Tài nguyên vị thế các đảo ven bờ Nam Trung Bộ

30/09/2014 03:00

1.Mở đầu

Khái niệm tài nguyên vị thế (TNVT) còn khá mới mẻ và chưa được nghiên cứu nhiều. Nguyễn Chu Hồi quan niệm: Vị thế được hiểu là những lợi thế so sánh về phương diện địa lý, khả năng khai thác các giá trị phi vật chất và vật chất của một đơn vị lãnh thổ nhất định [5].

Tác giả Lê Đức An và Trần Đức Thạnh [4] thì cho rằng: TNVT là những giá trị và lợi ích có được từ vị trí địa lý và các thuộc tính về cầu trúc, hình thể sơn văn và cảnh quan, sinh thái của một không gian, có thể sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

 Ở các bài báo đăng trước đây, chúng tôi đã giới thiệu về TNVT của hệ thống đảo ven bờ Việt Nam và các đảo ven bờ Nam Bộ [2, 3]. Đối với các đảo ven bờ, chúng tôi hiểu TNVT là những lợi ích có được từ vị trí không gian của các đảo, vùng đảo, cũng như từ cách sắp xếp, phân bố và từ giá trị hình thể của chúng.

Trong bài viết này chúng tôi sẽ phân tích sâu về các đảo ven bờ Nam Trung Bộ (NTB), một vùng biển mở với số lượng đảo không nhiều nhưng những giá trị về TNVT do chúng mang lại rất lớn.

Đối tượng nghiên cứu và đánh giá TNVT là các đảo ven bờ NTB phân bố trên thềm lục địa thuộc phạm vi hành chính của 8 tỉnh ven biển miền Trung từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.

2. Khái quát về các đảo ven bờ Nam Trung Bộ

Các đảo ven bờ NTB có số lượng khoảng 200 đảo với tổng diện tích 172,0km2 (chiếm 7,21% về số đảo và 9,99% về diện tích của các đảo ven bờ Việt Nam). Trong số 200 đảo này, có 18 đảo có diện tích >1km2 với tổng diện tích 153,54km2 chiếm 9% về số lượng nhưng chiếm đến 89,3% diện tích của các đảo ven bờ NTB và chiếm 9,61 % diện tích các đảo ven bờ Việt Nam có diện tích > 1km2 [1]. Các đảo có diện tích lớn phải kể đến Hòn Lớn (Vạn Ninh –Khánh Hòa) 41,7km2, Hòn Tre (Nha Trang - Khánh Hòa) 33,15km2, Phú Quý 16km2, Cù Lao Chàm 15km2, Lý Sơn 9,97km2, Cù Lao Xanh (Bình Định) 3,5km2, Hòn Bình Ba (TX. Cam Ranh –Khánh Hoà) 3,6km2, Cù Lao Mái Nhà (Tuy An-Phú Yên) 1,2km2, Cù Lao Cau (Tuy Phong –Bình Thuận) 1,2km2.

Các đảo ven bờ NTB phân bố thành 10 cụm đảo: Lý Sơn, Phú Quý, Cù Lao Chàm, Nghiêm Kinh Chiểu, Hòn Ông Căn, Hòn Khô, Hòn Đất, Cù Lao Xanh, Hòn Lớn, Hòn Tre. Ngoài ra còn có một số đảo phân bố độc lập ven bờ như Hòn Bình Ba, Cù Lao Cau [6] .
 - Cụm đảo Lý Sơn: nằm cách TP. Quảng Ngãi 45km về phía Đông Bắc, gồm có 2 đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) diện tích 9,97km2 và Cù Lao Bờ Bãi 0,7km2.

- Cụm đảo Phú Quý: nằm cách TP. Phan Thiết 100km về phía Đông Nam, gồm 10 đảo lớn nhỏ được chia thành 2 nhóm đảo. 1) nhóm đảo Phú Quý có 06 đảo: Phú Quý (Cù Lao Thu) lớn nhất, khoảng 16km2 và các đảo nhỏ hơn gồm có Hòn Tranh, Hòn Giữa, Hòn Đen, Hòn Đỏ, Hòn Trứng; 2) nhóm đảo Hòn Hải có 04 đảo: Hòn Hải, Hòn Đồ Lớn, Hòn Đồ Nhỏ, Hòn Tý. Trong số 10 đảo trên chỉ đảo Phú Quý có dân sinh sống.

- Cụm đảo Cù Lao Chàm: cách phố cổ Hội An khoảng 20km về phía Đông Bắc, cách TP.Đà Nẵng 30km về phía Đông Nam, gồm 8 đảo lớn nhỏ, lớn nhất là Cù Lao Chàm (còn gọi là Hòn Lao) diện tích 15km2 . Các đảo xung quanh có Hòn Giài diện tích gần 1km2 ; Hòn Ông và Hòn Tai diện tích 1-2km2 và các đảo nhỏ khác Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Cụ, Hòn Khô.

 - Cụm đảo Cù Lao Xanh: nằm cách TP. Qui Nhơn khoảng 20km về phía Đông Nam, gồm Cù Lao Xanh lớn nhất khoảng 3,5km2 và 2 đảo nhỏ khác.

 - Các cụm đảo Nghiêm Kinh Chiểu, Hòn Cân, Hòn Khô, Hòn Đất, Hòn Ông Căn có số lượng khoảng 21 đảo nhỏ, diện tích chỉ từ 1 vài ha đến vài chục ha, nằm cách bờ biển TP. Qui Nhơn từ vài trăm mét đến dưới 10km. Chỉ riêng Hòn Ông Căn cách bờ xa nhất khoảng 12 km.

- Cụm đảo Hòn Lớn: gồm khoảng 31 đảo của 2 huyện Vạn Ninh và Ninh Hoà, trong đó Hòn Lớn (còn gọi là Hòn Bà) có diện tích lớn nhất khoảng 41,7km2 nằm án ngữ phía ngoài cửa vịnh Vân Phong. Xung quanh Hòn Lớn là các đảo nhỏ khác như Hòn Đỏ (0,075 km2) ở phía Nam; Hòn Đôi (0,195km2), Hòn Khô ( 0,05km2), Hòn Trâu Nằm ( 0,01 km2) ở phía Đông và Đông Bắc; Hòn Mai ( 0,07km2), Hòn Me ( 0,11km2), Hòn Dung (0,1km2), Hòn Đen (0,015km2) ở phía Tây; Hòn Bịp (1,5km2) ở phía Tây Bắc; Hòn Săng (0,95km2), Hòn Ông (0,81km2) ở phía Bắc và rất nhiều đảo nhỏ khác nữa. Trong số các đảo này chỉ có 2 đảo là Hòn Lớn và Hòn Bịp có dân sinh sống.

 - Cụm đảo Hòn Tre: bao gồm khoảng 24 đảo lớn, nhỏ phân bố cả phía trong và ngoài cửa vịnh Nha Trang, lớn nhất là đảo Hòn Tre diện tích 33,15km2 . Về phía Nam có Hòn Một (0,46km2), Hòn Mun (1,31km2), Hòn Nội (0,5km2), Hòn Ngoại (0,08km2); phía Tây Nam có Hòn Tằm (1,1km2), Hòn Miều (1,04km2); phía Đông Bắc có Hòn Vung (0,44km2), Hòn Câu (0,3km2), Hòn Chà Là (0,87km2); phía Tây Bắc có Hòn Cù Lao (0,25km2), Hòn Mát (0,02km2), Hòn Cứt Chim (0,05km2); phía Đông có Hòn Nọc ( 0,04 km2) và rất nhiều đảo nhỏ khác.

 Điểm đặc sắc của các cụm đảo ven bờ NTB khác với các đới bờ khác của Việt Nam là sự phân bố của chúng kết hợp với các doi cát nối đảo và đường bờ biển đã tạo nên các vũng vịnh ven bờ nổi tiếng như các vịnh: Xuân Đài, Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh.

 Về mặt hành chính, trong hệ thống đảo ven bờ NTB có 2 huyện đảo: Lý Sơn và Phú Quí cùng với 5 xã đảo trực thuộc các đơn vị hành chính trên bờ là: xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) thuộc TX. Hội An, xã Nhơn Châu (Cù Lao Xanh) thuộc T.P Qui Nhơn, xã Vạn Thạnh (Hòn Lớn) thuộc huyện Vạn Ninh, phường Vĩnh Nguyên ( Hòn Tre) thuộc T.P Nha Trang và xã Cam Bình (Hòn Bình Ba) thuộc TX. Cam Ranh .

3. Những lợi thế về vị trí địa lý của các đảo ven bờ Nam Trung Bộ

3.1. Vị trí địa lý nằm trong đai nhiệt đới gió mùa không có mùa đông lạnh

Các đảo ven bờ NTB có ưu thế hơn so với các đảo ven bờ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ về điều kiện khí hậu nắng nóng quanh năm, ít chịu ảnh hưởng của bão, thuận lợi cho sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi; cho sự phát triển đa dạng của thế giới sinh vật vùng triều và biển nông ven bờ quanh các đảo; thuận lợi cho hoạt động sản xuất và du lịch.

3.2. Vị trí cửa ngõ đất liền

Nằm ở cửa ngõ đất liền các đảo ven bờ có điều kiện phát triển thành các trung tâm giao thương quốc tế đường biển, đường bộ, hàng không; thực hiện các dịch vụ vận tải biển, cảng biển, dịch vụ ngân hàng, thương mại, nuôi trồng hải sản, phát triển các loại hình du lịch (sinh thái, nghỉ dưỡng, lặn biển…) đồng thời còn là các vọng gác có chức năng kiểm soát tàu bè ra vào cảng sông, biển.

3.3. Vị trí tiền tiêu trên biển

 Những lợi ích mang lại từ yếu tố TNVT của các đảo và cụm đảo ven bờ NTB là rất to lớn, bao gồm: mở rộng chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển, bảo vệ vững chắc an ninh vùng biển đảo ven bờ và lãnh hải NTB; phát triển khai thác tài nguyên biển (hải sản, dầu khí); phát triển các loại hình dịch vụ biển (giao thông, vận tải, dịch vụ hậu cần nghề cá, cứu hộ, thương mại); phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

3.4. Vị trí sắp xếp của các đảo

Với cách sắp xếp của các đảo dưới dạng đơn lẻ, thành cụm phân bố xa bờ hoặc gần bờ cùng với hình thể đa dạng và độ cao của các đảo đã mang lại nhiều lợi ích to lớn về an ninh quốc phòng đối với việc xây dựng các trận địa phòng thủ bảo vệ đất nước, quản lý vùng biển, tạo các vũng vịnh kín gió, hình thành các cảng nước sâu, là nơi tàu bè trú ngụ tránh bão.

4. Những lợi ích mang lại từ giá trị tài nguyên vị thế của các đảo ven bờ Nam Trung Bộ

4.1 Lợi ích về giá trị tài nguyên

4.1.1 Lợi ích về giá trị tài nguyên du lịch

Giá trị về tài nguyên du lịch của các đảo ven bờ NTB phong phú và đa dạng, được đánh giá là thế mạnh và lợi thế về mặt tự nhiên so với các vùng đảo khác trong cả nước, bởi:
- Điều kiện khí hậu và tự nhiên thích hợp cho các hoạt động du lịch thể thao, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trong suốt cả năm.

- Nhiều thắng cảnh đẹp nổi tiếng trên các đảo, như: cảnh quan các dạng địa hình núi lửa trên đảo Lý Sơn, Phú Quí; cảnh quan các vách đứng tự nhiên quanh các đảo Cù Lao Chàm, Cù Lao Xanh, Phú Quí..; cảnh quan vũng vịnh Vân Phong, Nha Trang, Xuân Đài, Qui Nhơn…

- Hệ sinh thái biển-đảo đa dạng với nhiều loài động, thực vật đặc hữu có sức hấp dẫn du lịch như các đảo: Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quí, Cù Lao Xanh, Cù Lao Mái Nhà, Hòn Lớn, Hòn Tre, Hòn Mun, Cù Lao Cau.

- Có nhiều bãi tắm đẹp hoang sơ với cát trắng mịn và nước biển trong xanh như ở Cù Lao Chàm, Hòn Lớn, Cù Lao Xanh, Hòn Tre, Lý Sơn, Phú Quí…

- Chứa đựng nhiều di tích lịch sử văn hoá, khảo cổ, lễ hội truyền thống đặc sắc; trong đó nổi bật nhất là di chỉ khảo cổ, đình chùa, miếu mang đậm các giá trị kiến trúc - văn hoá của người Chăm ( Cù Lao Chàm, Phú Quí, Lý Sơn); di chỉ khảo cổ nền văn hoá Sa Huỳnh (Phú Quí, Hòn Tre); lễ hội đua thuyền, lễ cầu ngư, lễ tế tiền hiền…( Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quí ).

4.1.2. Lợi ích về đa dạng sinh học

Các đảo ven bờ là nơi tập trung thế giới sinh vật biển- đảo đa dạng, phong phú là tiền đề cho sự hình thành các khu dự trữ sinh quyển và khu bảo tồn biển. Hiện nay Việt Nam có 6 khu vực ven biển và hải đảo được Ủy ban sinh quyển và con người (MAB) thuộc UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và 15 khu bảo tồn biển quốc gia được Chính phủ Việt Nam công nhận. Trong số này có 01 khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và 05 khu bảo tồn biển (Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Hòn Mun, Cù Lao Cau, Phú Quý) nằm trong hệ thống các đảo ven bờ NTB. Điều này đã mang lại nhiều giá trị quý giá về bảo vệ nguồn gen, đa dạng sinh học và phát triển kinh tế biển- đảo của vùng biển NTB.
- Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm sở hữu rạn san hô rộng 165 ha. Vùng nước quanh đảo có 947 loài sinh vật sống. Trong đó các loài cá biển sống trên rạn san hô 178 loài, 80 giống và 32 họ; rong biển 122 loài; thực vật phù du 215 loài; động vật phù du 87 loài; san hô: 134 loài, thuộc 40 giống, thân mềm 144 loài, giáp xác 25 loài, da gai 21 loài, giun 21 loài. Trên đảo thảm thực vật có độ che phủ tương đối lớn, khoảng 60 – 70% với kiểu thảm thực vật rừng thường xanh cây lá rộng nhiệt đới, phân bố chủ yếu ở độ cao từ 50m đến 500m chiếm diện tích lớn nhất. Đây là kiểu thảm rừng có nhiều cây gỗ quý như Gõ biển, Huỷnh, Lim xẹt… Mặc dù chỉ mới nghiên cứu ở độ cao 100 m trở xuống, song qua thống kê cho thấy hệ thực vật Cù Lao Chàm có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có tới 342 loài có ích, đặc biệt nhóm cây làm thuốc có sự tập trung nhiều nhất tới 116 loài, chiếm 22,8% tổng số loài thống kê được. Hệ thực vật Cù Lao Chàm cũng đã phát hiện 5 trong tổng số 6 ngành thực vật bậc cao của hệ thực vật Việt Nam. Nếu so sánh thì ở Cù Lao Chàm chiếm 1/20 tổng số loài, gần 1/6 tổng số chi và gần 1/2 tổng số họ của thực vật Việt Nam. Hiện Cù Lao Chàm có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái. Trong số này, đáng chú ý có khỉ đuôi dài và chim yến là 2 loài được đưa vào Sách Đỏ Động vật Việt Nam [7].

- Khu bảo tồn biển Hòn Mun nằm trong Vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như Hòn Tre, Hòn Miều, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Câu, Hòn Vung, Hòn Rơm, Hòn Nọc và vùng nước xung quanh. Diện tích khu bảo tồn khoảng 160km2 gồm 38 km2 mặt đất và khoảng 122 km2 vùng nước xung quanh các đảo. Kết quả khảo sát đa dạng sinh học và sinh cư khu bảo tồn biển cho thấy Hòn Mun là nơi có rạn san hô phong phú, đa dạng nhất Việt Nam và có tầm quốc tế bởi số loài tương tự như ở trung tâm thế giới về đa dạng san hô ở khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương. Ở đây đã tìm thấy 340 trong tổng số hơn 800 loài san hô cứng trên thế giới cùng với nhiều loài cá sống trong rạn san hô và sinh vật vùng biển nhiệt đới. Khu bảo tồn biển Hòn Mun là địa điểm lý tưởng cho nghiên cứu khoa học sinh vật biển, cho hoạt động du lịch lặn biển khám phá thế giới đại dương.

4.2 Lợi ích về kinh tế

4.2.1 Phát triển giao thông vận tải, cảng biển

Lợi ích này thuộc về đảo Hòn Lớn. Cùng với hòn Khải Lương (vốn trước đây là đảo nay đã được nối với đất liền bằng doi cát nối đảo tạo nên bán đảo Hòn Gốm), Hòn Lớn nằm án ngữ phía cửa vịnh Vân Phong đã tạo nên lạch nước sâu Cổ Cò, chỗ hẹp nhất khoảng 700m, chỗ rộng nhất tới 1500m và độ sâu trung bình của lạch 20-30m, cũng như tạo cho vịnh Vân Phong kín và khuất gió và là nơi thuận lợi cho xây dựng cảng biển nước sâu quốc tế có thể tiếp nhận được tàu container sức chở 9.000 ÷ 15.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu chở dầu 30 ÷ 40 vạn DWT ra vào cảng. Cũng nhờ vị trí nằm ngay cạnh dải đất liền cực đông của Tổ quốc, cách hải phận quốc tế khoảng 22km, gần ngã ba các tuyến hàng hải Châu Âu-Bắc Á, Châu Úc - Đông Bắc Á và Đông Nam Á- Đông Bắc Á, lại có tuyến đường QL1A và đường sắt Bắc – Nam chạy qua, QL26 nối với Tây Nguyên (Buôn Mê Thuột) đã tạo cho Vịnh Vân Phong nói chung và đảo Hòn Lớn nói riêng có tiềm năng để phát triển kinh tế tổng hợp, đồng thời là địa điểm có nhiều lợi thế để xây dựng cảng biển quốc tế và cơ sở đóng tầu qui mô lớn.

4.2.2 Hình thành các trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và dịch vụ tổng hợp biển đảo

 Ưu thế này thuộc về cụm đảo Hòn Tre, Cù Lao Chàm, Hòn Lớn:
- Cụm đảo Hòn Tre – trung tâm du lịch sinh thái dịch vụ tổng hợp biển đảo tầm quốc gia và quốc tế: thiên nhiên ban tặng cho vịnh Nha Trang nói chung và cụm đảo Hòn Tre nói riêng nguồn tài nguyên du lịch vô giá. Đó chính là khí hậu ấm áp quanh năm, khu bảo tồn biển Hòn Mun đa dạng về thế giới sinh vật vùng biển ven bờ và vùng triều thuộc loại bậc nhất nước ta, các bãi cát mịn, cảnh quan hoang sơ trên đảo cộng với đầu tư của con người đã làm tạo nên trung tâm du lịch sinh thái biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Nhiều Dự án phát triển du lịch và dịch vụ tổng hợp đã được đầu tư cho cụm đảo Hòn Tre: khu du lịch Con Sẻ Tre, Vinpearl resort & spa, khu du lịch sinh thái và Thế giới nước Vinpearl, Công viên văn hóa Vinpearl, Công viên văn hóa Hòn Tre, khu du lịch Bãi Sỏi, khu biệt thự và sân gôn Vinpearl, khu resort cao cấp Bãi Rạn; thủy cung Trí Nguyên trên đảo hòn Miều, hệ thống cáp treo nối khu du lịch Vinpearl trên đảo Hòn Tre với cảng cầu đá TP. Nha Trang. Cũng nhờ có sự đầu tư này mà cụm đảo Hòn Tre ngoài việc thu hút được nhiều khách du lịch đến vui chơi, giải trí còn là nơi được chọn tổ chức nhiều sự kiện lớn trong nước và thế giới như: tổ chức các cuộc thi hoa hậu Việt Nam, hoa hậu thế giới người Việt, hoa hậu hoàn vũ thế giới cùng nhiều cuộc họp, hội nghị quan trọng khác... và xứng đáng với tên gọi “Hòn Ngọc Việt” đã được đặt cho.

- Cù Lao Chàm, cụm đảo có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái. Cù Lao Chàm là cụm đảo có lịch sử phát triển địa chất lâu dài, để lại nhiều dấu ấn độc đáo trên nền đá gốc và địa hình. Đó là tính bất đối xứng với sườn đông dốc đứng, sườn tây thoải; là các bề mặt san bằng, các bậc thềm biển, bãi biển, các sườn có hình thái và độ dốc khác nhau. Thiên nhiên đã ban tặng Cù Lao Chàm các tài nguyên du lịch địa mạo quý giá, đó là các bãi biển thoải với nền cát mịn, sạch, nằm xen giữa các mỏm nhô đá với những nét chạm trổ độc đáo, các vách đá kỳ vĩ, khối đá đa dạng về hình thể và đặc biệt là hang Yến trên các bờ vách đá dốc. Cù lao Chàm đa dạng về các loài của ngành thực vật bậc cao và các loài động vật. Đáng chú ý ở đây là nhóm cây cảnh với sự phong phú của tuế và lan huyết nhung tía. Hiện đã phát hiện được nhiều cây tuế có tuổi trên ba trăm năm, hình dạng khá lạ mắt. Vùng biển ven bờ quanh đảo Cù Lao Chàm gồm các hệ sinh thái vùng triều, hệ sinh thái rạn san hô đa dạng và phong phú các loài, giống sinh vật biển. Trong đó hệ sinh thái rạn san hô là sản phẩm của vùng biển nhiệt đới và cũng rất điển hình ở đảo Cù Lao Chàm. Tại đây có thể mở hướng du lịch lặn biển hoặc trang bị tàu có kính để quan sát san hô. Với lợi thế về tiềm năng tự nhiên không thua kém đảo Hòn Tre (Khánh Hoà); nếu được đầu tư mạnh mẽ, Cù Lao Chàm xứng đáng trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển- đảo và dịch vụ thương mại tầm quốc gia và quốc tế, là điểm đón khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến với Huế, Đà Nẵng, Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.

- Vịnh Vân Phong- đảo Hòn Lớn, trung tâm du lịch và dịch vụ tổng hợp tầm quốc tế: nói đến phát triển du lịch Hòn Lớn, không thể tách rời Hòn Lớn với vịnh Vân Phong. Do vị trí nằm sát bờ, có cảng biển nước sâu Đầm Môn, vịnh Vân Phong- Hòn Lớn được coi là một trong những khu du lịch sinh thái biển đẹp nhất nước ta và trong khu vực, đặc biệt là hệ sinh thái tự nhiên còn hoang sơ thuộc vào loại hiếm ở Đông Nam Á. Vân Phong – Hòn Lớn có hệ thống đảo và bán đảo, vịnh sâu kín gió, là khu vực có hệ sinh thái rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, động thực vật biển nông ven bờ phong phú đa dạng với khoảng 350 loài san hô quí hiếm cùng 270 loài tôm cá và trên 30 bãi tắm hầu hết vẫn còn hoang sơ. Với nhiệt độ ấm áp quanh năm, cảnh quan đặc sắc và môi trường tự nhiên còn giữ được vẻ nguyên vẹn chưa bị ô nhiễm đây là nơi có điều kiện lý tưởng để xây dựng thành một khu du lịch biển và dịch vụ tổng hợp hấp dẫn du khách quốc tế và trong nước. Lợi thế nữa là Vân Phong – Hòn Lớn nằm ở trung tâm vùng Đông Nam Á, với khoảng cách gần như nhau tới thủ đô của các nước trong khu vực; đây cũng là một ưu thế phát triển du lịch vì chỉ sau 2 giờ bay du khách có thể tới được điểm nghỉ ngơi tuyệt vời.

4.2.3 Hình thành các trung tâm đánh bắt xa bờ, hậu cần nghề cá và dịch vụ hàng hải, cứu hộ trên biển

 Lợi thế này thuộc về các cụm đảo nằm xa bờ như Lý Sơn, Phú Quý:
- Với lợi thế gần các ngư trường lớn, người dân lại có truyền thống lâu đời về nghề đánh bắt xa bờ, Lý Sơn hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm đánh bắt và chế biến hải sản, dịch vụ nghề cá cho cả vùng biển phía bắc NTB. Để làm được điều này, đòi hỏi Lý Sơn phải được đầu tư xây dựng cảng cá lớn và nơi trú đậu tàu bè an toàn khi gió bão. Đầu tư các cơ sở cung ứng vật tư, xăng dầu, thực phẩm, nước đá, thu mua, bảo quản và sơ chế hải sản. Ngoài ra cũng cần phát triển các dịch vụ thông báo luồng cá, thông báo khí tượng hải văn, sửa chữa cơ khí, tổ chức các dịch vụ cứu nạn, cứu hộ trên biển khi có thiên tai như bão tố, động đất, sóng thần, hoặc các rủi ro trên biển, các thảm họa môi trường (tràn dầu, cháy nổ,…) và các dịch vụ đồng bộ khác trên đảo như thương mại, ngân hàng, thông tin liên lạc, y tế.

- Nằm kề các tuyến giao thông biển nội địa và quốc tế từ TP. Hồ Chí Minh đi Hải Phòng, Hồng Kông, Hàn Quốc, Tokyo, Xingapo; nằm trên tuyến đường đánh bắt hải sản của các ngư dân ven biển thuộc các tỉnh Miền Trung và Nam Bộ; nằm án ngữ phía bắc bể chứa dầu khí Cửu Long và Nam Côn Sơn, ở gần Trường Sa nhất so với bất cứ đảo hoặc cảng nào trong vùng; Phú Quí giữ vai trò vị trí thuận lợi nhất trong việc trung chuyển hàng hoá từ đất liền cho quần đảo Trường Sa, là trung tâm phát triển dịch vụ cho khoan thăm dò, khai thác dầu khí, dịch vụ hàng hải, thương mại quốc tế, nơi trú đậu tàu thuyền khi có bão lớn. Nếu được đầu tư mạnh các công trình hạ tầng cơ sở như cảng biển, xí nghiệp sửa chữa tàu thuyền, đầu tư cho phát triển nông nghiệp, cho bảo tồn và lưu giữ nguồn nước mặt kết hợp với nước ngầm; Phú Quí sẽ có đủ điều kiện cung cấp nước ngọt, rau xanh cho đảo Trường sa, cho tàu thuyền qua lại trên vùng biển này, cho dịch vụ khoan thăm dò dầu khí…

4.2.4 Lợi ích kinh tế to lớn từ nguồn thu yến sào

Trong hệ thống đảo ven bờ Việt Nam, chỉ duy nhất tại một số đảo ven bờ NTB có chim yến làm tổ. Ưu thế này thuộc về cụm đảo Hòn Tre và cụm đảo Cù Lao Chàm. Trong cụm đảo Hòn Tre có tới 8 đảo ( Hòn Ngoại, Hòn Nội, Hòn Hố, Hòn Chà Là, Hòn Đụn, Hòn Mun, Hòn Nọc, Hòn Xà Cừ) có chim yến làm tổ. Số lượng đàn chim yến tại Khánh Hoà hiện nay khoảng 500.000 con và hàng năm cho nguồn lợi khoảng 2000kg yến sào với nguồn thu từ 90-120 tỷ đồng cho tỉnh Khánh Hoà (theo Nguyễn Quang Phách, 2008). Tại các đảo nhỏ trong cụm đảo Cù Lao Chàm như Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Cụ và Hòn Khô cũng là những nơi có điều kiện sinh thái thích hợp cho chim yến làm tổ, đem lại nguồn thu lớn cho người dân trên đảo. Yến hàng ở Cù Lao Chàm đứng hàng thứ hai sau Khánh Hoà về sản lượng khai thác, hàng năm thu được khoảng 650kg [5].

4.3. Lợi ích về chủ quyền và an ninh quốc phòng trên biển

4.3.1. Mở rộng lãnh thổ quốc gia trên biển

Có thể coi lợi ích lớn nhất từ giá trị TNVT các đảo ven bờ NTB đem lại là lãnh thổ quốc gia trên biển được mở rộng nhờ vị trí không gian của các đảo Lý Sơn, Hòn Ông Căn, Hòn Đôi, Hòn Hải. Trong tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCNVN ngày 12/11/1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, đường gồm 11 điểm cơ sở từ A1 đến A11 thì có tới 4 điểm được ấn định tại các đảo ven bờ NTB. Đó là Hòn Hải (Phú Quí) điểm A6, Hòn Đôi ( trong cụm đảo Hòn Lớn ) A7, Hòn Ông Căn ( Bình Định) A9 và Lý Sơn A10. Nhờ có sự mở rộng này mà trong vùng nội thủy và lãnh hải NTB có nhiều ngư trường tiềm năng lớn về hải sản. Ngoài ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong khu vực biển NTB cũng được mở rộng về phía bờ đối diện với các quốc gia là Philippin, Inđônêxia. Đây có thể coi là tài sản vô giá của nước ta.

4.3.2 Bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền cho đất liền và vùng biển-đảo

 Lợi ích về bảo vệ an ninh quốc phòng là vô cùng quan trọng bởi vị trí, diện tích, hình thể, sự phân bố của các đảo và cụm đảo ven bờ NTB. Có thể thấy lợi thế này thuộc về các đảo Lý Sơn, Phú Quí, Cù Lao Chàm, Cù Lao Xanh, Hòn Lớn, Hòn Tre. Chúng thuộc loại “đắc địa”, chẳng những có giá trị cho mở rộng vùng nội thủy mà còn là cơ sở vững chắc cho quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị vùng biển và dải đất liền NTB.
- Đảo Lý Sơn trong quá khứ đã đóng vai trò quan trọng là nơi xuất phát của các chiến thuyền trong việc quản lý, tuần tra bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày nay, với vị trí tiền tiêu vùng biển phía Bắc NTB, Lý Sơn có nghĩa vụ nặng nề bảo đảm chủ quyền quốc gia vùng biển, và như một tiền đồn, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất liền bên trong. Lý Sơn phân bố không xa đất liền, diện tích đủ lớn, đời sống kinh tế trù phú, lại có đảo Bé bên cạnh, rất thuận lợi cho xây dựng các căn cứ quân sự liên hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong tác chiến, bảo đảm khả năng bảo vệ vùng biển-đảo và đất liền. Địa hình Lý Sơn cũng rất thuận lợi cho sử dụng vào quốc phòng, với khoảng 1/4 diện tích đảo là đồi, phân bố ở cả 2 phía Đông Bắc và Tây Bắc đảo cho phép khống chế vùng biển rộng lớn quanh đảo, và bảo vệ trực tiếp các khu dân cư, khu kinh tế và các công trình lịch sử-văn hóa trên đảo.

- Phú Quý là đảo có diện tích tương đối lớn (16km2), nằm ở vị trí xa bờ trên 100km và đứng lẻ loi ngoài vùng biển khơi của NTB trên chiều dài gần 1000km (từ đảo Lý Sơn đến quần đảo Côn Sơn). Điều này khiến đảo Phú Quí trở thành hòn đảo chiếm vị trí độc tôn trên biển cực NTB có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các tuyến đường biển nội địa và quốc tế. Địa hình Phú Quí có dạng cao nguyên, với các đỉnh như núi Cấm (108m), núi Cao Cát (86m) ở phía bắc và núi Ông Đụn (46m) ở phía Nam là những vị trí phòng thủ đắc địa trên đảo, cho phép quan sát một vùng biển rộng lớn xung quanh đảo với tầm nhìn hàng chục hải lý. Cộng với cây đèn biển xây dựng trên núi Cấm, đảo Phú Quí là điểm được tàu bè định vị khi qua lại trên vùng biển rộng lớn cực NTB.

- Tuy nằm gần bờ, chỉ cách phố cổ Hội An khoảng 20km về phía Đông Bắc, cách TP. Đà Nẵng 30km về phía Đông Nam; đảo Cù Lao Chàm với vị trí độc tôn trên biển nắm giữ vai trò trọng yếu đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển ven bờ Đà Nẵng - Quảng Nam. Từ các đỉnh cao trên đảo như Hòn Biền (517m), Hòn Đại (326m) cho phép kiểm soát tàu bè qua lại trên vùng biển dài khoảng 90km từ bán đảo Sơn Trà đến vụng Dung Quất và kiểm soát tàu bè ra vào biển Cửa Đại. Ngoài ra còn cho phép bố trí các vị trí phòng thủ trên các đảo nhỏ như đỉnh cao 212m Hòn Tai (nằm phía Đông Nam), đỉnh cao 196m trên Hòn La (nằm về phía Tây Bắc) tạo nên một thế trận phòng thủ liên hoàn và hỗ trợ cho nhau giữa các đảo. Các bờ đảo của cụm đảo Cù Lao Chàm chủ yếu là vách dốc dựng đứng gây khó khăn cho xâm nhập lên đảo.

 - Cù Lao Xanh là đảo tiền tiêu và giữ vị trí độc tôn trên biển, án ngữ vùng biển dài khoảng 250km từ Quảng Ngãi đến Khánh Hoà. Điều này khiến cho vai trò của Cù Lao Xanh càng trở nên quan trọng với trách nhiệm bảo vệ an ninh chủ quyền lãnh thổ đất liền và vùng biển nội thuỷ các tỉnh phía bắc NTB, nơi có chiều rộng vùng nội thuỷ không lớn (khoảng 12-15 km). Cùng với cây đèn biển được xây dựng trên đảo, Cù Lao Xanh còn là điểm định vị cho tàu bè qua lại vùng biển Qui Nhơn và cập cảng Qui Nhơn, là điểm cứu hộ, cứu nạn, trú ẩn cho tàu bè đánh cá qua lại vùng biển này mỗi khi có bão. Lợi thế về mặt quân sự của Cù Lao Xanh được thể hiện rõ nét khi sử dụng các đỉnh cao 120m ở phía Đông và đỉnh cao 129m ở phía Tây của đảo xây dựng thành các vọng gác tiền tiêu có tầm quan sát không hạn chế và không bị che khuất. Tại các điểm cao này còn có mặt bằng rộng cho phép xây dựng sân bay trực thăng dã chiến. Xung quanh đảo chủ yếu là các vách dốc đứng, có thể bố trí các công trình phòng thủ quân sự trên đảo để bảo vệ đảo và đất liền khi có các cuộc xâm lấn bằng đường thuỷ.

- Mặc dù nằm gần bờ, song đảo Hòn Tre được coi như đảo tiền tiêu và vọng gác ven bờ canh giữ, bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển nội thuỷ và vùng lãnh hải ven bờ tỉnh Khánh Hoà. Tại các đỉnh cao Hòn Lớn (414m) nằm ở phía Đông và đỉnh Hòn Tre (482m) ở phía Tây với tầm nhìn không bị che khuất cho phép kiểm soát toàn bộ tàu bè quốc tế và tàu đánh cá qua lại vùng biển Khánh Hoà. Đảo Hòn Tre còn đóng vai trò định vị cho tàu bè qua lại vùng biển Khánh Hoà và vào vịnh Nha Trang.

 - Với lợi thế là đảo có diện tích khá lớn (41,73 km2), lại có các điểm cao 567m (đỉnh núi Bà Lớn), điểm cao 394m (đỉnh Mũi Cỏ) tầm nhìn không bị che khuất, có thể quan sát cả vùng biển rộng lớn ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà đã tạo cho đảo Hòn Lớn trở thành vọng gác ven bờ, canh gác giữ vững an ninh chủ quyền đất liền và vùng lãnh hải rộng lớn trên vùng biển NTB nước ta. Đồng thời vừa là tấm bình phong chắn sóng to, gió lớn cho vịnh Vân Phong, bảo vệ các khu kinh tế, hải cảng bên trong vịnh. Trên đảo có thể xây dựng sân bây trực thăng, hệ thống ra da, tên lửa, hệ thống phòng thủ ở phía bờ đông của đảo cho phép ngăn chặn từ xa các cuộc tập kích, đổ bộ bằng đường biển, đường không vào đất liền nước ta.

5. Một vài đề xuất sử dụng hiệu quả tài nguyên vị thế các đảo ven bờ Nam Trung Bộ

Để TNVT của các đảo ven bờ NTB ngày càng được phát huy thế mạnh, xin nêu một vài đề xuất sau đây:

5.1 Xây dựng đảo Hòn Lớn thành khu kinh tế cửa khẩu biển-đảo khu vực Nam Trung Bộ

Cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng cây cầu lớn dây văng với chiều dài từ 2-2,5km nối bán đảo Hòn Gốm (đất liền) với đảo Hòn Lớn và xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyến đường quanh đảo Hòn Lớn. Điều này cho phép đảo Hòn Lớn gắn kết được với các trục động lực và trung tâm kinh tế ven biển: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Tuy Hoà, Nha Trang cũng như kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, các nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan thông qua các cửa khẩu và tuyến hành đường lang Đông Tây, QL.14B, QL14C,14E, QL19, QL26. Xây dựng cảng nước sâu Đầm Môn –Hòn Lớn trở thành trung tâm, đầu mối giao thông đường thủy trong nuớc và quốc tế. Đây sẽ là cảng biển có chức năng tổng hợp và trung chuyển hàng hoá giữa các tỉnh NTB với các tỉnh ven biển khác trong cả nước và các nước trong khu vực, trước hết là với các nước ASEAN. Hòn Lớn sẽ trở thành khu kinh tế cửa khẩu đảo- biển ở NTB với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Khai thác quỹ đất trên cụm đảo Hòn Lớn cho phát triển cơ sở hạ tầng: khu chế xuất, kho hàng, bến bãi, sân bay, các cơ sở du lịch, dịch vụ, hậu cần nghề cá.

5.2. Đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho 2 huyện đảo Lý Sơn và Phú Quí

Mặc dù đã được quan tâm trong nhiều năm qua về đầu tư nâng cấp xây dựng hệ thống cầu cảng, đường giao thông trên đảo, kè chống xói lở bờ biển, bảo tồn tôn tạo các giá trị di tích lịch sử -văn hoá nhưng vẫn chưa đủ. Lý Sơn và Phú Quí trong tương lai gần cần được đầu tư nhiều hơn nữa để trở thành trung tâm trung chuyển nhân và vật lực cho Hoàng Sa, Trường Sa, cho phát triển đánh bắt hải sản xa bờ và dịch vụ nghề cá, dịch vụ giao thông hàng hải, cứu hộ,... cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển du lịch và trở thành một căn cứ vững chắc, tiền đồn bảo vệ chủ quyền vùng biển NTB.
 
5.3 Nghiên cứu đề án xây dựng Cù Lao Chàm trở thành một huyện đảo

Với tiềm năng và lợi thế không thua kém đảo Hòn Tre (Nha Trang), nếu được đầu tư mạnh mẽ, trong tương lai không xa Cù lao Chàm sẽ trở thành “ Hòn Ngọc Việt” thứ hai của Việt Nam thu hút du khách gần xa. Để làm được điều này, trước hết cần nghiên cứu xây dựng cụm đảo Cù Lao Chàm trở thành một huyện đảo (giống như Phú Quí, Lý Sơn) để có điều kiện phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng thế mạnh của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Lê Đức An, 2008. Hệ thống đảo ven bờ Việt Nam, tài nguyên và phát triển. NXB KHTN&CN, 199 tr, Hà Nội.
2. Lê Đức An, 2008. Tài nguyên vị thế hệ thống đảo ven bờ Việt Nam. Tuyển tập BCKH, HNKHĐCB toàn quốc lần I “ Địa chất biển Việt Nam và phát triển bền vững” tr.396-402, NXB KHTN&CN, Hà Nội.
3. Lê Đức An, Uông Đình Khanh, Nguyễn Ngọc Thành, 2009. Tài nguyên vị thế các đảo ven bờ Nam Bộ với vấn đề an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế -xã hội. Tạp chí KH&CN Biển số 4/2009, tr.77-87, Hà Nội.
4.Lê Đức An, Trần Đức Thạnh, 2010: Về vị trí địa lý và vị thế thành Thăng Long. - TT HT KH QT “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”, HN 7 - 9/10/2010, 969 - 980. - Nxb ĐHQGHN, Hà Nội.
5. Nguyễn Chu Hồi, 2005. Cơ sở tài nguyên và môi trường biển. NXB ĐHQGHN, 305tr., Hà Nội.
6. Uông Đình Khanh, Lê Đức An, Nguyễn Ngọc Thành, 2008. Đánh giá giá trị tài nguyên vị thế các đảo ven bờ Nam Trung Bộ. Báo cáo chuyên đề Dự án số 14, 61 trang, lưu tại Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Hà Nội.
7. Lê Đức Tố (chủ nhiệm), 2005. Luận chứng khoa học về mô hình phát triển kinh tế-sinh thái trên một sô đảo, cụm đảo lựa chọn thuộc vùng biển ven bờ Việt Nam. Báo cáo tổng kết ĐT cấp NN KC-09-12, 231tr., Hà Nội.
Liên kết website khác