XÂY DỰNG CẦN THƠ HƯỚNG TỚI THÀNH PHỐ SINH THÁI THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Chủ nhiệm đề tài: BÙI QUANG BÌNH & ĐINH TRỌNG THU
Xây dựng thành phố sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là xu thế được các chính phủ, các nhà khoa học quan tâm không chỉ ở các quốc gia phát triển mà còn tại các quốc gia đang phát triển, và Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị tác động của BĐKH vô cùng nghiêm trọng và ĐBSCL hiện là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do mực nước biển dâng. Phát triển thành phố Cần Thơ trở thành một thành phố sinh thái, thành phố sông nước trung tâm của vùng ĐBSCL có thể là một giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu với quan điểm phát triển không gian thành phố theo hướng toàn diện, cân bằng và bền vững. Có nhiều thành phố có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, đa dạng văn hóa và đa dạng sinh học tương tự như thành phố Cần Thơ và đã thành công trong quá trình phát triển theo hướng thành phố sinh thái như là những gợi ý cho hướng phát triển, đó là thành phố Rotterdam, Singapore, Puerto Princesa.
CƠ SỞ KHOA HỌC CHO VIỆC XÂY DỰNG MÔ HÌNH LÀNG SINH THÁI THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Chủ nhiệm đề tài: LẠI VĂN MẠNH
Thích ứng là một giải pháp quan trọng đối với các nước đang phát triển mà được dự báo là chịu nhiều tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu như Việt Nam. Mô hình làng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, được nghiên cứu và đề xuất trong báo cáo này sẽ dựa trên các lý thuyết về thích ứng với biến đổi khí hậu; lý thuyết và thực tiễn về mô hình làng sinh thái ở Việt Nam, và một số kinh nghiệm quốc tế về các mô hình thích ứng khác có liên quan như: mô hình thích ứng dựa vào cộng đồng và mô hình thích ứng dựa vào hệ sinh thái. Các giải pháp được đề xuất bởi mô hình này sẽ dựa trên ba quan điểm chính: i) góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực tiềm tàng của biến đổi khí hậu; ii) kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; iii) linh hoạt và phù hợp với các điều kiện của Việt Nam.
ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC THỰC HIỆN MÔ HÌNH “MỖI LÀNG MỘT SẢN PHẨM” TẠI CÁC LÀNG NGHỀ VIỆT NAM TRƯỜNG HỢP LÀNG NGHỀ BÁT TRÀNG
Chủ nhiệm đề tài: NGUYỄN ANH THƯ & NGUYỄN THỊ NGỌC ÁNH
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng thành công phong trào “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP” bắt nguồn từ Nhật Bản và mở rộng sang nhiều nước khác dưới những hình thái tương tự, để phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn. Từ hiệu quả của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” ở Việt nam, ngay từ năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án về “Chương trình phát triển mỗi làng một nghề giai đoạn 2006 - 2015”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại việc áp dụng phong trào này tại Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển. Từ việc nghiên cứu các lý thuyết về sự phát triển, khung các tiêu chí đánh giá năng lực thực hiện phong trào OVOP đã được đưa ra, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát để đánh giá tiềm năng thực hiện OVOP tại Bát Tràng. Bài báo tập trung vào việc mô tả quá trình sử dụng bộ tiêu chí trong việc xây dựng bảng hỏi, tiến hành điều tra và đánh giá kết quả khảo sát tại làng gốm Bát Tràng, Hà Nội.
SẢN XUẤT TÔM THEO ĐỊNH HƯỚNG THỊ TRƯỜNG THÁCH THỨC SINH THÁI VÀ XÃ HỘI
Chủ nhiệm đề tài: NGÔ THỊ PHƯƠNG LAN
Dựa trên kết quả nghiên cứu dân tộc học về nghề nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu cho thấy cùng với những thành quả to lớn có được khi mở rộng diện tích nuôi tôm, thì ngành công nghiệp nuôi tôm cũng mang đến nhiều thách thức về môi trường, kinh tế và xã hội. Do đó, nuôi tôm là một nghề đầy rủi ro và người dân địa phương đã phải dựa vào nhiều chiến lược khác nhau để đương đầu với những thách thức này. Hai chiến lược quan trọng để bảo đảm sinh kế của người dân địa phương là giảm nhẹ rủi ro trong nghề nuôi tôm và di cư lao động.
Từ khóa: nuôi tôm, đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, sản xuất theo định hướng thị trường, nghề rủi ro, những thách thức mang tính xã hội và sinh thái, di cư lao động, giảm nhẹ rủi ro.
BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH THỦY SẢN NƯỚC TA NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG
Chủ nhiệm đề tài: TRẦN KHẮC XIN
Tóm tắt: Mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nhưng ngành thủy sản nước ta nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng, trong những năm qua đã từng bước vượt qua những khó khăn và đạt được những kết quả đáng kể đóng góp cho nền kinh tế. Với những kết quả từ các nghiên cứu của mình, bài viết đã phân tích về những nguyên nhân thành công của xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những năm qua, trong đó cùng với việc khẳng định vai trò của chính sách đổi mới thì kết quả nghiên cứu cùng cho thấy những nỗ lực của ngành Thủy sản, của các doanh nghiệp thủy sản và của các tổ chức hiệp hội…để vươn lên trong thời kỳ khủng hoảng.
PHÂN TÍCH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU LAI CHÂU QUA CHẾ ĐỘ NHIỆT
Chủ nhiệm đề tài: NGUYỄN VĂN MINH
Tóm tắt: Biến đổi khí hậu không chỉ tác động đến toàn cầu, đến các quốc gia mà ảnh hưởng cả đến đơn vị lãnh thổ nhỏ cấp vùng, cấp tỉnh như Lai Châu. Sự biến đổi diễn ra trên nhiều khía cạnh và để lại nhiều hậu quả, bài báo phân tích sự thay đổi chế độ nhiệt độ của Lai Châu để chứng minh cho sự biến đổi khí hậu này, đây vừa là vấn đề khoa học, vừa mang tính chất nhân văn.
VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ MÔI TRƯỜNG Ở THỦ ĐÔ HÀ NỘI TRONG GIAI ĐOẠN HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
Chủ nhiệm đề tài: NGUYỄN TẤT THẮNG
Tóm tắt: Vấn đề môi trường và ô nhiễm môi trường chưa bao giờ được nhắc đến nhiều và nổi cộm như hiện nay. Với các chính sách đổi mới, nền kinh tế nước ta đã có sự chuyển biến rất quan trọng về mọi mặt, nhất là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc về môi trường sinh thái. Chính vì vậy, vấn đề là làm thế nào để có thể vừa giữ được tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, vừa đảm bảo được một môi trường trong lành sạch đẹp là một bài toán khó đối với các cấp chính quyền địa phương nhất là các thành phố lớn như Hà Nội. Thông qua việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về bảo vệ môi trường, về phát triển kinh tế và đánh giá thực trạng môi trường trong quá trình phát triển kinh tế ở Hà Nội trong thời gian qua, bài viết đưa ra các giải pháp để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong quá trình đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
QUẢN LÍ NHÀ NƯỚC VỀ MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Chủ nhiệm đề tài: PHẠM MẠNH HÒA & NGÔ MINH TRUNG
Tóm tắt: Tài nguyên là nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng và bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của đất nước.