Để tìm hiểu nguyên nhân, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với tiến sĩ Vũ Thị Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Hiện các tỉnh ở miền Trung đang bị chìm ngập trong lũ. Nước lũ lên nhanh nhưng lại rút chậm. Là một người có nhiều công trình nghiên cứu về địa lý thủy văn ở các tỉnh miền Trung, bà có nhận xét gì?
- Bà Vũ Thị Thu Lan: Chúng ta đều biết các tỉnh duyên hải miền Trung là nơi chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam nhưng với tần suất cao hơn và mức độ ác liệt hơn như bão, lũ (gồm cả lũ lụt và lũ quét)...
Tuy nhiên, do núi sắp xếp dạng hình cung, hình phễu nên có thể chứa một lượng nước khi có mưa và sẽ đổ xuống vùng đồng bằng khi gặp mưa lớn như vào mùa mưa bão, cộng thêm vùng đồng bằng ở các tỉnh duyên hải miền Trung nhỏ hẹp. Chính tính chất bất đối xứng về mặt tỷ lệ diện tích làm cho vùng đồng bằng ngập lụt nặng nề mỗi khi có lũ.
Bên cạnh đó, các sông ở miền Trung thường không có hệ thống đê bao nên thường xuyên xuất hiện nước tràn bờ (ngập lụt) khi có lũ lớn. Ngoài ra, các cửa sông đổ ra biển luôn dịch chuyển, khả năng thoát nước từ vùng đồng bằng cũng giảm theo.
Như vậy, có thể thấy rằng đặc tính lũ lên nhanh và rút chậm ở miền Trung xuất phát từ đặc điểm địa lý tự nhiên trên lưu vực.
Lâu nay, đã có nhiều ý kiến đưa ra nguyên nhân lũ về nhanh, nhiều là do thủy điện, phá rừng. Bên cạnh đó, có ý kiến đưa ra rằng việc phát triển những khu đô thị ven biển, các đê bao ở những đô thị này hay việc nâng cấp quốc lộ 1A đã khiến phần nào khiến lũ rút đi chậm hơn. Bà có kiến gì?
- Lâu nay, chúng ta đã nói đến tác động của thủy điện ảnh hưởng đến lũ ở miền Trung nhiều rồi và xin không để cập ở đây mà tập trung vào ý sau của câu hỏi này.
Theo tôi, trong những năm vừa qua, chính tốc độ phát triển kinh tế xã hội ở những tỉnh miền Trung đã phần nào phá vỡ quá trình cân bằng của tự nhiên là nguyên nhân gia tăng sự ngập lụt do lũ lớn. Cụ thể, các tuyến đường giao thông lớn như tuyến đường 1A và đường sắt Bắc – Nam và các tuyến đường quốc lộ khác trên lưu vực đã trở thành các con đê ngăn lũ thoát ra biển do các cống thoát nước ở dưới đường không thể thoát nước kịp.
Các tuyến đường đều có hướng thẳng góc với hướng lũ, điều này gây cản trở tới khả năng thoát lũ tự nhiên của các địa phương ở miền Trung. Đơn cử, trong trận lũ năm 2009, chênh lệnh nước lũ giữa trong (phía tây) và ngoài (phía đông) là từ 1- 1,5m tại hầu hết các tỉnh duyên hải Miền Trung
Ngoài hệ thống đường đang được nâng cao thì sự tập trung dân cư lớn ở các đồng bằng ven biển cửa sông cũng như nhu cầu kiếm kế sinh nhai làm cho các hoạt động sản xuất ở đây thường không có quy hoạch. Cùng với đó, việc đào đắp, xây dựng các cơ sở, công trình phục vụ nuôi trồng thủy sản đang góp phần cản trở dòng chảy và các vật liệu khác từ đất liền ra biển.
Bên cạnh đó, các công trình hồ đập xây dựng trên sông có dung tích phòng lũ nhỏ và hầu hết đã xuống cấp, vấn đề an toàn hồ đập trong khi xuất hiện thiên tai thường được đưa lên hàng đầu, vì vậy đã tăng thời gian duy trì lũ lụt ở hạ du
Tóm lại việc phân bố dân cư, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền Trung hiện nay sẽ dễ dàng hơn để có những trận lũ ở ở vùng thượng du và ngập lụt ở vùng hạ du, cũng như đã làm giảm khả năng phòng chống lũ lụt.
Theo tôi, trong những năm tới, dưới sự ảnh hưởng thất thường của mưa bão, các tỉnh miền Trung sẽ thường xuyên bị lũ và thời gian ngập lũ cũng có xu hướng tăng lên.
Theo bà, chính quyền các tỉnh miền Trung cần làm gì để có thể giúp người dân bị ít thiệt hại nhất.
- Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, các hiện tượng cực đoan của khí hậu, thời tiết dẫn đến cực đoan về dòng chảy ngày càng gia tăng. Để giảm thiểu thiệt hai do thiên tai lũ lụt gây ra ở đây, theo tôi các cấp chính quyền cần chủ động phòng, tránh, thích nghi để phát triển. Qua đó, quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch, công trình giao thông bảo đảm chống ngập và tiêu thoát lũ.
Tại các con sông, cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp chống bồi lấp cửa sông, nạo vét lòng dẫn tăng cường khả năng thoát lũ.
Song song với đó là xây dựng các phương án ứng phó thiên tai phù hợp cho địa phương của mình; tăng cường hệ thống cảnh báo, dự báo lũ cho người dân tại các khu vực thường xuyên ngập lụt.
Còn người dân, trong tình cảnh hiện tại không còn cách nào tốt hơn ngoài việc phải chủ động hơn với mưa bão, lũ lụt, tự cứu mình trước khi người khác tới cứu.
Xin cảm ơn bà!
Tiến sĩ Vũ Thị Thu Lan giữ chức Viện phó Viện địa lý từ năm 2009. Hiện bà có nhiều công trình nghiên cứu về lũ lụt ở khu vực miền Trung. Cụ thể, công trình Lũ lụt miền Trung – nguyên nhân và những giải pháp phòng tránh; Nghiên cứu dự báo nguy cơ các tai biến thiên nhiên (lũ lụt, trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá, xói lở bờ sông) lưu vực sông Hương và đề xuất các giải pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại; Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến điều kiện tự nhiên, môi trường và phát triển kinh tế - xã hội ở Trung Trung bộ Việt Nam; Xây dựng bản đồ cảnh báo lũ lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và sông Thạch hãn – Bến Hải với tỷ lệ 1/10.000; Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thích ứng, biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu tác hại của các tai biến thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu ở Thanh Hóa... |