Tác động của lũ lụt đến hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế

11/08/2015 05:30

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (TG - CH) có diện tích khoảng 22.000ha,với nguồn tài nguyên thủy sinh vật phong phú và đóng vai trò rất quan trọng đối với nuôi trồng thuỷ sản, giao thông đường thủy, du lịch, nông nghiệp, điều hoà khí hậu và môi trường của tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH). Ước tính có khoảng 300.000 đến 350.000 người sống hoàn toàn hoặc một phần phụ thuộc vào nguồn lợi của vùng đầm phá, chiếm gần 1/3 dân số toàn tỉnh.

Nuôi trồng và khai thác thủy sản (NT&KTTS) trên vùng đầm phá TG - CH là ngành đã và đang phát triển mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên hoạt động của ngành chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những tác động của thiên tai, đặc biệt là lũ lụt nên hiệu quả mang lại còn hạn chế, tính rủi ro cao. Trong bối cảnh khí hậu toàn cầu có sự thay đổi bất thường hiện nay, cần nghiên cứu cơ chế tác động của lũ lụt đến hoạt động của ngành NT&KTTS ở địa bàn nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng đầm phá cũng như khả năng thích ứng của hoạt động NT&KTTS với những diễn biến mưa lũ hằng năm, góp phần giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài báo đã sử dụng phương pháp thu thập, phân tích và xử lý tài liệu, số liệu, bao gồm các số liệu, tài liệu sơ cấp và thứ cấp liên quan đến nội dung và lãnh thổ nghiên cứu. Phương pháp điều tra nông hộ cũng được vận dụng để thu thập thông tin về thực trạng NT&KTTS trên đầm phá TG - CH, những tác động của lũ lụt hằng năm đến hoạt động NT&KTTS trên địa bàn… thông qua 2 bộ phiếu điều tra được soạn sẵn. Địa điểm lựa chọn để điều tra là xã Phú Xuân, huyện Phú vang - địa phương thấp trũng ven phá, thường xuyên chịu tác động nặng nề bởi mưa lũ hằng năm, là địa phương có số dân tham gia hoạt động NT và KTTS trên đầm phá nhiều… Tổng số mẫu điều tra trên toàn xã Phú Xuân là 130 hộ, trong đó: 65 hộ nuôi trồng thủy sản và 65 hộ khai thác thủy sản.
Ngoài ra, bài báo còn sử dụng phương pháp phân tích chuỗi số liệu nhiều năm theo nguyên lý nguyên nhân - kết quả. Từ đó, tìm ra cơ chế tác động và xu hướng phát triển của đối tượng nghiên cứu trong tương lai

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Tình hình lũ lụt ở vùng đầm phá TG - CH

3.1.1. Đặc điểm lũ lụt ở vùng đầm phá TG - CH

3.1.1.1. Các đại lượng đặc trưng của dòng chảy lũ

a. Lưu lượng và môđuyn dòng chảy lũ: Theo thống kê những trận lũ lớn nhất hàng năm, đặc trưng lưu lượng, môđuyn dòng chảy lũ trên các con sông đổ vào vùng đầm phá TG - CH như sau:
 
Bảng 1. Đặc trưng dòng chảy lớn nhất hàng năm của một số trạm
Trạm Số
năm
Qmax (m3/s ) Mmax (l/s/km2)
TB Max Min TB Max Min
Cổ  Bi 7 1890 2710 810 2654 3810 1138
Bình Điền 7 2080 4020 1010 3650 7053 1772
Thượng Nhật 16 716 1330 84.9 3849 7150 456
 
Nguồn : Số liệu quan trắc của TT. Khí tượng thuỷ văn Quốc Gia

b. Mực nước lũ: Lũ lụt ở TTH thường có mực nước lớn. Số ngày mực nước lũ trên báo động II (BĐ II) trong một trận lũ ở đồng bằng trung bình là 3 ngày, có năm 9 ngày/trận.

c. Thời gian và cường suất lũ:

* Thời gian lũ: Trung bình một trận lũ kéo dài trong 3,58 ngày (giá trị trung bình thời kì 1983 đến nay). Lũ lên rất nhanh và đạt đến đỉnh lũ chỉ sau 1 - 2 ngày nhưng lũ xuống thường kéo dài 4 - 5 ngày, có khi 7 - 8 ngày.

* Cường suất lũ: Với đặc điểm mạng lưới thủy văn đổ vào đầm phá là ngắn, dốc, kết hợp với lượng mưa lớn, mưa tập trung nên lũ lụt ở lãnh thổ nghiên cứu có cường suất lớn.
 
Bảng 2. Cường suất lũ và thời gian lũ của một số trận lũ lớn
Đặc trưng Năm 1983 Năm 1999
Thượng Nhật Kim Long Phú Ốc Thượng Nhật Kim Long Phú Ốc
Cường suất lũ max (m/h) 1,35 0,36 0,27 1,08 0,61 0,95
Thời gian lũ vượt BĐ III (h) - 64 48 - 112 106
 
                                                                                                                        Nguồn: [7]

d. Tốc độ truyền lũ: Tốc độ truyền lũ lớn nhất từ trạm Thượng Nhật đến trạm Kim Long (dài 51km) trong những trận lũ lớn từ 1976 - 2000 đạt 10,2 km/h, tốc độ truyền lũ trung bình: 6,1 km/h; tốc độ truyền lũ nhỏ nhất: 4,2 km/h.

e. Biên độ lũ: Biên độ lũ trên các sông TTH rất lớn, mực nước chân lũ và đỉnh lũ của các trận lũ lớn thường chênh nhau 4 - 5m, thể hiện qua bảng sau:
Bảng 3. Biên độ lũ lớn nhất của trận lũ 1983 và 1999 (m)
 
Đặc trưng Năm 1983 Năm 1999
Thượng Nhật Kim Long Phú Ốc Thượng Nhật Kim Long Phú Ốc
Biên độ 5,11 3,64 4,00 4,38 5,43 4,07
Nguồn: [7]
 
3.1.2. Một số trận lũ lụt điển hình ở vùng đầm phá TG - CH

3.1.2.1. Trận lũ lụt điển hình năm 1983


Trận lũ diễn ra từ ngày 26/X kéo dài đến ngày 1/XI do sự tác động liên tiếp của 2 cơn bão trên biển Đông kết hợp với không khí lạnh của gió mùa Đông Bắc, đã làm xuất hiện lũ trên tất cả các lưu vực sông của tỉnh TTH với 2 đỉnh lũ đều vượt báo động III (BĐ III) và có thời gian duy trì trên BĐ III lên đến 60 giờ tại Huế.
Bảng 4. Đặc trưng trận lũ lớn nhất năm 1983 trên một số trạm đo ở sông Hương
Sông Điểm đo Mực nước
đỉnh lũ (m)
Sông Điểm đo Mực nước
đỉnh lũ (m)
Hương Tuần 8,50 Bồ Cổ Bi 8,90
Nguyệt Biều 5,83 An Lỗ 6,00
Kim Long 4,90 Phú ốc 5,60
Ngã Ba Sình 2,50 Bắc Vọng 4,55
 
                                                                                                                        Nguồn: [8]
3.1.2.2. Trận lũ điển hình từ ngày 12-14/X/1984

Trận lũ này tại Phú Ốc và Kim Long đỉnh lũ chỉ ở mức trung bình, nhưng cường suất lũ lên rất lớn. Chỉ trong 3 giờ từ 10h -13h/13 mực nước tại Phú Ốc từ 1,03m đã lên tới 4,43m, cường suất lũ lớn nhất 1,30m/h (11h -12h).

3.1.2.3. Trận lũ tiểu mãn từ 22 - 24 tháng V năm 1989

Tuy là lũ không chính vụ, nhưng lại là trận lũ lớn nhất năm. Lũ lên với cường suất khá lớn, nhưng thời gian duy trì lũ ở mức cao không kéo dài.
 
Bảng 5. Đặc trưng trận lũ tiểu mãn từ 22 - 24/V/1989
Trạm Hmax (cm) Biên độ lũ (cm) Cường suất lũ lên (cm/h) TG duy trì lũ trên BĐIII (giờ)
TB Max
Phú Ốc 442 440 13 60 0
Thượng Nhật 6261 506 38 71  
Kim Long 409 422 13 52 17
 
                                                                                                                        Nguồn: [7]
3.1.2.4. Trận lũ điển hình năm 1996

Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh tăng cường đã xảy ra mưa lớn trên toàn tỉnh, phổ biến từ 300 - 500mm, lũ lớn xuất hiện đồng bộ trên toàn bộ các lưu vực sông ngày 22/X. Đỉnh lũ gần như xuất hiện đồng thời trên cả sông Tả Trạch (hmax tại Huế là 4,55m) và sông Bồ (hmax tại Phú Ốc là 4,64m) đều vượt mức BĐ III.

Bảng 6.  Đặc trưng trận lũ lớn nhất năm 1996
Sông Trạm Đỉnh lũ Mức báo động Biên độ (cm)
TGXH h (cm) Cấp BĐ Vượt (cm)
Hương Thượng Nhật 07h     23/X 6364 III 3364 551
Huế 19h    23/X 455 III 155 379
Bồ Phú Ôc 21h    23/X 464 III 164 368
                                                                                                                        Nguồn: [8]
3.1.2.5. Các trận lũ điển hình năm 1999

Tình hình khí tượng thủy văn năm 1999 diễn biến rất phức tạp với nhiều hiện tượng thủy văn nguy hiểm, bất bình thường, hết sức ác liệt và hiếm thấy trong 100 năm qua. Do tác động kết hợp của không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới hoặc vùng thấp trên dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Nam Biển Đông, đã gây ra những trận mưa đặc biệt lớn. Cường độ mưa rất lớn, có ngày mưa trên 1.000 mm, như từ 7h ngày 2 đến 7h ngày 3/XI lượng mưa đo được là 1.385mm tại Huế, lớn chưa từng thấy trong vòng hơn 100 năm qua. Kết quả đã gây ra trận lũ lịch sử từ ngày 1 - 6/XI và trận lũ ngày 1 - 6/XII/1999. Theo nhận định của các nhà thủy văn:
 
- Đây là đợt lũ lụt lớn nhất, ác liệt nhất, diễn biến phức tạp nhất.

- Cường suất lũ lên rất nhanh, biên độ lũ rất lớn trên các sông, tại Phú Ốc trung bình 12cm/h, lớn nhất đạt 95cm/h, tại Kim Long trung bình 15cm/h, lớn nhất 98cm/h, lớn nhất trên hạ lưu các sông miền Trung.

- Đỉnh lũ trên các sông đều đạt mức rất cao, tại Phú Ốc (sông Bồ) cao hơn lũ lịch sử 1983 là 0,29m, tại Kim Long (sông Hương) cao hơn lũ lịch sử 1983 là 1,06m.

- Lũ đặc biệt lớn trên sông chính kết hợp với ngập úng ở vùng hạ lưu và triều cường đã gây lũ lụt lịch sử trên sông. Ngập lụt rộng nhất, sâu nhất và kéo dài nhiều ngày nhất từ trước tới nay.

- Lũ cao (được xác định là lũ lịch sử trong vòng 70 - 100 năm trở lại đây) trên sông Hương đã phá vỡ phá Tam Giang, mở thành 5 cửa mới thoát lũ ra biển và 2 cửa mới ở Hoà Duân, Tư Hiền rộng 500 - 600m.

- Trên sông đã xuất hiện lũ kép phức tạp đến 5 đỉnh lũ.
 
3.1.2.6. Trận lũ lụt điển hình năm 2002

Trận lũ lớn nhất trên lưu vực sông Hương xuất hiện vào ngày 14 - 16/X. Do ảnh hưởng của gió Đông trên cao kết hợp với rãnh thấp đi qua Nam Trung Bộ nên toàn tỉnh TTH đã xảy ra mưa rất to. Tổng lượng mưa các nơi trong khu vực phổ biến từ 150 - 250mm. Mưa lớn đã làm xuất hiện đợt lũ lớn đồng bộ trên lưu vực sông Hương: trên sông Bồ tại Phú Ốc có mực nước đỉnh lũ là 4,5m (đạt mức trên BĐ III), trên sông Hương tại Huế đạt 3,74m vượt trên BĐ III là 74cm. Trận lũ này đã gây ngập lụt nặng nề cho hạ lưu sông Hương.

3.1.2.7. Các trận lũ lụt điển hình năm 2007

Năm 2007 là một trong những năm có nhiều đợt mưa- lũ nhất. Theo báo cáo của Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh TTH [1], năm 2007 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 trận lũ liên tiếp. Trong đó, có 5/9 trận đạt trên mức BĐ III (chiếm 56%); sông Bồ có 4/9 trận trên BĐ III (chiếm 44%).

3.1.2.8. Trận lũ lụt điển hình năm 2009

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với hoạt động của áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 3/9 đến 9/9/2009 tại TTH đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lũ chính vụ lớn đã đến sớm hơn thường kỳ với tốc độ nước lên nhanh gây ngập úng và thiệt hại đáng kể cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản và các công trình xây dựng trên địa bàn.

Bảng 7. Mực nước cao nhất tại một số trạm trên các triền sông
STT Sông Đỉnh lũ (m) Thời gian Mức báo động
1 Sông Tả Trạch tại Thượng Nhật 2,08 2h ngày 3/9 Trên BĐ II là 0,08m
2 Sông Hữu Trạch tại Bình Điền 3,20 7h ngày 3/9 Trên BĐ III là 0,20m
3 Sông Hương tại Kim Long 3,06 8h ngày 3/9 Trên BĐ III là 0,06m
4 Sông Bồ tại Phú Ốc 3,16 15h ngày 3/9 Trên BĐ III là 0,16m
5 Sông Ô Lâu tại Phong Bình 2,40 10h ngày 3/9 Trên BĐ II là 0,40m
                                                                                                                        Nguồn: [2]
3.2. Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản ở vùng đầm phá TG - CH

3.2.1. Hoạt động nuôi trồng thủy sản

 
3.2.1.1. Hoạt động nuôi trồng thủy sản nước ngọt
 
Theo kết quả điều tra của Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh TTH, trên toàn bộ 34 xã, thị trấn ven đầm phá thì có 20 xã, thị trấn có các hộ gia đình tham gia hoạt động nuôi thuỷ sản nước ngọt, với diện tích ao nuôi xấp xỉ 150 ha, trong đó 123 ha (khoảng 83% tổng diện tích ao nuôi) được sử dụng cho nuôi ghép (nhiều loài trong cùng một ao nuôi). Số ao nuôi còn lại sử dụng cho nuôi đơn loài. Khoảng 785 lồng đang được sử dụng để nuôi đối tượng thuỷ sản nước ngọt. Khoảng 970 hộ gia đình quanh đầm phá có tham gia vào hoạt động nuôi đối tượng thuỷ sản nước ngọt.
 
3.2.1.2. Hoạt động nuôi trồng thủy sản nước lợ
 
Tóm tắt số liệu thống kê nuôi trồng thuỷ sản nước lợ của các xã, thị trấn ven đầm phá cho thấy, 31/34 xã, thị trấn với khoảng 5.740 hộ gia đình sinh sống quanh đầm phá đang tham gia vào hoạt động nuôi trồng thuỷ sản nước lợ. Khoảng 780 ha mặt nước được vây để sử dụng cho việc nuôi chắn sáo, gần 500 lồng nuôi đối tượng thuỷ sản nước lợ. Đối với nuôi chắn sáo, hình thức nuôi phổ biến là nuôi hỗn hợp cả tôm lẫn cá (99% diện tích mặt nước sử dụng để nuôi chắn sáo sử dụng với hình thức nuôi này). Khoảng 85% số lồng nuôi nước lợ được sử dụng để nuôi cá, phần còn lại được sử dụng để nuôi các loài nhuyễn thể. Có khoảng 3.100 ha ao nuôi trong đó có sấp xỉ 950 ha ao nuôi cao triều (chiếm 30% tổng diện tích ao nuôi nước lợ), 2.150 ha ao nuôi thấp triều (chiếm 70% tổng diện tích ao nuôi nước lợ) [4]. 

3.2.2. Hoạt động khai thác thủy sản

Từ kết quả điều tra của dự án IMOLA Huế [4], trong tổng số 34 xã, thị trấn (với 68 thôn/ tổ nghề cá) có khoảng hơn 3.450 hộ gia đình đang làm nghề khai thác thuỷ sản trên đầm phá, số hộ gia đình này sử dụng xấp xỉ 6.000 đơn vị ngư cụ để thực hiện hoạt động khai thác thuỷ sản. Hiện có 19 nghề khai thác đang được tiến hành tại đầm phá (không kể nghề khai thác có kết hợp điện).  Các xã có số lượng đơn vị nghề khai thác nhiều là Vinh Hiền, Quảng Lợi, Quảng Thái, thị trấn Thuận An, Hải Dương.

Năm phương thức đánh bắt có số lượng đơn vị nghề nhiều nhất là nò sáo (1.378 đơn vị nghề), rê 3 lớp (1.371), đáy (1.012), rê nhỏ (724) và rê cua (551).

3.3. Tác động của lũ lụt đến hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản

3.3.1. Tác động của lũ lụt đến sự biến động nguồn lợi thủy sản ở đầm phá TG - CH


Trong khuôn khổ các đề tài KT.03-11, KT.ĐL.95-09 của tác giả Nguyễn Chu Hồi, Nguyễn Văn Tiến đã tiến hành điều tra các bãi giống, bãi đẻ của các loài thủy sinh kinh tế hệ đầm phá TTH trong thời gian 1992 đến 2000, đặc biệt là trước và sau lũ tháng 11/1993 và lũ tháng 11/1999. Kết quả điều tra như sau.
- Thực vật phù du: trước tháng 11/1993, thành phần loài lên tới 232 loài, nhưng kết quả điều tra năm 1995 chỉ ghi nhận 144 loài. Tại Vinh Xuân trước khi lấp cửa Tư Hiền không có loài nguồn gốc nước ngọt nào được ghi nhận, nhưng sau khi lấp cửa Tư Hiền, 48 loài nước ngọt đã được tìm thấy. Cấu trúc khu hệ cũng có sự thay đổi, các loài nước mặn xuất hiện năm 1993 thì sang năm 1995 vắng mặt [6].

- Động vật phù du: trước tháng 11/1993, trong số 34 loài nước mặn có mặt các giống Acartia, Paracalanus, Labidocera. Sau khi cửa Tư Hiền bị đóng, các loài nước mặn trên không còn, trong khi đó số loài nước ngọt tăng lên, như Osmialongirostris, Coregoni, Diphanosoma sarsi,… Mặt khác, cấu trúc thành phần loài khu hệ cũng có sự thay đổi, số lượng các loài thuộc nhóm Cyclopoida tăng lên. Mật độ động vật phù du ở phía Nam cửa Thuận An tăng lên 2 - 3 lần, trong khi đó ở phía bắc lại giảm xuống [6].

- Thảm cỏ biển: thành phần loài trước và sau lũ có sự thay đổi đáng kể. Sinh khối của thảm cỏ biển sau lũ cao hơn trước lũ ở hầu khắp các điểm khảo sát, sinh khối của cỏ biển vào 10/1999 (trước lũ) đạt trung bình 1,75 kg/m2 nhưng vào tháng 10/2000 (sau lũ) đạt trung bình 2,27 kg/m2, tăng khoảng 30% [9].
- Nguồn lợi cá: trước lũ 11/1999, số loài thu được khoảng 7 - 19 loài, sau lũ số loài tăng lên 1/3, tức là tăng lên khoảng 10 - 30 loài tùy theo tháng, chủ yếu là các loài nước mặn. Số lượng các thể giống tăng rõ rệt, trước lũ, số lượng cá thể trung bình các tháng là 1.256 con/m2 thì sau lũ tăng lên 13.020 con/m2. Sự thay đổi của thành phần nguồn giống sau lũ đã làm thay đổi sản lượng của các loài cá kinh tế trong đầm phá. Sản lượng của các loài cá nước lợ, nước mặn như cá Đối, cá Dìa, cá Mú tăng lên 3 - 10 lần, trong khi sản lượng cá Dày giảm đi 2 lần [9].

- Nguồn lợi tôm: thành phần loài của khu hệ không thay đổi, nhưng số lượng cá thể của một số loài thay đổi rõ rệt. Trước khi lấp cửa Tư Hiền, mật độ trung bình là 50 con/m2 (11/1993), nhưng sau khi lấp cửa, mật độ tăng lên 304 con/m2 (11/1995).

Như vậy, sau mỗi đợt lũ, mùa lũ đi qua, đặc biệt là những năm có sự biến động cửa đầm phá thì nguồn lợi thủy sản có thay đổi mạnh mẽ cả về cá thể loài, số lượng loài cũng như cấu trúc thành phần loài. Trong thời gian xảy ra mưa lũ, do lượng nước từ các sông suối trên địa bàn đổ về vùng đầm phá lớn nên môi trường nước bị đảo lộn từ mặn - lợ sang ngọt - lợ. Các quần thể sinh vật sống trong môi trường nước mặn - lợ sẽ bị suy giảm đáng kể về thành phần loài cũng như sinh khối và thay vào đó là sự phát triển mạnh của các loài thủy sinh nước ngọt. Tuy nhiên, sau khi lũ đi qua, môi trường nước trên đầm phá trở nên sạch hơn và dần dần quay trở lại trạng thái mặn - lợ vốn có của nó, lượng thức ăn tự nhiên lớn hơn, mùa mưa lũ cũng là thời gian sinh sản của các sinh vật thủy sinh. Do đó, sau mùa lũ, cấu trúc thành phần loài, số lượng cá thể cũng như sinh khối của các loài tăng lên rõ nét. Sự tăng lên của nguồn giống đã làm gia tăng sản lượng khai thác tôm, cua cho những năm sau lũ.

3.3.2. Tác động của lũ lụt đến tình hình dịch bệnh ở đối tượng NTTS trên địa bàn nghiên cứu

Khi có sự trao đổi nước giữa các thủy vực tự nhiên và vùng nuôi thủy sản do con người hoặc nước lũ tràn về là nguyên nhân lây lan các chứng bệnh phổ biến cho cá nuôi như các bệnh do ký sinh trùng (bệnh trùng bánh xe, trùng quả dưa, nấm thủy mi, rận cá, bệnh đóng rong, bệnh đốm trắng ở tôm…), các bệnh do vi khuẩn, vi rút như bệnh ghẻ hay còn gọi là bệnh đốm đỏ, bệnh viêm ruột...
 
Bảng 8. Diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh ở TTH giai đoạn 2005- 2012 
Các giá trị 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012
Diện tích tôm thả nuôi (ha) 3.783 3.749 2.853 3.606 3.836 3.613 3.827 4.079
Diện tích tôm nuôi bị bệnh (ha) 635 211 1.053 170 154 961 199 182
Tỷ lệ (%) 16,8 5,6 36,9 4,7 4,0 26,6 5,2 4,5
Tổng sản lượng thu hoạch (tấn) 3.859 4.467 3.897 3.627 3.794 4.039 4.369 5.835
 
                                                                                                                        Nguồn: [5]

3.3.3. Tác động của lũ lụt đến thời vụ nuôi trồng và khai thác thủy sản trên vùng đầm phá TG - CH

3.3.3.1. Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản

Theo kết quả điều tra 65 hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Phú Xuân cho thấy, trong các vụ nuôi từ năm 2000 đến năm 2006, tỷ lệ thành công của các vụ NTTS chỉ đạt khoảng 40%. Thực tế cho thấy, sự thất bại trong NTTS nói chung và nuôi tôm nói riêng có liên quan đến số vụ nuôi trong năm. Theo kết quả nghiên cứu các vụ nuôi từ năm 2000 đến năm 2006, những hồ nuôi tôm cho kết quả tốt nhất là những hồ nuôi 1 vụ, trong khi đó những hồ nuôi 2 vụ có tỉ lệ rủi ro cao hơn.

Do đó, hiện nay, hầu hết các địa phương ven đầm phá đều tiến hành thả nuôi 1 vụ (từ tháng II đến tháng IX dương lịch đối với hình thức nuôi chuyên tôm và từ tháng I đến tháng IX dương lịch đối với hình thức nuôi xen ghép). Riêng những địa bàn nuôi tôm trên cát do có thể chủ động điều tiết được độ mặn nguồn nước trong hồ, ví trí của các hồ không bị ngập vào mùa mưa lũ nên được tiến hành thả nuôi 2 vụ/năm (vụ 1 từ tháng I dương lịch đến đầu tháng VI và vụ 2 từ giữa tháng VI đến cuối tháng XII).

3.3.3.2. Đối với hoạt động khai thác thủy sản

Theo kết quả nghiên cứu của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh TTH trong khuôn khổ dự án IMOLA Huế đã cho thấy: trong tổng số 12 nghề khai thác trên đầm phá TG - CH thì số ngày khai thác và sản lượng khai thác trong các tháng mưa lũ (từ tháng X đến tháng XI năm 2006) và tháng ít mưa (tháng I năm 2007) có sự thay đổi khá lớn. Tổng số ngày khai thác trung bình trên đầm phá vào tháng X, XI và I lần lượt là 247, 290 và 301 ngày. Số ngày khai thác của tháng 10/2006 do tình hình mưa lũ nên hoạt động khai thác có sự gián đoạn khá lớn so với những tháng còn lại. Mặc dầu thời gian khai thác của các tháng mùa lũ có sự giảm xuống nhưng mùa mưa lũ cũng là mùa sinh sản của các loài thủy sản, do đó sản lượng khai thác cao hơn so với các thời gian khác trong năm. Tổng sản lượng của 12 nghề khai thác tháng 10/2006 là 451,32 tấn, tháng 11/2006 là 435,74 tấn và tháng 1/2007 giảm xuống còn 344,7 tấn [4].

3.3.4. Thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản

Theo kết quả báo cáo của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TTH, từ năm 2001 đến năm 2010, tình hình diễn biến mưa lũ trên địa bàn hết sức phức tạp và đã gây ra những thiệt hại to lớn cho hoạt động NT&KTTS ở địa phương.
 
Bảng 9. Tổng hợp thống kê thiệt hại do mưa lũ đối với ngành thủy sản từ năm 2001 đến 2010 ở tỉnh TTH
Năm Tàu, thuyền chìm Trộ, nò sáo,
ngư cụ bị mất/hỏng (cái)
Ao hồ bị ngập/sạt lở
 (ha)
Lồng
cá bị
 trôi
Cá, tôm, cua, bị
trôi (tấn)
Tổng thiệt hại tất cả các hạng mục trên toàn tỉnh (tỷ đồng)
2001 0 0 119 0 3 18,13
2002 12 0 0 0 3.000 15,27
2003 0 0 0 0 0 27,22
2004 0 0 0 751 183 248
2005 7 305 1.392 83 93,2 158,1
2006 110 5.000 1.169 0 794 2.931
2007 2 1.500 2.580 60 397 1.162
2008 2 0 50 128 28 62
2009 83 1.070 0  113 566 416,73
2010 0 0 22   2.137 227,22
 
                                                                                                                         Nguồn: [3]

* Một số nguyên nhân gây thiệt hại do mưa lũ hằng năm đối với hoạt động NT&KTTS trên địa bàn nghiên cứu

Qua kết quả báo cáo của Ban PCLB&TKCN tỉnh TTH từ năm 2001 đến năm 2010 và số liệu điều tra của 130 hộ NT&KTTS trên địa bàn xã Phú Xuân, có thể đưa ra một số nguyên nhân gây thiệt hại do mưa lũ hằng năm như sau:
 
- Tình hình mưa lũ trong những năm gần đây có sự biến động thất thường cả về quy mô lẫn cường độ, khó dự báo.

- Việc tiếp cận thông tin dự báo cũng như diễn biến của bão, lũ… còn gặp nhiều khó khăn do các vùng thấp trũng bị mất điện khi có bão, lũ xảy ra. Do đó, nhiều thông tin cảnh báo thiên tai vẫn chưa đến kịp thời với người dân.

- Người dân vẫn còn tư tưởng chủ quan, thiếu kiến thức và phương tiện trong công tác phòng, chống thiên tai. Việc tuyên truyền giáo dục cộng đồng cho người dân và tổ chức quản lý phòng tránh thiên tai còn hạn chế nhất là ngư dân đánh bắt thuỷ sản trên đầm phá...

- Phương tiện, vật tư, lực lượng cứu hộ, cứu nạn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác tìm kiếm cứu nạn trong tình hình có bão, lũ lớn.

- Công tác quy hoạch vùng nuôi còn thiếu đồng bộ, chưa hợp lý và chưa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay.

- Nhiều hộ dân chưa tuân thủ khung lịch thời vụ do các cơ quan ban ngành quy định.

- Hoạt động quản lý ao nuôi và các đối tượng NTTS trong mùa mưa lũ của người dân chưa được quan tâm đúng mức.
 
4. KẾT LUẬN

Đầm phá TG - CH là địa bàn thấp trũng của tỉnh TTH, hằng năm chịu sự tác động mạnh mẽ của các loại thiên tai, đặc biệt là lũ lụt. Kết quả nghiên cứu các trận lũ lụt điển hình từ năm 1983 đến năm 2010 cho thấy, mùa mưa lũ trên địa bàn tập trung chủ yếu vào 2 tháng X và XI. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của BĐKH nên tình hình mưa lũ có sự biến động lớn như: thời gian xuất hiện sớm (vào tháng VIII và tháng X), kết thúc muộn hơn (tháng XII); có nhiều trận lũ xảy ra trong một năm; biên độ lũ lớn, thời gian ngập lụt kéo dài, lưu lượng dòng chảy mạnh… Đặc biệt năm 2011 và 2012 trên địa bàn nghiên cứu không xảy ra lũ lụt. Điều đó càng làm phức tạp thêm tính thời vụ trong hoạt động NT&KTTS của người dân.

Lũ lụt hằng năm đã tác động tích cực đến hoạt động NT&KTTS thông qua việc cải thiện chất lượng môi trường nước trên vùng đầm phá, tăng cường sự lưu thông nước giữa đầm phá với biển, thay đổi số lượng, cấu trúc và thành phần loài thủy sinh trên các thủy vực, giúp cho hoạt động NT&KTTS ở các vụ sau lũ gặp nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, mùa mưa lũ ở lãnh thổ nghiên cứu trùng với thời gian hoạt động của gió mùa đông bắc kết hợp với hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã làm phức tạp thêm biến trình mưa lũ, gây khó khăn cho công tác dự báo và gia tăng mức độ thiệt hại cho hoạt động NT&KTTS ở địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TTH (2007), Tình hình mưa lũ năm 2007 và công tác phòng tránh tại vùng hạ lưu các sông chính tỉnh TTH, Báo cáo tổng hợp, Huế.
  2. Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TTH (2009), Báo cáo tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra từ ngày 03/09/2009, Huế.
  3. Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TTH (2010), Báo cáo đánh giá công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai qua các năm từ 2001 đến năm 2010.  Báo cáo lưu trữ tại Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TTH.
  4. Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh TTH, (2007), Khảo sát/kiểm kê hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản đầm phá TTH, Báo cáo tổng kết, Dự án IMOLA Huế.
  5. Chi cục Nuôi trồng Thủy sản, Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế (2012), Báo cáo tổng kết nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2005 - 2012. Huế
  6. Nguyễn Chu Hồi và nnk (1995), Nghiên cứu khai thác, sử dụng hợp lý tiềm năng phá TG - CH. Báo cáo đề tài KT.ĐL.95-09. Lưu trữ tại Viện Tài nguyên và Môi trường Biển.
  7. Trương Đình Hùng (2001), Xây dựng bản đồ phân vùng ngập lụt và phương án cảnh báo nguy cơ ngập lụt hạ du sông Hương - Bồ, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Báo cáo tổng kết đề tài, lưu trữ tại Sở khoa học công nghệ tỉnh TTH.
  8. Hoàng Thanh Sơn (2008), Nghiên cứu các yếu tố gây lũ lụt lưu vực sông Hương và đề xuất các giải pháp giảm thiểu thiệt hại, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Thủy Lợi, Hà Nội.
  9. Nguyễn Văn Tiến và nnk (2001), Điều tra khảo sát các bãi giống, bãi đẻ của các loài thủy sản kinh tế hệ đầm phá TTH và đề xuất các giải pháp bảo vệ. Đề tài cấp tỉnh TTH.
 
 
Liên kết website khác