VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
QUY ĐỊNH
Quản lý các đề tài khoa học và công nghệ độc lập
cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam dành cho cán bộ khoa học trẻ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1499 /QĐ-VHL ngày 01/ 10 /2014
của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này áp dụng cho việc quản lý các đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam dành cho các cán bộ khoa học trẻ (sau đây gọi tắt là đề tài) thuộc “Chương trình Hỗ trợ cán bộ khoa học trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam”.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Cán bộ khoa học trẻ trong biên chế của đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện Hàn lâm, có đề xuất đề tài được chọn thực hiện, được Viện Hàn lâm giao làm Chủ nhiệm đề tài và đơn vị trực thuộc được giao làm Cơ quan chủ trì đề tài.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý
Việc xác định, lựa chọn, giao nhiệm vụ và quản lý các đề tài được thực hiện theo Luật Khoa học và Công nghệ, các quy định hiện hành của Nhà nước và Viện Hàn lâm.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Tiêu chí của Đề tài
1. Tiêu chí đối với Chủ nhiệm đề tài
Cá nhân làm chủ nhiệm đề tài phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:
- Là cán bộ trong biên chế của đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm;
- Xếp ngạch nghiên cứu viên hoặc ngạch kỹ sư trở lên;
- Đang không học tập hay công tác dài hạn ở nước ngoài;
- Tuổi không quá 40 tại thời điểm đề xuất đề tài;
- Đang không chủ nhiệm các loại đề tài cấp Viện Hàn lâm (trừ các nhiệm vụ hợp tác quốc tế cấp Viện Hàn lâm và các nhiệm vụ hỗ trợ khác);
- Không trong diện “Không được giao làm chủ nhiệm đề tài cấp Viện Hàn lâm” do vi phạm các quy định của Viện Hàn lâm.
2. Tiêu chí đối với đề tài
- Được Lãnh đạo và Hội đồng Khoa học đơn vị lựa chọn và giới thiệu;
- Đề xuất có ý nghĩa khoa học, giá trị thực tiễn cao, cấp bách; nội dung nghiên cứu rõ ràng, có tính mới và tính khả thi cao;
- Thời gian thực hiện không quá 24 tháng;
- Nhóm tham gia đề tài là các cán bộ nghiên cứu trẻ không quá 40 tuổi tại thời điểm đề xuất đề tài.
Điều 5. Đề xuất, xác định và phê duyệt danh mục đề tài
1. Đề xuất đề tài
Trên cơ sở thông báo của Viện Hàn lâm về những định hướng xây dựng đề tài (số lượng đề tài, khả năng kinh phí), các cá nhân, tập thể khoa học trẻ tiến hành đề xuất các đề tài. Thời hạn nộp đề xuất đề tài theo thông báo của Viện Hàn lâm. Hồ sơ đề xuất gồm:
- Công văn giới thiệu của đơn vị;
- Biên bản họp Hội đồng khoa học lựa chọn và giới thiệu đề xuất đề tài (tối đa 2 đề xuất và xếp thứ tự ưu tiên);
- Đề xuất đề tài (Mẫu 1, Phụ lục 1);
- Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm đề tài (Mẫu 10, Phụ lục 1).
2. Phân loại sơ bộ và lập danh sách các đề xuất
a) Viện Hàn lâm tiến hành phân loại các đề xuất theo các mức:
- Đề xuất hạng A: Có sản phẩm cụ thể và đề xuất phải đáp ứng một trong các tiêu chí bắt buộc sau:
+ Có công bố trên các tạp chí thuộc danh mục SCI hoặc SCI-E;
+ Có đăng ký sở hữu trí tuệ (bằng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích);
+ Có sản phẩm quan trọng (Sản phẩm có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội nằm trong diện không được công bố, khó công bố hoặc công bố có điều kiện). Sản phẩm này sẽ do Hội đồng khoa học ngành xác định.
- Đề xuất hạng B: Có sản phẩm cụ thể và đề xuất phải đáp ứng một trong các tiêu chí bắt buộc sau:
+ Có công bố trên các tạp chí quốc tế (không thuộc danh mục SCI và SCI-E); trên các tạp chí của Viện Hàn lâm; trên các tạp chí khoa học cấp quốc gia;
+ Có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng;
+ Có sản phẩm đặc thù (Sản phẩm có ý nghĩa thực tiễn, giải quyết các vấn đề cụ thể, cấp bách). Sản phẩm này sẽ do Hội đồng khoa học ngành xác định.
b) Lập danh sách đề xuất
Viện Hàn lâm lập danh sách các đề xuất đề tài và chuyển cho các Hội đồng khoa học ngành tương ứng với đăng ký của đề xuất đề tài.
3. Sắp xếp thứ tự đề xuất được chọn
Hội đồng khoa học ngành thảo luận cho ý kiến về các đề xuất có đăng ký sản phẩm quan trọng, đặc thù. Sau khi thảo luận, Hội đồng khoa học ngành sẽ đánh giá các đề xuất bằng hình thức bỏ phiếu (Mẫu 2, phụ lục). Kết quả chấm điểm đánh giá các đề xuất sẽ được tổng hợp trong Mẫu 3, Phụ lục 1. Trên cơ sở tổng hợp điểm đánh giá trung bình của các đề xuất, Hội đồng khoa học ngành xếp đề xuất theo thứ tự điểm từ cao đến thấp (Mẫu 4, Phụ lục 1). Trong trường hợp 2 đề xuất có điểm số trung bình ngang nhau, đề xuất nào có điểm của Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành cao hơn, được xếp lên trên.
Số lượng các đề xuất được lựa chọn ở từng Hội đồng khoa học ngành được quy định trong thông báo hàng năm của Viện Hàn lâm. Sau khi đã lựa chọn được các đề xuất, Hội đồng khoa học ngành tiến hành rà soát, chỉnh sửa tên đề tài, mục tiêu, kết quả dự kiến và xác định hạng của mỗi đề xuất đã được lựa chọn. Mức kinh phí dự kiến của từng đề tài theo hạng của đề tài quy định trong thông báo của Viện Hàn lâm. Ý kiến của các thành viên Hội đồng khoa học ngành được thống nhất và lập thành biên bản.
4. Phê duyệt danh sách đề tài để xét chọn đơn vị chủ trì và cá nhân chủ nhiệm.
Căn cứ theo thứ tự sắp xếp của các Hội đồng khoa học ngành, căn cứ theo số lượng đề tài được mở mới và căn cứ theo định hướng ưu tiên của Viện Hàn lâm, Chủ tịch Viện Hàn lâm phê duyệt danh sách các đề tài để xét chọn, gồm có dự kiến về mục tiêu, sản phẩm và kinh phí (Mẫu 5, Phụ lục 1). Thời hạn phê duyệt căn cứ vào kế hoạch cụ thể hàng năm của Viện Hàn lâm.
Cùng một thời điểm, một đơn vị chỉ được chủ trì tối đa 1 đề tài.
Điều 6. Xét chọn, phê duyệt đơn vị chủ trì và cá nhân chủ nhiệm
1. Thông báo và hồ sơ xét chọn
a) Thông báo xét chọn
Viện Hàn lâm thông báo đến các đơn vị trực thuộc Danh sách các đề tài để chuẩn bị hồ sơ đề tài đăng ký xét chọn
b) Hồ sơ đăng ký xét chọn
Hồ sơ đăng ký xét chọn (Mẫu 6, Phụ lục 1) gồm 01 bản gốc và 09 bản sao, mỗi bản được đóng thành quyển theo trình tự sau:
- Đơn đăng ký (Mẫu 7, Phụ lục 1);
- Thuyết minh đề tài (Mẫu 8, Phụ lục 1);
- Tóm tắt hoạt động KHCN của đơn vị đăng ký chủ trì (Mẫu 9, Phụ lục 1);
- Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm đề tài (Mẫu 10, Phụ lục 1);
- Văn bản xác nhận có đủ điều kiện làm chủ nhiệm đề tài (Mẫu 11, Phụ lục 1);
- Văn bản xác nhận của các cơ quan, cá nhân đồng ý tham gia phối hợp thực hiện đề tài (Mẫu 12, Mẫu 13; Phụ lục 1) (nếu có);
- Các văn bản khác (khả năng huy động thêm nguồn vốn, ...) (nếu có).
c) Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký
Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký: Theo thông báo của Viện Hàn lâm.
2. Xét chọn và phê duyệt đơn vị chủ trì và cá nhân chủ nhiệm
a) Xét chọn
- Thành lập và họp Hội đồng tư vấn:
+ Viện Hàn lâm thành lập Hội đồng tư vấn cấp Viện Hàn lâm để thẩm định từng hồ sơ đăng ký xét chọn thực hiện đề tài độc lập trẻ. Hội đồng gồm ít nhất 7 thành viên, là những chuyên gia theo đúng chuyên ngành của đề tài và không tham gia thực hiện đề tài đó (Mẫu 14, Mẫu 15; Phụ lục 1).
+ Trình tự phiên họp của Hội đồng:
Hội đồng phải có mặt ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng, trong đó có Chủ tịch hội đồng, Thư ký khoa học và ít nhất 01 ủy viên phản biện;
Cá nhân đề xuất đề tài trình bày trực tiếp trước Hội đồng;
Hội đồng đánh giá hồ sơ theo những tiêu chí và thang điểm thống nhất (mẫu 16, mẫu 17; Phụ lục 1) và tổng hợp kết quả đánh giá của Hội đồng thể hiện trong Mẫu 18, Phụ lục 1. Trong phiếu đánh giá chấm điểm, nếu thành viên hội đồng cho điểm chênh lệch từ 20% trở lên so với điểm trung bình của toàn hội đồng thì phiếu đánh giá của thành viên đó sẽ không được tính, kết quả đánh giá của hồ sơ chỉ dựa trên đánh giá của những thành viên hội đồng còn lại;
Hồ sơ đạt điểm bình quân ³ 75 điểm được trúng xét chọn;
Hội đồng có trách nhiệm góp ý kiến chỉnh sửa hồ sơ đề tài. Kết quả họp Hội đồng tư vấn được lập thành biên bản và báo cáo Chủ tịch Viện.
- Hoàn thiện hồ sơ đề tài
+ Đơn vị chủ trì và cá nhân trúng xét chọn hoàn chỉnh hồ sơ đề tài theo kết luận của Hội đồng tư vấn và gửi hồ sơ đề tài (Mẫu 19, Phụ lục 1) về Viện Hàn lâm;
+ Thời hạn nộp hồ sơ đề tài: 01 tháng kể từ khi nhận được Biên bản họp Hội đồng tư vấn và các văn bản đi kèm;
+ Hồ sơ đề tài: gồm 01 bản gốc và 06 bản sao.
- Thẩm định tài chính
Viện Hàn lâm căn cứ vào kết quả xét chọn của hội đồng tư vấn và kết quả hoàn thiện hồ sơ đề tài của đơn vị chủ trì và cá nhân trúng xét chọn, tổ chức thẩm định dự toán kinh phí của từng đề tài theo mục lục ngân sách Nhà nước. Kết quả thẩm định tài chính của từng đề tài được lập thành biên bản và báo cáo Chủ tịch Viện.
b) Phê duyệt đơn vị chủ trì và cá nhân chủ nhiệm
Căn cứ vào kết quả xét chọn của các Hội đồng tư vấn, kết quả thẩm định tài chính của từng đề tài và kết quả hoàn thiện hồ sơ đề tài của các đơn vị chủ trì và cá nhân trúng xét chọn, Chủ tịch Viện phê duyệt danh sách các đơn vị chủ trì và cá nhân chủ nhiệm đề tài (Mẫu 21, Phụ lục 1).
Viện Hàn lâm căn cứ quyết định phê duyệt danh sách các đơn vị chủ trì và cá nhân chủ nhiệm đề tài để phê duyệt thuyết minh đề tài. Thuyết minh đề tài được phê duyệt là căn cứ pháp lý để thực hiện đề tài và đánh giá nghiệm thu kết quả đề tài khi kết thúc thời hạn thực hiện.
Điều 7. Triển khai thực hiện đề tài
1. Đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm triển khai đề tài theo đúng thuyết minh được phê duyệt.
2. Viện Hàn lâm tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện, quyết toán tài chính đề tài trong các đợt duyệt quyết toán hàng năm tại đơn vị chủ trì. Kết quả kiểm tra là căn cứ để điều chỉnh nội dung và dự toán của đề tài hoặc có thể đình chỉ việc thực hiện đề tài.
3. Đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm báo cáo Viện Hàn lâm kết quả thực hiện đề tài trong các báo cáo sơ kết và tổng kết hàng năm.
4. Cá nhân chủ nhiệm đề tài chỉ được thay đổi trong trường hợp bất khả kháng và phải được sự chấp thuận của Chủ tịch Viện.
5. Trong quá trình thực hiện nếu có nhu cầu thay đổi khối lượng công việc hoặc tiến độ thực hiện đề tài dẫn đến sự thay đổi về dự toán hay kéo dài thời gian thực hiện đề tài, đơn vị chủ trì gửi Chủ tịch Viện công văn kèm theo đơn của chủ nhiệm đề tài (Mẫu 22, Mẫu 23; Phụ lục 1) trước thời điểm kết thúc thời gian thực hiện đề tài tối thiểu 01 tháng để xem xét giải quyết.
Việc thay đổi dự toán không được làm thay đổi tổng kinh phí thực hiện đề tài. Thời gian gia hạn được cộng vào thời gian thực hiện đề tài.
Điều 8. Đánh giá nghiệm thu đề tài
1. Phương thức đánh giá nghiệm thu
Việc đánh giá nghiệm thu đề tài được thực hiện theo hai cấp gồm đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở (sau đây gọi tắt là nghiệm thu cấp cơ sở) và đánh giá nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm (sau đây gọi tắt là nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm). Nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm chỉ thực hiện đối với các đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở xếp loại “Đạt” trở lên.
Để được coi là sản phẩm của đề tài, các kết quả về công bố, sở hữu trí tuệ và đào tạo của đề tài phải đáp ứng các điều kiện sau:
Tải biểu mẫu về ở đây | CHỦ TỊCH (đã ký) Châu Văn Minh |