Tiếp cận địa lý học trong nghiên cứu Môi trường (lấy ví dụ lãnh thổ Nghệ An)

09/05/2014 05:21
1. Mở đầu

Quan niệm từ lâu đã trở thành phổ biến là con người coi môi trường là nơi ở, sinh hoạt, là nguồn cung cấp mọi thứ tài nguyên, nhiên liệu, vật chất vô cơ và hữu cơ cho cuộc sống, đồng thời nó cũng là địa bàn cho mọi hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, nhận thức quan trọng nhất của con người có được là môi trường có các ngưỡng chịu tải nhất định dưới tác động tự nhiên và nhân tác. Các tác động tự nhiên có thể vượt qua giới hạn chịu đựng của môi trường và rất khó kiểm soát, nhưng những tác động nhân tác thì có thể kiểm soát được. Các yếu tố sinh ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội làm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường sống của con người. Đó là sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, sự suy thoái đất, nguồn nước, ô nhiễm môi trường do chất thải.

Lý thuyết địa lý đã xác định rằng các yếu tố tự nhiên như địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, thực vật,… đã tạo nên hệ thống các đới, các vùng địa lý khác nhau trên bề mặt trái đất, tạo ra các dạng tài nguyên thiên nhiên cung cấp cho con người khai thác sử dụng. Đối tượng nghiên cứu của khoa học địa lý là các địa tổng thể hay còn gọi là các thể tổng hợp tự nhiên được tạo thành bởi các quy luật phân hóa của các yếu tố tự nhiên mang tính động lực thành tạo trong quá trình trao đổi vật chất và năng lượng. Các thể tổng hợp tự nhiên chứa đựng những chức năng riêng, tạo nên một hệ thống chức năng tổng hợp có mối quan hệ tương đối chặt chẽ: tự nhiên - kinh tế, xã hội - môi trường trong lãnh thổ khép kín của chúng. Nhận diện và đánh giá một cách đầy đủ bản chất tự nhiên, chức năng kinh tế của các thể tổng hợp tự nhiên và xác định được các chức năng môi trường của chúng là cách tiếp cận địa lý để nghiên cứu những vấn đề môi trường theo hướng sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

2. Tiếp cận địa lý học trong nghiên cứu môi trường

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 đã đưa ra định nghĩa: “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật”.

Khái niệm môi trường cho đến nay được coi là hệ thống lãnh thổ và hoạt động tự nhiên, kinh tế - xã hội (như là các cảnh quan) cùng với các quan hệ của các thành phần với nhau, đó là hệ thống động lực có quá trình phát sinh, phát triển, có các thuộc tính khác nhau như tính ổn định, tính chống chịu, khả năng tự làm sạch,… [1]. Các thuộc tính này hoạt động theo các quy luật tự nhiên nhưng dưới tác động của con người chúng đã và đang bị biến đổi.

Trong Đại bách khoa toàn thư Xô Viết đã đưa ra khái niệm “Môi trường địa lý là một bộ phận tự nhiên của bề mặt trái đất bao quanh xã hội loài người và bị thay đổi bởi con người ở các mức độ khác nhau và xã hội ở một thời điểm nhất định có quan hệ trực tiếp với bộ phận đó trong đời sống xã hội và sản xuất của mình” [7]. Như vậy, môi trường là “một khoảng không gian tập hợp tất cả các tác động (tốt hoặc xấu) ảnh hưởng tới sự xuất hiện, phân bố, biến đổi và hoạt động phát triển của thế giới sinh vật và cộng đồng người” [1]. Từ quan điểm trên có thể thấy khi nghiên cứu về môi trường địa lý cần thiết phải nghiên cứu mối quan hệ giữa các thành phần môi trường với con người và sinh vật xung quanh và phải đánh giá được mức độ ảnh hưởng của các chỉ tiêu môi trường đến môi trường sống của con người và giới sinh vật tại đó. Từ khái niệm về môi trường địa lý đó của Phạm Quang Anh có thể thấy “một phần của môi trường tự nhiên” “bộ phận tự nhiên” ở đây là các thể tổng hợp tự nhiên hoặc cảnh quan của một lãnh thổ. Các thể tổng hợp tự nhiên tồn tại một cách khách quan ở các vùng lãnh thổ khác nhau với các chức năng tự nhiên được hình thành bởi tổ hợp các chức năng của các thành phần tạo nên đơn vị lãnh thổ đó. Bên cạnh đó, mỗi thể tổng hợp tự nhiên lại có thể đảm nhiệm các chức năng về kinh tế - xã hội và môi trường khác nhau trong sự thống nhất và điều hòa giữa tất cả các chức năng mà nó có thể đảm nhiệm [5].

Lý thuyết cảnh quan đã xác định rằng cảnh quan là một thể tổng hợp tự nhiên phức tạp, vừa có tính thống nhất và bất đồng nhất. Theo Phạm Quang Anh “cảnh quan là một đơn vị lãnh thổ tập hợp các điều kiện tự nhiên tương tác với nhau trong quá trình vận hành đề tạo ra một cấu trúc, một ngoại hình và một thuộc tính sinh thái. Từ đó, có một thuộc tính về giá trị riêng - giá trị kinh tế, giá trị môi trường sinh thái và tính bền vững” [1]. Trong nhiều thập kỷ gần đây đã nảy sinh chiều hướng nghiên cứu các chức năng sinh thái của các cảnh quan nhằm giải quyết các vấn đề sinh thái của lãnh thổ môi trường sống trên các cảnh quan khác nhau. Lý thuyết về cảnh quan sinh thái (CQST) theo nhiều nhà địa lý học là lý thuyết về lãnh thổ môi trường sống của con người và mọi thể sinh vật. Con người sống trên các cảnh quan (các lãnh thổ tự nhiên) khác nhau cũng có nghĩa là sống trong các hệ sinh thái khác nhau. Sự tồn tại thống nhất của các hệ sinh thái và các thành phần tự nhiên của cảnh quan trong sinh cảnh của hệ sinh thái được gọi là cảnh quan sinh thái. Cảnh quan sinh thái là sinh cảnh hay là nơi sống của hệ sinh thái và nó tồn tại như một lãnh thổ địa lý [1]. Cảnh quan sinh thái có tính đa chức năng, bao gồm chức năng tự nhiên của cảnh quan, chức năng sinh thái của các hệ sinh thái và cùng với chức năng kinh tế - xã hội là cơ sở của mọi hoạt động kinh tế - xã hội của con người. Nguyễn Thế Thôn cho rằng: CQST là “lãnh thổ môi trường sinh thái của con người và là đối tượng nghiên cứu về lãnh thổ của khoa học môi trường và là đối tượng của quy hoạch và quản lý môi trường” [4].

Các chức năng tự nhiên của các CQST được hình thành do tính chất và đặc điểm của các thành phần tự nhiên và có sự phân hóa theo lãnh thổ. CQST được coi là môi trường sinh thái nên các thành phần tự nhiên của CQST cũng chính là các thành phần của môi trường sinh thái và vì vậy, cũng được phân hóa theo lãnh thổ.

Như vậy, tiếp cận địa lý học trong nghiên cứu môi trường chính là cách tiếp cận đánh giá tổng hợp các thể tổng hợp tự nhiên hoặc các CQST nhằm xác định được mối quan hệ và sự biến đổi của các thành phần tự nhiên, các tính chất môi trường của lãnh thổ với hoạt động của con người trong quá trình khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên của lãnh thổ đó.

Trong nghiên cứu địa lý, đánh giá tổng hợp các thể tổng hợp tự nhiên là phương pháp chủ đạo nhằm xác định các mối quan hệ và những tác động tương hỗ giữa các yếu tố và thành phần tự nhiên trong thể tổng hợp đó cũng như giữa các thể tổng hợp với nhau. Đánh giá tổng hợp làm sáng tỏ mối quan hệ trong tổ chức không gian, cấu trúc động lực của các thể tổng hợp và sự phân hóa của các dạng tài nguyên [2].

Cách tiếp cận đánh giá tổng hợp được các nhà địa lý học trên thế giới từ nhiều thế kỷ nay cũng như các nhà địa lý học Việt Nam áp dụng để thực hiện nhiều công trình nghiên cứu đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường các vùng lãnh thổ nhằm đề xuất khả năng khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội cụ thể.

3. Kết quả và thảo luận
3.1. Nghiên cứu thành lập bản đồ phân vùng chức năng môi trường lãnh thổ tỉnh Nghệ An từ bản đồ cảnh quan sinh thái

Môi trường có nhiều chức năng khác nhau, tập trung chủ yếu vào các chức năng sau đây:
 
- Là không gian sống của con người và các thể sinh vật.

- Là nơi cung cấp tài nguyên cần thiết cho cuộc sống và các hoạt KT-XH của con người.

- Là nơi chứa đựng và chuyển hóa các chất thải do con người tạo ra trong hoạt động đời sống và KT-XH của mình.

- Là nơi điều hòa môi trường, giảm nhẹ các tác động có hại của thiên nhiên đối với con người và sinh vật.

- Là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người về môi trường sống.

Một đơn vị lãnh thổ chứa đựng các chức năng: sản xuất vật chất, tạo môi trường sống, bảo vệ tài nguyên, thông tin và thẩm mỹ. Chức năng môi trường (CNMT) theo nhiều nhà nghiên cứu cũng chính là các chức năng sinh thái của các đơn vị tự nhiên, là một trong những chức năng của các CQST [1, 4, 6]. Trong môi trường tự nhiên, các thành phần môi trường sống không mang tính độc lập, riêng biệt với nhau mà thường liên quan mật thiết với các thành phần môi trường khác và chuyển hóa cho nhau trong thể thống nhất của lãnh thổ sinh thái. Như vậy, môi trường có những chức năng và quy luật hoạt động riêng của nó nhưng lại hoàn toàn phụ thuộc vào các chức năng tự nhiên và sự hoạt động của con người tại một khu vực hoặc một vùng lãnh thổ nào đó. Để phân tích được các CNMT của một vùng lãnh thổ, về phương pháp luận cần phải đánh giá được khả năng đáp ứng các nhu cầu về tài nguyên cũng như khả năng tổ chức cuộc sống của con người của các chức năng tự nhiên. Khi khai thác các chức năng tự nhiên một cách hợp lý thì sẽ không tạo nên xung đột với các CNMT tại lãnh thổ đó. Nói cách khác, không tạo nên sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái chất lượng các điều kiện sinh thái, sự quá tải của CNMT mà đơn vị lãnh thổ đó có khả năng chịu được.

Như đã trình bày ở trên, lý thuyết CQST được ứng dụng trong nghiên cứu môi trường bởi vì môi trường có sự phân hóa theo lãnh thổ và các CQST là lãnh thổ môi trường sống của con người và mọi thể sinh vật. Vì vậy, đánh giá tác động và đánh giá chất lượng môi trường cần được đánh giá trên các CQST. Xuất phát từ quan điểm này nhiều nhà nghiên cứu cho rằng quy hoạch môi trường và quản lý môi trường cũng là quy hoạch và quản lý các CQST [1, 3, 4, 6].

Phân vùng CNMT là sự phân chia lãnh thổ thành các khu vực khác nhau dựa vào đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường và vị trí phân bố của đơn vị lãnh thổ đó. Trong các nghiên cứu về quy hoạch môi trường của các vùng lãnh thổ khác nhau các nhà khoa học lấy các đơn vị CQST đã được phân cấp làm cơ sở cho công tác phân vùng CNMT cho quy hoạch môi trường.

Xuất phát từ quan điểm này, để phân tích các CNMT và thành lập bản đồ phân vùng CNMT lãnh thổ tỉnh Nghệ An chúng tôi đã nghiên cứu thành lập bản đồ CQST cùng tỷ lệ (hình 1) [5].

Trong quá trình phân tích, làm rõ các CNMT của các CQST cho thấy: một đơn vị CQST có thể đảm nhận một hoặc vài CNMT và một CNMT có thể được đảm nhiệm bởi một hoặc vài đơn vị CQST. Ví dụ: loại CQST Đ38 (đồi cấu tạo từ phù sa cổ) có thể đảm nhiệm nhiều chức năng môi trường như trồng hoa màu, cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi gia súc, chứa thải. Chức năng lưu trữ và cung cấp thông tin (bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen) có thể được đảm nhiệm bởi nhiều loại CQST (ĐB1, ĐB8, ĐB19, ĐB24,…).

Từ kết quả phân tích chức năng môi trường của các CQST đã thực hiện công tác phân vùng CNMT. Hệ thống tiêu chí phân vùng CNMT dựa vào dấu hiệu về đặc điểm tự nhiên và các tiêu chí môi trường được phản ánh trong mỗi đơn vị CQST.

Kết quả đã phân chia CNMT lãnh thổ Nghệ An thành hai cấp:
 
- Cấp vùng: được phân chia dựa trên sự nhóm gộp các loại CQST có sự tương đồng về CNMT chủ đạo (chức năng điều chỉnh, tổ chức sản xuất,…).

- Cấp tiểu vùng: là đơn vị được phân chia trong cấp vùng CNMT, có sự đồng nhất tương đối và sự khác biệt về CNMT cụ thể (phòng hộ rừng đầu nguồn, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, tổ chức đô thị, dân cư…). Bên cạnh đó, khi phân chia cấp tiểu vùng đã sử dụng một vài tiêu chí/dấu hiệu phụ về môi trường nền, tai biến tự nhiên, mức độ sử dụng lãnh thổ trong hoạt động kinh tế - xã hội hiện tại, dấu hiệu về khả năng chịu tải của các đơn vị CQST cấp loại
 


Hình 1. Bản đồ cảnh quan sinh thái tỉnh Nghệ An
Ghi chú: Ký hiệu đất: A-đất mùn trên núi cao; Ha-đất mùn vàng đỏ trên đá magma axit; Hs-đất mùn vàng đỏ trên đá phiến sét; Fa- đất đỏ vàng trên đá magma axit; Fs-đất vàng đỏ trên đá phiến sét; Fk- đất nâu đỏ trên đá magma bazơ và trung tính; Fl- đất đỏ vàng biến đổi do trồng lua nước; Fj- đất đỏ vàng trên đá biến chất; Fv- đất đỏ nâu trên đá vôi; Fp- đất nâu vàng trên phù sa cổ; P-đất phù sa; C- đất cát; M- đất mặn; S- đất phèn.
 

Trên bản đồ phân vùng CNMT lãnh thổ tỉnh Nghệ An tỷ lệ 1:100.000 đã thể hiện 5 vùng CNMT (A, B, C, D, E) với 14 tiểu vùng, trong đó vùng A được chia thành 2 tiểu vùng (A1, A2); vùng B thành 2 tiều vùng (B1, B2); vùng D thành 4 tiểu vùng (D1, D2, D3, D4) và vùng E thành 5 tiểu vùng (E1, E2, E3, E4, E5) [5] (hình 2).
 


Hình 2. Bản đồ phân vùng chức năng môi trường lãnh thổ tỉnh Nghệ An
 
3.2. Thảo luận về khả năng sử dụng các đơn vị chức năng môi trường cho mục đích lập quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An

Trong tài liệu hướng dẫn về “Phương pháp luận quy hoạch môi trường” do Cục Môi trường thuộc Bộ Khoa học Công nghệ ban hành năm 1998 đã đưa ra khái niệm về quy hoạch môi trường như sau “Quy hoạch môi trường là quá trình sử dụng có hệ thống các kiến thức khoa học để xây dựng các chính sách và biện pháp trong khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm định hướng các hoạt đông phát triển trong khu vực, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững”. Như vậy, quy hoạch môi trường về bản chất là quy hoạch các giải pháp bảo vệ môi trường của các hoạt động phát triển được xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của một vùng kinh tế nào đó.

Quy hoạch môi trường được thực hiện song song với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo cho quy hoạch phát triển đạt được sự bền vững theo hướng sử dụng hợp lý lãnh thổ và bảo vệ môi trường. Vì vậy, quy hoạch môi trường là một bộ phận gắn kết, không thể tách rời với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trong một không gian nhất định.

Kết quả phân tích cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn cho thấy: phân vùng CNMT bằng cách tiếp cận CQST trên cơ sở xem xét mối quan hệ của hệ thống chức năng tự nhiên - kinh tế xã hội - môi trường của các đơn vị CQST là có căn cứ khoa học, đảm bảo độ tin cậy trong việc xác định CNMT cũng như ranh giới phân chia các đơn vị CNMT của lãnh thổ. Bản đồ phân vùng CNMT là bản đồ cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo của công tác lập quy hoạch môi trường.

Quy trình lập quy hoạch môi trường có nhiều bước, trong đó bước quan trọng nhất là đề xuất định hướng bố trí các hoạt động phát triển trên lãnh thổ trên cơ sở phân tích định hướng sử dụng các đơn vị CNMT.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020, các đối tượng quy hoạch khá đầy đủ thuộc tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội (các khu đô thị, khu dân cư, các vùng sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, các khu công nghiệp, khu du lịch - dịch vụ, cơ sở hạ tầng,…). Để đảm bảo cho công tác quy hoạch phát triển đạt được các tiêu chí phát triển bền vững, chúng tôi đã nghiên cứu đề xuất định hướng sử dụng các đơn vị CNMT lãnh thổ tỉnh Nghệ An như là một căn cứ khoa học để bố trí hợp lý các hoạt động phát triển trên lãnh thổ và bảo vệ môi trường. Khi đề xuất định hướng sử dụng các đơn vị CNMT, chúng tôi đã chú trọng đến các đơn vị có chức năng chính như cung cấp tài nguyên sản xuất tại chỗ, chức năng tổ chức sản xuất nông, lâm, công nghiệp và chức năng tổ chức không gian sống (bảng 1).
 
Bảng 1. Định hướng sử dụng các đơn vị CNMT trong bố trí các hoạt động phát triển theo quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Nghệ An đến năm 2020 [5]
Vùng CNM T Tiểu vùng CNMT Định hướng hoạt động phát triển
A: Điều chỉnh và cung cấp thông tin A1
4370km2
- Bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đầu nguồn, khoanh nuôi tái sinh rừng;
- Sản xuất lâm nghiệp;
 - Kết hợp khai thác thuỷ điện nhỏ.
A2
2569km2
- Khoanh nuôi, phục hồi và bảo vệ rừng tự nhiên;
- Trồng rừng kinh tế kết hợp rừng phòng hộ (nguyên liệu giấy, ép ván, cánh kiến,…);
- Xây dựng các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ;
- Khai thác khoáng sản (thiếc, đá granit, đá trắng).
B: cung cấp thông tin, lưu giữ nguồn gene, và hoạt động du lịch B1
942km2
- Bảo vệ nghiêm ngặt HST rừng tự nhiên trong VQG Pù Mát;
- Phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá.
B2
2433km2
- Bảo vệ, khoanh nuôi phát triển rừng tự nhiên;
- Phát triển rừng SX, hoạt động lâm - nông nghiệp;
- Xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ;
- Khai thác văn hoá bản địa trong hoạt động du lịch;
C: Vùng SX nông nghiệp ven sông Cả C
490km2
- Xây dựng hành lang phát triển KT-XH dọc QL7;
- SX nông nghiệp phục vụ nhu cầu tại chỗ (lúa, màu);
- Xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, thương mại phục vụ phát triển các khu vực phụ cận.
 
D. Cung cấp tài nguyên; tổ chức các hoạt động sản xuất
D1
1885km2
- Phát triển cây công nghiệp (cà phê,cao su,chè,mía), cây ăn quả (cam, chanh);
- Phát triển các khu công nghiệp chế biến ở Phủ Quỳ;
- Phát triển đất trồng cỏ chăn nuôi bò sữa, trâu bò thịt;
- Khai thác, chế biến đá trắng ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn;
- Xây dựng hồ chứa thủy lợi - thủy điện ở Nghĩa Đàn;
- Lựa chọn vị trí phù hợp xây dựng khu chứa và xử lý chất thải tập trung (Tân Kỳ, Nghĩa Đàn);
D2
299km2
- Khoanh nuôi, bảo tồn hệ sinh thái núi đá vôi;
- Phát triển dược liệu, cây đặc sản của HST núi đá vôi;
- Khai thác đá vôi có lựa chọn và theo định mức nhất định;
D3
746km2
- Phát triển rừng sản xuất, phát triển các vùng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày;
- Xây dựng cảnh quan và tạo hạ tầng phát triển du lịch gắn liền với khu vực đồng bằng;
- Xây dựng các hồ chứa thuỷ lợi quy mô nhỏ;
- Lựa chọn các vị trí phù hợp có thể xây dựng bãi rác, khu xử lý rác cho cả khu đồng bằng;
D4
670km2
- Phát triển nông lâm nghiệp;
- Xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái;
- Xây dựng hồ chứa thuỷ điện - thủy lợi quy mô vừa;
- Khai thác có định mức đá vôi, cát xây dựng;
- Có khả năng xây dựng khu chứa và xử lý chất thải cho cả khu đồng bằng;
 E. Cung cấp không gian phát triển đô thị; Tổ chức sản xuất đa ngành.
 
E1
68,3km2
- Phát triển Vinh thành đô thị loại 1 và các khu, cụm công nghiệp;
- Phát triển hệ thống cây xanh, công viên, hồ sinh học nhằm đảm bảo cảnh quan và điều hoà môi trường;
- Xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở môi trường trong thành phố để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị;
- Xây dựng hệ thống đê bao dọc bờ biển để điều tiết mặn và giảm xói lở bờ biển.
E2
24,8km2
- Bảo vệ HST đất ngập nước, rừng phòng hộ ven biển;
- Phát triển hạ tầng và dịch vụ du lịch;
- Đa dạng hoá các loại hình du lịch (du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, tắm biển, nghỉ dưỡng...).
E3
98km2
- Khoanh nuôi, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước;
- Phát triển nuôi trồng thuỷ sản mặn - lợ;
- Phát triển chế biến thuỷ hải sản, kinh tế làng nghề;
- Phát triển các điểm, tuyến du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng.
E4
1535km2
- Bố trí sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp năng suất cao;
- Phát triển kinh tế làng nghề;
- Khai thác vật liệu xây dựng (sét, cát xây dựng);
- Bố trí các điểm dân cư, đô thị, các khu, cụm công nghiệp;
- Xây dựng có lựa chọn các bãi thải và khu xử lý chất thải.
E5
404km2
- Trồng rừng, bảo vệ phục hồi rừng;
- Khai thác hiệu quả điều hoà môi trường và vị thế liền kề trong đồng bằng để phát triển du lịch;
- Bố trí các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm; cây ăn quả;
- Có thể lựa chọn vị trí xây dựng bãi và khu xử lý chất thải cho khu vực đồng bằng.
 
 
 
Kết quả đề xuất định hướng sử dụng các đơn vị chức năng môi trường để bố trí các hoạt động phát triển theo quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH của tỉnh Nghệ An đến năm 2020 cho thấy các hoạt động phát triển được bố trí tương đối phù hợp ở các đơn vị cấp tiểu vùng chức năng môi trường, đảm bảo tính hài hòa giữa các chức năng tự nhiên - môi trường và kinh tế - xã hội trên các loại cảnh quan sinh thái. Điều này làm cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ có độ tin cậy và tính khả thi cao, đáp ứng được mục tiêu phát triển theo chiều hướng bền vững.

4. Kết luận

Tiếp cận địa lý học trong nghiên cứu môi trường là đánh giá tổng hợp các thể tổng hợp tự nhiên hoặc các CQST nhằm xác định được mối quan hệ và sự biến đổi của các thành phần tự nhiên, các tính chất môi trường của lãnh thổ với hoạt động của con người trong quá trình khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên của lãnh thổ đó. Đánh giá các cảnh quan sinh thái nhằm mục đích xác định các chức năng môi trường mà mỗi cảnh quan sinh thái có thể đảm nhiệm làm căn cứ để thành lập bản đồ phân vùng CNMT.

Bản đồ phân vùng CNMT lãnh thổ tỉnh Nghệ An tỷ lệ 1:100.000 được thành lập từ bản đồ CQST đã phân chia lãnh thổ Nghệ An thành 5 vùng với 14 tiểu vùng chức năng môi trường. Từ kết quả phân vùng đã đề xuất định hướng sử dụng các đơn vị CNMT để bố trí các hoạt động phát triển theo quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Các hoạt động phát triển được đề xuất bố trí trên lãnh thổ tỉnh Nghệ An đã thể hiện được sự hài hòa của hệ thống các chức năng tự nhiên - môi trường - kinh tế xã hội của từng đơn vị cấp loại cảnh quan sinh thái. Điều này khẳng định tiếp cận cảnh quan sinh thái để xác định các chức năng môi trường của một lãnh thổ là cách tiếp cận đúng đắn, phù hợp trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch bảo vệ môi trường của lãnh thổ đó, đáp ứng mục đích sử dụng hợp lý điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường theo quan điểm phát triển bền vững.

TÀI LIỆU DẪN
1. Phạm Quang Anh, Nguyễn An Thịnh, 2005: Giáo trình “Cơ sở sinh thái cảnh quan (lý luận và thực tiễn, Khoa Địa lý, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, 266 tr
2. Phạm Hoàng Hải, Nguyễn Thượng Hùng, Nguyễn Ngọc Khánh, 1997: Cơ sở cảnh quan học của việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường lãnh thổ Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr 125-136.
3. Đặng Trung Thuận, 2003: Quản lý môi trường bằng quy hoạch môi trường, Tuyển tập “Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 278-299
4. Nguyễn Thế Thôn, 2004: Quy hoạch môi trường phát triển bền vững, Nxb. KH-KT, Hà Nội, 220 tr
5. Hoàng Lưu Thu Thủy, 2012: Đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường phục vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, Luận án Tiến sỹ Địa lý, Viện Địa lý, VAST, 150 tr.
6. Nguyễn Văn Vinh, 2005: Một số vấn đề về phân vùng chức năng môi trường áp dụng cho tỉnh Bắc Giang, Tạp chí Địa chính số 5/2005, tr 20-24
7. Kalesnik S. V., 1979: Geographic environment.- Entry in: The Great Soviet Encyclopedia., 3nd Edition (1979) - In English: New York Macmillan, London Collier Macmillan, 1974-1983.
 
Liên kết website khác