1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Các đặc điểm về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo ra các thế mạnh cũng như các thách thức cho phát triển nông - lâm nghiệp của tỉnh. Sự đa dạng về địa hình, đất đai; đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, hệ thống sông suối dày đặc, qui mô dân số ngày càng lớn, các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng (nhất là ở nông thôn) tăng mạnh, chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển…đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Do đó, việc nghiên cứu phân tích các điều kiện phát triển, hiện trạng sản xuất nông - lâm nghiệp và các đề xuất giải pháp phục vụ phát triển nông - lâm nghiệp ở Thừa Thiên Huế là rất cần thiết.
2. NỘI DUNG
2.1. Điều kiện phát triển nông - lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế
2.1.1. Điều kiện tự nhiên
a. Vị trí địa lý
Thừa Thiên Huế giáp tỉnh Quảng Trị ở phía Bắc, phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, phía Tây giáp nước CHDCND Lào, phía Đông giáp Biển Đông. Lãnh thổ kéo dài từ 16044'30''Bắc đến 15059'30'Bắc. Như vậy Thừa Thiên Huế có vị trí trung độ trên trục giao lưu Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo thuận lợi trong mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu, phát triển kinh tế trong và ngoài nước.
b. Địa hình
Địa hình kéo dài theo phương Tây Bắc - Đông Nam, thấp dần từ Tây sang Đông và phân hóa thành các vùng: núi (núi thấp và núi trung bình), gò đồi (gò đồi thấp, đồi trung bình, đồi cao), đồng bằng, vùng đầm phá và cồn cát ven biển. Địa hình có độ dốc lớn (có 54% diện tích đất có độ dốc trên 250) [7], vùng đồng bằng duyên hải chỉ chiếm diện tích nhỏ hẹp. Đặc điểm địa hình kể trên vừa tạo ra khả năng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nhưng cũng đặt ra vấn đề cấp thiết là cần xây dựng các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp phù hợp với mỗi dạng địa hình để đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế, xã hội, môi trường.
c. Khí hậu [2]
Thừa Thiên Huế có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, mang tính chất chuyển tiếp giữa khí hậu miền Bắc và miền Nam.
- Chế độ nhiệt: Thừa Thiên Huế có một nền nhiệt độ cao, tiêu biểu cho chế độ nhiệt ở vùng nhiệt đới. Toàn tỉnh có tổng nhiệt độ trung bình năm dao động từ 8.0000C – 9.0000C, nhiệt độ trung bình năm trên 210C, nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất không dưới 170C, tháng nóng nhất vượt quá 300C, biên độ nhiệt năm bé.
- Chế độ mưa, ẩm: Thừa Thiên Huế là vùng có lượng mưa lớn, trung bình từ 2.100 - 2.900 mm, cao nhất đạt 3.800 - 4.900 mm, lượng mưa thấp nhất cũng đạt 1.500 – 1.800 mm, số ngày mưa từ 120 - 190 ngày/năm. Mưa phân hóa theo mùa, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, chiếm hơn 75% lượng mưa của cả năm. Lượng mưa ngày lớn nhất từ 400 - 650 mm, cực đại đến 1.000 mm. Độ ẩm trung bình năm ở Thừa Thiên Huế tương đối cao, dao động từ 83 - 87% và phân biệt thành hai mùa rõ rệt, thời gian độ ẩm không khí thấp kéo dài từ tháng IV đến tháng VIII (trùng với thời kỳ có gió Tây Nam khô nóng hoạt động), còn từ tháng X đến tháng III độ ẩm tăng cao.
- Chế độ gió: Nằm trong khu vực gió mùa Đông Nam Á, Thừa Thiên Huế chịu sự chi phối của 2 luồng gió mùa chính trong năm. Về mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau), hướng gió thịnh hành là Tây Bắc, Đông Bắc. Từ tháng V đến tháng IX là thời kỳ hoạt động của gió mùa Tây Nam, Đông hoặc Đông Nam, trong mùa này do hiệu ứng địa hình nên có gió Tây Nam khô nóng hoạt động làm tăng nhiệt độ đến 370C có khi đến 410C, độ ẩm giảm xuống còn rất thấp chỉ còn 30 - 45%.
- Một số hiện tượng thời tiết đặc biệt khác: Thừa Thiên Huế là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của các hiện tượng cực đoan gây bất lợi cho đời sống và sản xuất của con người như bão, áp thấp nhiệt đới, gió Tây Nam khô nóng, dông, lốc, mưa đá…
Tính chất nhiệt đới ẩm của khí hậu tạo thuận lợi để tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới với sự đa dạng các giống loài cây trồng, vật nuôi. Tính mùa của khí hậu quy định tính mùa trong sản xuất, đòi hỏi phải có sự bố trí cơ cấu mùa vụ thích hợp, tính thất thường của khí hậu đặt ra các yêu cầu về giống, thủy lợi… để hạn chế tối đa các thiệt hại do lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sương mù… gây ra.
d. Thủy văn
Hệ thống sông ngòi Thừa Thiên Huế phân bố khá đồng đều trên lãnh thổ. Mật độ sông suối khá dày, trung bình 0,57 - 0,85 km/km, ở vùng núi đạt 1 - 1,5 km/km. Các sông bắt nguồn từ vùng núi phía Tây rồi đổ vào đầm phá trước khi đổ ra biển Đông. Các sông thường ngắn, có diện tích lưu vực nhỏ, có dạng hình nhánh cây, tốc độ dòng chảy lớn. Chế độ dòng chảy của các sông khá đơn giản, mùa lũ và mùa cạn tương ứng với mùa mưa và mùa khô trong năm. Lượng dòng chảy mùa lũ chiếm 60 - 80% dòng chảy năm. Các sông suối cùng với hệ đầm phá (Tam Giang - Cầu Hai, An Cư), các trằm bàu (78 trằm, 4 bàu lớn nhỏ), hệ thống ao hồ, hồ chứa nước nhân tạo, nước ngầm... đã tạo nên nguồn nước dồi dào, hệ sinh thái đặc trưng có tác dụng tăng khả năng chủ động về nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước về mùa khô.
e. Thổ nhưỡng
Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế là 468.438 ha chiếm 92.7% diện tích tự nhiên toàn tỉnh với 10 nhóm đất chia thành 21 loại đất trong đó nhóm đất đỏ vàng (5 loại đất) có diện tích lớn nhất 351.365 ha, chiếm 69,52% tổng diện tích tự nhiên, nhóm đất cát (2 loại đất) có diện tích 47.162 ha (9,33%), nhóm đất phù sa (6 loại đất) với diện tích 36.980 ha (7,31%), nhóm đất mặn (2 loại đất), nhóm đất phèn (1 loại đất),nhóm đất lầy và than bùn (1 loại đất), nhóm đất xám (1 loại đất), nhóm đất mùn đỏ vàng (1 loại đất), nhóm đất thung lũng dốc tụ (1 loại đất), đất xói mòn trơ sỏi đá (1 loại đất) [8].
Chủng loại đất phong phú, sự khác biệt về tính chất, quy mô, sự phân bố của các loại đất ở các vùng sinh thái khác nhau đã tạo nên các vùng sản xuất đặc trưng riêng trong từng vùng. Ví dụ: Nhóm đất cát ở các huyện ven biển (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc) thích hợp với cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, rau màu, cây gia vị; Đất phù sa phân bố hầu hết các huyện trong tỉnh tốt cho cây lúa, cây hoa màu, lương thực khác (sắn, ngô, khoai lang…); Đất đỏ vàng trên đá phiến sét phân bố ở A Lưới, Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà, Huế, Phú Lộc có thể trồng được các cây công nghiệp dài ngày (cao su, cà phê, chè), các cây ăn quả (dứa, cam, quýt,...).
Đặc điểm thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo thuận lợi và cũng không ít khó khăn. Bên cạnh cơ hội phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị, hình thành các trang trại nông nghiệp, các mô hình nông lâm kết hợp, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, tạo ra giá trị sản xuất lớn còn phải đối mặt với thách thức về tăng cường chất lượng đất.
g. Sinh vật
Sinh vật ở tỉnh Thừa Thiên Huế rất đa dạng về thành phần loài, chủng loại và hệ sinh thái. Thực vật thuộc khu hệ thực vật nhiệt đới vùng đệm có sự giao lưu từ kỷ Đệ tam của các hệ thực vật phía Bắc và hệ thực vật phía Nam. Hệ thực vật rừng (thuộc kiểu rừng thường xanh mưa mùa nhiệt đới) chiếm diện tích rộng lớn. Thừa Thiên Huế có đủ 4 vùng sinh thái phân bố sinh vật: vùng núi, gò đồi, đồng bằng duyên hải và vùng đầm phá ven bờ, trong đó nổi bật lên là hệ sinh thái vườn Quốc gia Bạch Mã và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Có thể nói, sự đa dạng về thảm thực vật và hệ động vật là tiền đề hình thành và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, cây trồng bản địa và tạo khả năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và sinh thái của khu vực nghiên cứu.
2.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
a. Dân cư và nguồn lao động
Năm 2011, tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.103.136 người, chiếm 1,25% dân số cả nước. Tỉ lệ gia tăng tự nhiên thấp, chỉ còn 1,13% nhưng vẫn cao hơn tỉ lệ trung bình của cả nước (1,077%). Sự phân bố dân cư đang có xu hướng cân bằng giữa thành thị và nông thôn, nhưng đa số dân cư vẫn sống ở khu vực nông thôn (chiếm 51,56% tổng số dân toàn tỉnh).
Bảng 1. Dân số và tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế [1]
Năm | Số dân (người) | Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên (%) |
Thành thị | Nông thôn | Tổng |
2009 | 393.018 | 695.804 | 1.088.822 | 1,18 |
2010 | 470.907 | 619.972 | 1.090.879 | 1,16 |
2011 | 534.320 | 568.816 | 1.103.136 | 1,13 |
Nguồn lao động ngày càng tăng lên. Năm 2011, số lao động làm việc trong các ngành kinh tế là 571.239 người, số lao động trong ngành nông nghiệp và lâm nghiệp chỉ chiếm 28,1%. Tuy chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng đây vẫn là điều kiện quan trọng để tăng cường sức sản xuất trong ngành nông - lâm nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế.
b. Cơ sở hạ tầng nông thôn
Việc xây dựng, đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng ở nông thôn của tỉnh được đặc biệt chú trọng. Năm 2011, vốn đầu tư vào ngành nông - lâm nghiệp đạt 1.115.970 [1] triệu đồng. Ngoài ra, còn có nhiều nguồn lực khác tham gia hỗ trợ xây dựng nông thôn như các dự án sử dụng vốn ODA, các doanh nghiệp, Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân làm - Nhà nước hỗ trợ…
Hệ thống thủy lợi đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Toàn tỉnh có 500 công trình thủy lợi vừa và nhỏ bao gồm 259 trạm bơm điện, 239 hồ đập để chủ động cấp nước tưới cho 17.032 ha và tiêu úng cho 8.000 ha lúa; có 02 đập ngăn mặn, trên 100 cống lấy nước và trên 2.000 km kênh mương, đê bao, đê vùng để ngăn mặn, chống úng, tạo nguồn nước tưới... Đã đảm bảo tưới tiêu chủ động cho trên 90% diện tích canh tác [3]. Các công trình hồ Tả Trạch, thuỷ điện Hương Điền, công trình thuỷ lợi Tây Nam Hương Trà, hồ chứa nước Thuỷ Yên - Thuỷ Cam, đê Tây sông Ô Lâu, thuỷ lợi vùng cao… đã mang lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh.
Hệ thống giao thông nông thôn, mạng lưới điện đã được cải thiện đáng kể. Từ năm 2009 - 2012, đã xây dựng mới gần 144 km, sửa chữa, nâng cấp hơn 445 km đường giao thông nông thôn; gần 74% tuyến đường trục xã, liên xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 99,51% số thôn có đường ô tô đến, 100 % các xã trên địa bàn toàn tỉnh đã có điện …sự đầu tư này đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Các chương trình, chủ trương, chính sách khác như Xây dựng nông thôn mới, “Dồn điền đổi thửa”, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất...đã tạo ra những thay đổi tích cực ở nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế và thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp phát triển. Cụ thể: Tỷ lệ làm đất bằng máy đối với sản xuất lúa đạt 91%, khâu thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 70%... đã tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi.
2.2. Hiện trạng phát triển nông - lâm nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên Huế
2.2.1. Kết quả sản xuất nông - lâm nghiệp
a. Giá trị sản xuất
Năm 2011, tổng giá trị sản xuất theo giá thực tế của ngành nông - lâm nghiệp đạt 5.085.129 triệu đồng, chiếm 9,9 % giá trị sản xuất của toàn tỉnh, tăng 1,26 lần so với năm 2010. Trong đó, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 337.455 triệu đồng, tăng 1,08 lần so với năm 2010; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4.747.674 triệu đồng, chiếm 93,4 % tổng giá trị sản xuất của ngành nông - lâm nghiệp toàn tỉnh và liên tục tăng qua các năm [1].
b. Chuyển dịch cơ cấu ngành, cây trồng vật nuôi
Nông nghiệp
- Trồng trọt vẫn chiếm vị thế chủ đạo, đóng góp 3.185.982 triệu đồng (chiếm 67,1 % giá trị sản xuất nông nghiệp), ngành chăn nuôi chỉ đạt 1.1342.196 triệu đồng (chiếm 28,3 %), các hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp… cũng có sự phát triển nhưng vẫn còn chậm, chỉ đạt 219.496 triệu đồng (chiếm 4,6 %).
- Trong trồng trọt lúa vẫn là cây chủ lực.
Bảng 2 cho thấy lúa chiếm diện tích lớn nhất và được gieo trồng trong 3 vụ đông xuân, hè thu và mùa (trong đó, diện tích lúa vụ mùa ít chỉ chiếm 581 ha, phân bố ở huyện A Lưới). Diện tích cây sắn tăng mạnh vì nhiều vùng chuyển đổi diện tích sang trồng sắn do có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bảng 2. Diện tích một số loại/nhóm cây trồng ở tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2007 - 2011 (ha) [1]
Loại/Nhóm cây | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 |
Lúa | 50.419 | 50.846 | 53.038 | 53.705 | 53.445 |
Sắn | 7.339 | 7.248 | 6.932 | 7.080 | 7.811 |
Cây công nghiệp hàng năm | 7.722 | 7.007 | 6.776 | 6.555 | 6.284 |
Cây công nghiệp lâu năm | 8.979,8 | 9.690,5 | 9.604,3 | 9.980,6 | 10.163,1 |
Diện tích trồng nhóm cây công nghiệp lâu năm được mở rộng, năm 2011 tăng 182,5 ha so với 2010, trong đó diện tích cây cao su tăng liên tục từ 7.884,6 ha năm 2007 lên 9.038,7 ha năm 2011, phân bố chủ yếu ở các huyện như Nam Đông (3.538 ha), Hương Trà (2.421 ha), Phong Điền (1.508 ha), A Lưới (1.050 ha), Phú Lộc (522 ha). Diện tích cây công nghiệp hàng năm có xu hướng giảm (giảm 271 ha so với năm 2010) do có sự chuyển đổi các loại lạc, vừng, đậu… sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế hơn.
- Năng suất, sản lượng có sự thay đổi theo xu hướng tích cực
Năng suất của các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không ổn định qua các năm, chỉ có ngô, sắn, chè, cao su là có năng suất liên tục tăng nhưng mức tăng vẫn còn chậm, các cây còn lại biến động giảm nhưng không đáng kể.
Trong năm 2011, năng suất của lúa, sắn cao hơn mức trung bình của cả nước do được đầu tư mạnh. Trong đó, năng suất lúa đạt 56 tạ/ha, nhiều nơi cao trên mức trung bình chung của cả tỉnh như Quảng Điền, Hương Thủy, Hương Trà; năng suất sắn trung bình đạt 191,1tạ/ha, nơi cao nhất là Phong Điền, tiếp đến là Phú Lộc, Hương Trà, Nam Đông.
Bảng 3 cho thấy sản lượng các loại cây trồng biến động theo thời gian. Vào năm 2011, các loại cây lúa, sắn, cà phê nhân, cao su, một số loại cây khác như mía, hồ tiêu, sắn có sản lượng tăng so với năm 2010. Điều đó phản ánh sự phụ thuộc chặt chẽ của sản xuất nông nghiệp vào điều kiện tự nhiên lẫn điều kiện kinh tế - xã hội. Ví dụ: diện tích lúa tuy giảm nhưng sản lượng lại tăng do sử dụng các giống lúa có năng suất cao; sản lượng sắn tăng mạnh do giá sắn tăng cao, khâu tiêu thụ ổn định nên mở rộng diện tích trồng sắn và, tăng cường chăm sóc. Đặc biệt, cây cao su có sản lượng mủ thu hoạch tăng mạnh nhất do đây là cây trồng lâu năm có hiệu quả kinh tế cao và đã được xác định là cây trồng chủ lực xóa nghèo.
Bảng 3. Sản lượng một số cây trồng giai đoạn 2007 - 2011 (tấn) [1]
Loại cây | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 |
Lúa | 259.684 | 274.813 | 282.582 | 285.185 | 299.133 |
Sắn | 114.359 | 113.281 | 129.360 | 135.100 | 149.300 |
Cà phê nhân | 441,95 | 325,15 | 269,92 | 332 | 337,6 |
Cao su | 1.034 | 1.080 | 2.691,5 | 3.869,3 | 6.275,8 |
Cây ăn quả chủ yếu | 27.597,3 | 27.107,6 | 31.130,8 | 30.713,4 | 30.452 |
Chăn nuôi:
- Diện tích đất phục vụ cho mục đích chăn nuôi còn khiêm tốn. Thừa Thiên Huế có diện tích đồng cỏ phục vụ chăn nuôi là 125,83 ha (năm 2011) [1] so với chỉ tiêu qui hoạch về diện tích đất trồng cỏ chỉ đạt 1/10.
- Qui mô chăn nuôi còn nhỏ, lẻ, kém ổn định
Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 80 - 90%, chăn nuôi quy mô trang trại chiếm dưới 4%,... tập quán lạc hậu, công tác quy hoạch hầu như chưa có. Hình 1 cho thấy, qui mô đàn gia súc và gia cầm không lớn. Số lượng gia súc có xu hướng giảm còn gia cầm có xu hướng tăng, đặc biệt là đàn gà. Cụ thể: năm 2011, gia cầm tăng 66.860 con so với năm 2010, trong đó gà tăng 30.300 con. Còn lại lại là vịt, ngan ngỗng. Đàn trâu giảm 1.764 con, đàn bò giảm 1.271 con, đàn lợn giảm 14.037 con. Đây là hậu quả của các vấn đề như dịch bệnh, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, kỹ thuật chăn nuôi hạn chế…
Hình 1. Số lượng gia súc, gia cầm giai đoạn 2007 - 2011
b. Lâm nghiệp
- Khai thác gỗ và lâm sản là hoạt động chủ yếu, đóng góp lớn nhất vào giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp. Tỷ trọng giá trị sản xuất của hoạt động khai thác gỗ và lâm sản trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp chiếm 72,40% (năm 1996), 65,81% (năm 2006), 72,3%, (năm 2011) [1].
- Hoạt động trồng và nuôi rừng chiếm tỷ trọng không lớn (14,1%) trong giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp. Dịch vụ và các hoạt động lâm nghiệp khác chiếm 13,6%. Diện tích rừng trồng mới là 4.068 ha chủ yếu là ở các huyện Phong Điền, Thị xã Hương Trà huyện Phú Lộc, Thị xã Hương Thủy, huyện A Lưới. Trong năm 2011 đã khai thác 171.298 m3, 165.623 ster và 569 tấn nhựa thông góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân, đưa kinh tế rừng thành một ngành kinh tế quan trọng.
2.2.2. Một số thách thức trong phát triển nông - lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế
a. Điều kiện tự nhiên ngày càng ít thuận lợi
- Suy giảm tài nguyên đất:
Phần lớn đất đai ở Thừa Thiên Huế không phải là đất tốt. Đa số đất đều có phản ứng chua đến chua vừa, tầng đất mỏng và nghèo dinh dưỡng, hàm lượng lân tổng số, kali tổng số, lân và kali dễ tiêu đều nghèo. Đất có tầng dày dưới 30 cm là 262.909 ha chiếm gần 52% diện tích đất tự nhiên của tỉnh, có đến 4.955 ha đất xói mòn trơ sỏi đá…
Phương thức canh tác của người dân còn nhiều bất cập, đặc biệt là ở khu vực đồi núi nên đất đai ngày càng bị thoái hóa do đó chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp tăng lên nhưng lợi nhuận giảm sút.
Diện tích đất nông lâm nghiệp bị thu hẹp, ô nhiễm do đô thị hóa, sản xuất công nghiệp, hoạt động dân sinh: Diện tích đất nông nghiệp năm 2010 so với 2009 giảm 2.433,74 ha; đất lâm nghiệp giảm 2624,91 ha. Năm 2011, diện tích đất nông nghiệp tiếp tục giảm 1.199,01 ha so với năm 2010 [5].
- Biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan gây tác hại đến nông lâm nghiệp.
Ví dụ: Năm 2007, lũ lụt diễn ra liên tục trong các tháng X, XI; năm 2008 có đợt rét đậm kéo dài 38 ngày [6]; năm 2011, rét đậm kéo dài kết hợp mưa lớn… hoặc gây ngập úng, hoặc gây chết cây trồng, vật nuôi trên diện rộng . Hạn hán cũng thường xuyên xảy ra ở Thừa Thiên Huế, tập trung vào hai thời kỳ trọng điểm vụ đông xuân (tháng III,IV) và hè thu (tháng VII, VIII). Diện tích trung bình bị hạn là 6.746 ha/năm, chiếm khoảng 13% diện tích gieo cấy hàng năm [9]. Thời tiết thất thường cũng làm tăng tình hình sâu bệnh làm nhiều diện tích lúa bị hư hại, tiêu tốn nhiều chi phí..
- Mạng lưới thủy văn khá dày đặc, chế độ nước theo mùa đã gây ra tình trạng thiếu nước, nhiễm mặn vào mùa khô dẫn đến tình trạng hoang hóa, thất thu. Phổ biến ở các xã vùng cao huyện A Lưới, Nam Đông và các vùng gò đồi, vùng bán sơn địa, vùng ven phá, ven biển…
- Tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng và vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng vẫn xảy ra gây khó khăn cho ngành lâm nghiệp. Năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị cháy là 71,1 ha, 47,8 ha rừng bị chặt phá [1].
b. Điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế
- Tổ chức hoạt động sản xuất chưa mang tính chất hàng hóa
Trang trại là một hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, số lượng trang trại ở Thừa Thiên Huế còn quá it và chủ yếu hình thành theo hướng tự phát nên hiệu quả kinh tế từ các trang trại chưa cao, chưa đóng góp nhiều vào giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp toàn tỉnh. Theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT, quy định về các tiêu chí cần đạt được của một trang trại thì Thừa Thiên Huế chỉ có 40 trang trại, trong đó trang trại chăn nuôi là 21, trang trại lâm nghiệp là 4 còn lại là trang trại nuôi trồng thủy sản và tổng hợp [4].
Quĩ đất dành cho chăn nuôi có xu hướng thu hẹp, dịch bệnh gia tăng, tỉ lệ các giống cây trồng và vật nuôi có chất lượng cao được đưa vào sử dụng còn thấp.
- Chất lượng nguồn lao động trong ngành nông nghiệp vẫn còn thấp, gặp nhiều hạn chế trong quá trình tiếp thu, áp dụng và triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trình độ nhận thức của người dân về sản xuất sạch còn thấp gây khó khăn cho vấn đề tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái nông nghiệp, sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời còn gây suy thoái đất, giảm diện tích đất nông nghiệp.
2.3. Một số giải pháp phục vụ phát triển nông - lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế
Một nền nông nghiệp bền vững phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Tốt về môi trường; Có hiệu quả kinh tế; Phù hợp với nhu cầu xã hội; Nhạy cảm về văn hóa; Áp dụng công nghệ thích hợp; Có cơ sở khoa học công nghệ hoàn thiện và Đem lại sự phát triển chung cho cộng đồng. Do đó, để đưa ngành nông - lâm nghiệp phát triển bền vững, Thừa Thiên Huế cần phải thực hiện các giải pháp sau:
Quy hoạch quỹ đất cho phát triển nông lâm nghiệp
Để đảm bảo an ninh lương thực, sản xuất trong và ngoài nước cần quy hoạch một diện tích đất nông nghiệp hợp lý, hạn chế chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang mục đích khác, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp như cao su, sắn.
Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi, tích tụ ruộng đất ở những vùng ruộng đất manh mún, phân tán, tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện thích hợp cho canh tác theo những phương thức lớn, hiện đại.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và hạn chế tai biến thiên nhiên, dịch bệnh.
- Xây dựng, sửa chữa, gia cố và mở rộng các công trình thủy lợi nhằm tăng diện tích được tưới tiêu chủ động, giải quyết tình trạng thiếu nước và ngập úng theo mùa.
- Xây dựng và thực hiện những chương trình nâng cao năng suất đất đai, sử dụng hợp lý nguồn nước ở các địa phương, áp dụng những hệ thống sản xuất kết hợp nông - lâm - ngư nghiệp, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng nhằm sử dụng tổng hợp và có hiệu quả các loại tài nguyên đất, nước và khí hậu.
- Thực hiện tốt công tác tiêm phòng vaccine các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát điều kiện chăn nuôi, vệ sinh thú y; phát triển dịch vụ chăn nuôi thú y, tăng cường hệ thống mạng lưới thú y từ tỉnh đến cơ sở, trang thiết bị làm việc, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung để có thể quản lý và kiểm soát công tác giết mổ, kiểm dịch động vật để công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.
- Phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm chăn nuôi, lương thực, rau, hoa quả, gỗ rừng trồng để tăng chủng loại, quy mô và hiệu quả sản xuất lương thực, thực phẩm, rừng kinh tế. Hoàn thiện các hệ thống kho lưu giữ, bảo quản, hệ thống chế biến và phân phối lương thực, thực phẩm ở cấp tỉnh, huyện.
- Đẩy mạnh thâm canh, cải tạo đất; tiến hành các đề tài nghiên cứu khoa học về quy hoạch nông - lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển những giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng và sức chống chịu sâu bệnh cao, không thoái hoá, không làm tổn hại tới đa dạng sinh học. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các quy trình sản xuất thực phẩm an toàn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị sản phẩm cây công nghiệp, rau quả.
Nâng cao chất lượng người lao động
- Xây dựng, bố trí lịch thời vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi một cách linh hoạt để thích hợp với tính thất thường của khí hậu. Các chương trình khuyến nông, khuyến lâm cần được triển khai nhanh chóng về các địa phương đặc biệt là vùng sâu, vùng xa để hướng dẫn nông dân gieo cấy đúng thời vụ để thu hoạch kịp thời, hạn chế thiệt hại.
Tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm bón dư thừa; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế), mô hình “1 phải, 5 giảm” (phải dùng giống tốt, giống xác nhận; giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm bón dư thừa) giảm lượng ) để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn trong tiêu thụ nông sản.
Hỗ trợ vốn, nâng cao kỹ năng quản lí tuyên truyền giáo dục
- Đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản bằng cách tăng cường đội ngũ cán bộ kiểm lâm, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa hạn chế tình hình khai thác lâm sản trái phép.
- Tăng cường và sử dụng hợp lý nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông - lâm nghiệp từ ngân sách Trung ương, Tỉnh, từ các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài, nguồn vốn ODA, huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, hỗ trợ từ phía người dân để cải thiện cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất, hạn chế tác động của thiên tai, dịch bệnh và bảo vệ rừng.
3. KẾT LUẬN
Trong tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa Thừa Thiên Huế cần thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nông lâm nghiệp tuy chi chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế nhưng phải bảo đảm tính hợp lí để tạo ra hiệu quả sản xuất lớn nhất bằng cách thực hiện đánh giá đất đai, các loại tài nguyên phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp với các định hướng sau:
1. Tăng tỉ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp bằng các chương trình đầu tư trọng điểm.
2. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mở rộng diện tích cây công nghiệp đặc biệt là các cây có giá trị kinh tế cao.
3. Tăng cường hoạt động nuôi, trồng rừng và dịch vụ rừng giảm tỉ trọng khai thác gỗ và lâm sản.
TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Cục Thống kê Thừa Thiên Huế (2012),
Niên giám thống kê 2011, Huế.
[2]. Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (2004),
Đặc điểm khí hậu - Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, NXB Thuận Hóa, Huế.
[3]. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (2011),
Báo cáo Tổng kết công tác năm 2011 và kế hoạch năm 2012, Huế.
[4]. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (2013),
Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại ở Thừa Thiên Huế, Ngày truy cập 20.7.2013,
http://snnptnt.thuathienhue.gov.vn/?gd=1&cn=133&newsid=20130102111628,
[5]. Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế (2011),
Báo cáo kiểm kê đất đai năm 2010, Huế.
[6]. Lê Văn Thăng (Chủ biên) (2011),
Mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu cấp cộng đồng tại vùng trũng thấp ở tỉnh Thừa Thiên Huế, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
[7]. UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế (2005),
Địa chí Thừa Thiên Huế (Phần Tự nhiên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[8]. Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (2004),
Điều tra bổ sung, chỉnh lý bản đồ đất tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Nội.
[9]. Nguyễn Việt (2012), Đánh giá tổng hợp về hạn hán ở tỉnh Thừa Thiên Huế,
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Số 07 (96), Tr.93-97, Huế.