tiềm năng đất đai cho phát triển nông nghiệp, tuy nhiên khu vực thượng lưu có các cao nguyên rất phù hợp cho phát triển cây nông nghiệp và công nghiệp nếu xây dựng được các hệ thống công trình thủy lợi tưới tiêu hiệu quả.
- Phân bố tài nguyên sinh học, về rừng và các sản phẩm rừng cho đến nay trên lưu vực đã và đang bị khai thác quá mức, đặc biệt là khu vực thượng lưu phía Việt Nam. Những rừng già, chất lượng tốt còn lại chủ yếu ở phần diện tích phía Campuchia. Hiện nay có một số khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam như Ngọc Linh, Chư Yang Sin, Tà Đùng và Nam Ka. Khu vực hạ lưu phía Campuchia có các khu bảo tồn động vật hoang Lumphat (LWS), Vườn quốc gia Virachey (VNP) tại tỉnh Rattanakiri; Khu bảo tồn động vật hoang Phnom Prich (PPWS) và Khu bảo tồn đa dạng sinh học Seima (SBCA) tại tỉnh Mondulkiri. Riêng về cá sông phân bố chủ yếu ở hạ lưu phía Campuchia do các loài cá từ sông Mê Công vào Sê San và Srêpok.
b). Điều kiện kinh tế, xã hội quyết định sự khác nhau trong phát triển cơ sở hạ tầng giữa hai khu vực thượng và hạ lưu:
- Dân số ở khu vực thượng lưu Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai và Đăc Lăc) là khoảng 3,936 triệu người với mật độ trung bình 76 người/km2, trong khi dân số ba tỉnh hạ lưu thuộc Campuchia chỉ có 0,323 triệu người với mật độ 9 người/km2, tức là thượng lưu nhiều hơn 12 lần về số lượng và 8,4 lần về mật độ dân số. Về chất lượng dân số và các điều kiện xã hội khác như giáo dục, y tế, truyền thông ở khu vực thượng lưu cũng tốt hơn so với khu vực hạ lưu.
- Về tổng quan tài nguyên thiên nhiên là ngang nhau nhưng với sự chênh lệnh như vậy nên sự phát triển cơ sở hạ tầng khu vực thượng lưu cao hơn nhiều so với hạ lưu. Ví du về thủy điện, trong khi thượng lưu có hệ thống công trình thủy điện lớn trên cả hai sông, nhưng tại khu vực hạ lưu chỉ có một thủy điện nhỏ OOchum tại thị xã Ban Lung với công suất 1MW, và nay đang triển khai xây dựng thủy điện Hạ Sê San 2 công suất lắp máy 420 MW; hay về thủy lợi tưới cả tỉnh Ratanakiri chỉ có 60 công trình đập nhỏ tưới hơn 1.300 ha, trong khi chỉ riêng lưu vực Sê San thuộc Việt Nam có 455 công trình thủy lợi và thực tưới lên tới 17.591 ha, trong đó tưới lúa chiếm 46%.
- Nhận thức và kiến thức của cộng đồng trên toàn lưu vực về sử dụng tài nguyên nước đều còn thấp, năng lực của đội ngũ những người làm công tác từ quy hoạch đến vận hành khai thác các công trình thủy lợi, thủy điện không được cập nhật thường xuyên, đặc biệt là các kiến thức về quản lý tổng hợp tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước theo lưu vực sông. Đặc biệt trình độ dân trí giữa hai khu vực thượng lưu và hạ lưu còn chênh lệch lớn, khu vực thượng lưu được tiếp cận với khoa học kỹ thuật tốt hơn do được đầu tư nhiều hơn về giáo dục, đào tạo. Trong khi khu vực hạ lưu còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn đầu tư cho giáo dục, khoa học kỹ thuật.
c). Quản lý tài nguyên nước trên lưu vực chưa đồng bộ và thống nhất:
Mặc dù khu vực thượng lưu đã có “quy hoạch thuỷ lợi” và “quy hoạch thủy điện” nhưng mỗi quy hoạch chỉ tập trung vào mục đích của ngành mình mà chưa có tính quản lý tổng hợp theo lưu vực sông. Quản lý tài nguyên nước trên lưu vực vẫn theo địa giới hành chính và theo ngành nên gây ra rất nhiều khó khăn, ví dụ ngay khu vực thượng lưu vẫn chưa gắn quy hoạch thuỷ lợi vừa và nhỏ với quy hoạch thuỷ điện dẫn đến xung đột môi trường trong sử dụng nước,… hay việc cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước nước vẫn chưa làm đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, các nguồn nước trên lưu vực. Do đó dẫn đến việc khai thác sử dụng nước mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, khai thác quá mức, tạo ra nhiều mâu thuẫn trong sử dụng, quản lý làm giảm hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và gây hậu quả về môi trường trên lưu vực.
2.2 Những mẫu thuẫn cơ bản xuyên biên giới trong sử dụng nước mặt
Các kết quả nghiên cứu và đánh giá cho thấy những mâu thuẫn xuyên biên giới trong sử dụng nước trên lưu vực gồm:
a)- Mâu thuẫn trong phát triển thủy điện: Do điều kiện tự nhiên và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nên ở khu vực thượng lưu (Việt Nam) đã phát triển nhiều công trình thủy điện với tổng công suất lên đến 2374 MW, trong khi đó khu vực hạ lưu chưa có một công trình thủy điện đáng kể nào (chỉ có Hạ Sê San 2 công suất 420 MW sẽ khởi công vào 2014). Các thủy điện thượng lưu đã làm thay đổi đáng kể chế độ thủy văn, thủy lực trong sông khu vực hạ lưu từ đó gây ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác như khai thác cát sỏi, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, khai thác các vùng bãi ven sông,…
b)- Mâu thuẫn trong sử dụng nước cho phát triển nông nghiệp và cấp nước: Khu vực thượng lưu hiện có tới 984 công trình thủy lợi gồm 507 hồ chứa, 455 đập dâng, 22 trạm bơm với năng lực tưới theo thiết kế tới 93.321 ha, thực tế tưới được 57.800 ha đất canh tác với năng suất cao, trong đó có tới 1/3 là lúa, còn lại là tưới cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu. Trong khi đó khu vực hạ lưu thuộc Campuchia các công trình tưới còn rất hạn chế về số lượng, quy mô và chất lượng, ví dụ riêng tỉnh Ratanakiri chỉ có khoảng 60 hệ thống thủy lợi nhỏ với tổng diện tích tưới khoảng 2.300 ha với năng suất cây trồng thấp.
c)- Mâu thuẫn giữa trữ nước và xả nước của các hồ chứa thuỷ điện: Hồ chứa thủy điện luôn hoạt động theo cơ chế điều tiết theo nhu cầu phụ tải điện năng hàng ngày, tức trữ nước vào hồ khi nhu cầu điện giảm thấp và xả nước khỏi hồ qua nhà máy phát điện khi nhu cầu điện tăng cao. Do vậy việc trữ nước vào hồ để tăng thêm cột nước cho phát điện sẽ làm giảm mực nước ở dòng chính và các nhánh sông ở hạ du, đặc biệt trong mùa khô. Ngược lại nếu xả nước từ hồ quá nhiều và quá nhanh sẽ tạo nên sự dâng cao mực nước hạ lưu, thậm chí gây thiệt hại trong mùa lũ lớn khi ở hạ lưu đã có lũ cao, ngoài ra trong mùa khô nếu xả nước quá nhiều sẽ làm giảm đáng kể công suất phát điện về sau do cột nước phát điện giảm, khi đó lại tạo ra sự thiếu nước cho hạ lưu.
d)- Mâu thuẫn trong bảo vệ môi trường, sinh thái: Các hoạt động của các công trình thủy điện, thủy lợi thượng lưu đã làm thay đổi, tiêu hao nước và tác động xuống hạ lưu và cũng làm tăng các nguy cơ ô nhiễm nước, dẫn đến gia tăng thách thức trong bảo vệ môi trường. Hiện nay mâu thuẫn này chưa gay gắt vì các nhu cầu nước hạ lưu còn rất thấp so với nguồn nước đến từ thượng lưu, nhưng trong tương lai khi sản xuất nông nghiệp, kinh tế xã hội, công nghiệp khu vực hạ lưu phát triển sẽ là những thách thức lớn trong sử dụng và quản lý tài nguyên nước.
Những mâu thuẫn này dẫn đến một số hậu quả bất lợi cho khu vực hạ lưu như giảm năng suất cây trồng, đặc biệt những năm hạn hán còn gây mất mùa, thiếu lương thực; gây ô nhiễm môi trường dọc sông hạ lưu,...Sử dụng nước mặt quá mức dẫn đến dòng chảy sông suối bị cạn kiệt, tăng cơ hội khai thác cát, sỏi tự do không có tổ chức hướng dẫn và quy định dẫn đến gây xói lở bờ, chế độ dòng chảy trên sông bị thay đổi.
3. ĐỀ XUẤT HƯỚNG GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN XUYÊN BIÊN GIỚI TRONG SỬ DỤNG NƯỚC
3.1. Tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực sông
a)- Lập quy hoạch phát triển các ngành một cách đồng bộ, thống nhất trên quan điểm sử dụng nước tổng hợp, cấp giấy phép khai thác sử dụng nước:
Cần phối hợp giưa thượng và hạ lưu (Việt Nam và Campuchia) để kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, nhu cầu nước và xả nước thải. Từ đó rà soát bổ sung các quy hoạch ngành theo hướng sử dụng nước tổng hợp để phát triển bền vững ngành, đặc biệt là các ngành sử dụng nước lớn như thủy lợi (tưới nông nghiệp, phòng chống lũ, hạn,…), thuỷ điện tạo năng lượng cho khu vực, và cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, bảo vệ môi trường. Yêu cầu bắt buộc là phải quy hoạch trên quan điểm tiếp cận tổng hợp, tránh chồng chéo và bỏ trống những vấn đề liên quan trong quản lý tài nguyên nước. Đồng thời xây dựng hệ thống cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật của từng quốc gia.
b)- Quản lý khai thác công trình thuỷ điện, thủy lợi trên quan điểm tổng hợp đa mục tiêu, hiệu quả cao:
Lập quy trình vận hành hệ thống các công trình thuỷ điện bậc thang trên lưu vực sông Sê San – Srê pok theo nhiệm vụ đa mục tiêu, trong đó đặt mục tiêu ưu tiên là giảm thiểu tác động bất lợi cho vùng hạ lưu. Đối với các công trình thuỷ lợi cần phải đặc biệt chú ý tới an toàn cũng và hiệu quả cấp nước, chú ý tới việc bổ sung, thay đổi mục đích khai thác, sử dụng theo hướng sử dụng tổng hợp nguồn nước nhằm nâng cao lợi ích kinh tế- xã hội và môi trường. Giải quyết tốt nhất mâu thuẫn giữa phát điện và phòng lũ, cấp nước, đặc biệt trong mùa khô đối với các nhu cầu sử dụng nước và bảo vệ môi trường hạ lưu.
c)- Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý tài nguyên nước các cấp của lưu vực sông: Với từng quốc gia phải thành lập các cơ quan quản lý tài nguyên nước với một hệ thống xuyên suốt từ trên xuống dưới cùng với nguồn lực đủ mạnh để đảm bảo thực hiện quản lý tổng hợp một cách hiệu quả. Đồng thời phải có hệ thống chính sách đầy đủ, thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh về quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực.
d)- Phổ biến pháp luật về tài nguyên nước:
Các luật pháp, chính sách về quản lý tổng hợp tài nguyên nước phải được phổ biến, học tập đến các cấp và cộng đồng dân cư bằng các phương tiện khác nhau. Đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý và công chức của ngành bằng nhiều hình thức ở trong nước và ngoài nước về quản lý tài nguyên nước.
3.2 Tăng cường hợp tác trong sử dụng nước giữa thượng lưu và hạ du
a)- Thực hiện đồng bộ một số giải pháp trên toàn bộ lưu vực sông:
Đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng cơ sở cho khu vực hạ lưu, trong đó có phát triển thủy điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng, phát triển thủy lợi phục vụ tưới tiêu và các nhu cầu nước khác. Thực tế hiện nay công trình thủy điện Hạ Sê San 2 đã được Chính phủ Hoàng gia Campuchia phê duyệt tháng 11/2012 và sẽ khởi công xây dựng vào 2014. Lâu dài cần xây dựng quy trình điều hành hệ thống hồ chứa gồm cả khu vực thượng lưu và hạ lưu.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông cho khu vực hạ lưu, đến nay đường giao thông từ biên giới Việt Nam – Campuchia tới thị xã Ban Lung đã được xây dựng, đường từ ban Lung đến Stung Treng đang được xây dựng và hoàn thiện, mạng lưới đường bộ liên huyện của khu vực hạ lưu cũng đang được chuẩn bị xây dựng.
b)- Phát triển hợp tác toàn diện giữa khu vực thượng lưu và hạ lưu:
Nhiều biện pháp giải quyết mâu thuẫn trong khai thác sử dụng nước giữa thượng lưu (Việt Nam) và hạ lưu (Campuchia) đã và đang được thực hiện trên cả hai sông Sê San và Srêpok, tuy nhiên mức độ hiệu quả tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố và khả năng triển khai thực hiện. Ví dụ Chương trình 5 giải pháp điều hành hồ Yaly đã được hai phía Việt Nam – Campuchia thống nhất và thành lập các tổ công tác của hai nước để thực hiện các giải pháp này rất hiệu quả với các nội dung chính:
Thông báo vận hành hồ chứa, đặc biệt trong điều kiện bình thường và khẩn cấp cần phải được thông báo trước gửi đến các bên liên quan, trong đó có gữi cho tỉnh Ratanakiri - Vương quốc Campuchia.
Việc xả nước từ hồ chứa Sesan1 (thuộc Campuchia) xuống hạ lưu cần tiến hành từ từ để người dân sống dọc sông Sê San có thể nhận biết được sự thay đổi mực nước để đề phòng.
Trong trường hợp bình thường, thông báo trước trong khoảng 15 ngày qua các Ủy ban Mê Công Quốc gia, Chính quyền các tỉnh có liên quan ở Việt Nam và Campuchia và Ban Thư ký Mê Công (MRCS).
Trong trường hợp khẩn cấp và tình hình lũ lớn, việc cảnh báo phải được chuyển trực tiếp đến các cấp thích đáng.
Trong quá trình thực hiện vận hành luôn luôn đúc rút kinh nghiệm nhằm tìm ra những biện pháp giảm thiểu tác động môi trường có hiệu quả cao.
Thực tế sau một số năm thực hiện 5 giải pháp này các sự cố đã không còn xảy ra, tạo niềm tin cho cả hai phía, và cũng tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho vận hành khai thác các thủy điện khác trên lưu vực.
c)- Tăng cường hợp tác toàn diện giữa các tỉnh địa phương của hai nước thuộc lưu vực sông Sê San – Srêpok thông qua các hoạt động kinh tế, đối ngoại:
Đặc biệt giữa các tỉnh của hai nước có cùng chung biên giới: Kon Tum và Gia Lai với Ratanakiri và Đăc Lăc với Mondulkiri. Hiện nay đã có hàng loạt các hoạt động hợp tác giữa hai nước và giữa các tỉnh của Việt Nam và Campuchia được ký kết và triển khai, ví dụ đoạn đường bộ số 78 từ biên giới đến thị xã Ban Lung đã được nâng cấp bằng sự hỗ trợ của phía Việt Nam, hay sự tham gia đầu từ của Tập đoàn năng lượng Việt Nam vào dự án thủy điện Hạ Sê San 2 của Campuchia.
4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Tài nguyên nước lưu vực sông Sê San - Srêpok có tiềm năng lớn, nhu cầu sử dụng cao và đa dạng, tuy nhiên hiện nay việc quản lý còn nhiều tồn tại ngay từ khâu quy hoạch phát triển đến khai thác sử dụng và đang gây ra nhiều mâu thuẫn làm giảm hiệu quả khai thác, gây cạn kiệt và xuống cấp tài nguyên nước.
Sê San – Srêpok là lưu vực sông liên quốc gia, có khu vực hạ du thuộc Campuchia, có các điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội khác nhau nên càng cần phải nâng cao sự thống nhất và hiệu quả trong quản lý và khai thác tài nguyên nước, đặc biệt là phải làm giảm mức độ các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực.
Để giải quyết các mâu thuẫn này, thực tế hiện nay đã có một số giải pháp có hiệu quả. Tuy vậy cần tiếp tục triển khai những biện pháp công trình như phát triển cơ sở hạ tầng như thủy điện, thủy lợi, giao thông,… và các giải pháp tổng hợp như “quản lý tổng hợp tài nguyên nước”, hay “xây dựng quy trình vận hành các hệ thống hồ chứa thủy điện bậc thang”. Đồng thời tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia ở mọi cấp từ Trung ương đến địa phương nhằm trợ giúp lẫn nhau và đảm bảo khai thác tài nguyên nước một cách bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Công ty quản lý và khai thác công trình thủy lợi Kon Tum (2008), Các công trình thủy lợi xây dựng trên các sông thuộc tỉnh Kon Tum.
2. Công ty cổ phần xây dựng điện 4 (2008), Đánh giá tác động môi trường dự án thủy điện Srêpok 4A.
3. Công ty thủy điện Yaly (2007), Các kết quả chất lượng nước sông Sê San năm 2006, 2007.
4. Công ty thủy điện Yaly (2007), Các báo cáo liên quan đến vận hành điều tiết hồ chứa Yaly năm 2006, 2007.
5. Cục thống kê Kon Tum (2007), Niên giám thống kê các năm 2005-2007.
6. DHI (2006), Hydrodynamic Modeling of Se San river.
7. Institute of Technology of Cambodia (2010), Catchment profile of the Sekong, Sesan and Srepok (3S) Rivers (in Cambodia).
8. Nga Prom (2010), 3S River Basin – Provincial Sector Development Briefing Note - Ratanakiri Province.
9. PEEC 1 (2008), Đánh giá tác động môi trường dự án thủy điện Hạ Sê San 2, Năm 2008.
10. Royal Kingdom of Cambodia, Country Environment Profile, 2012.
11. SWECO (2006), Đánh giá tác động môi trường cho đoạn sông Sê San trên lãnh thổ Campuchia do phát triển thủy điện ở Việt Nam.
12. Sở Nông nghiệp & PTNT Gia Lai (2007), Các công trình thủy lợi thuộc tỉnh Gia Lai đến.
13. Sở Nông nghiệp & PTNT Gia Lai (2007), Các công trình thủy điện nhỏ trên lưu vực Sê San đến năm.
14. Trung tâm Thủy văn ứng dụng và Kỹ thuật môi trường (2008), Đánh giá tác động môi trường dự án thủy điện Hạ Sê San 1.
15. Trung tâm TVƯD&KTMT (2005), Báo cáo nghiên cứu đánh giá môi trường do các thủy điện bậc thang trên sông Sê San và Srêpok đến hạ lưu, 2004-2005.
16. UBND tỉnh Kon Tum (2006), Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Kon Tum, quy hoạch phát triển thuỷ lợi tinh Gia Lai.