THÚC ĐẨY XÃ HỘI HÓA BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Các tác giả: TRẦN NGỌC NGOẠN, NGUYỄN SONG TÙNG
Tóm tắt: Trên cơ sở nghiên cứu những bất cập trong quản lý môi trường của các làng nghề nước ta những năm vừa qua; bài báo gợi ý về một số giải pháp thúc đẩy Chương trình xã hội hóa (XHH) bảo vệ môi trường (BVMT) trong các làng nghề. Trong đó tập trung vào 5 giải pháp chính: (1) thiết lập cơ sở pháp lý cho vấn đề XHH; (2) xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về BVMT; (3) phát triển các phong trào quần chúng tham gia BVMT; (4) xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình XHH đối với từng loại làng nghề; (5) xây dựng và hoàn thiện cơ chế huy động cộng đồng đóng góp nguồn lực. Đồng thời, bài viết đưa ra một số gợi ý để triển khai mô hình XHH BVMT làng nghề ở nước ta hiện nay.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG ĐỐI VỚI ĐỒNG BÁO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÙNG MIỀN TÂY NGHỆ AN
Các tác giả: NGUYỄN ĐÌNH LONG, LÊ THỊ KIM LIÊN
Tóm tắt: Việt Nam thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo khá thành công và đã tạo được ấn tượng tốt trong cộng đồng quốc tế. Từ một nước gần như nghèo nhất thế giới với 58,1% dân số thuộc diện nghèo (1993), xuống còn 14,5% (2008). Song những năm gần đây do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế cùng với những bất lợi thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xẩy ra trên diện rộng cả về qui mô và cường độ…nên tỷ lệ giảm nghèo trong những năm gần đây chậm lại, thiếu bền vững và có sự phân hóa mạnh với sự chênh lệch về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo giữa các vùng (nông thôn, thành thị, miền núi, đồng bằng), và giữa các dân tộc ngày càng cao. Miền Tây Nghệ An tuy là vùng rộng lớn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, song đang là một vùng nghèo và có tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất tỉnh… Bài viết nhằm phân tích những khó khăn, thực trạng nêu trên và kiến nghị giải pháp xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn tới đối với đồng báo DTTS vùng miền Tây Nghệ An.
DI DỜI VÀ BỐ TRÍ DÂN CƯ: KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA CHÂU Á VÀ NHỮNG GỢI MỞ CHO VIỆT NAM
Tác giả: ĐẶNG NGUYÊN ANH
Tóm tắt: Bài viết là một số kết quả nghiên cứu của đề tài "Dân số và di dân trong phát triển bền vững Tây Nguyên" (mã số X14/TN3) trong khuôn khổ Chương trình "Khoa học và công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên 3). Bài viết nghiên cứu cơ sở khoa học phân tích kinh nghiệm của Hàn Quốc, Malaixia, Trung Quốc trong việc hoạch định và thực thi các chính sách di dời và bố trí dân cư trong mối liên hệ với phát triển bền vững. Từ kinh nghiệm quốc tế, một số gợi mở cho Việt Nam được đề xuất nhằm giải quyết tốt các vấn đề quan trọng liên quan đến môi trường, đất đai, dân tộc, tôn giáo, văn hóa,… dựa trên những nguyên tắc cơ bản về quyền con người và đồng thuận xã hội.
DU KHÁCH ĐÁNH GIÁ VỀ SỰ PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI RỪNG TRÀM TRÀ SƯ TẠI HUYỆN TỊNH BIÊN, TỈNH AN GIANG
Tác giả: PHAN THỊ DANG
Tóm tắt: Du lịch sinh thái đang trở thành loại hình du lịch thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Một trong những địa điểm phát triển du lịch sinh thái được du khách biết đến gần đây là khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang. Bài viết này, tác giả tập trung phân tích những đánh giá của du khách về sự phát triển du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư. Từ đó có những đề xuất phát triển du lịch sinh thái nơi đây đảm bảo hài hòa lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA HIỆN NAY TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CỦA NGƯỜI MẠ Ở LÂM ĐỒNG
(Trường hợp người Mạ xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh)
Tác giả: TRẦN MINH ĐỨC
Tóm tắt: Ở Lâm Đồng, tính đến 31/12/2012, dân tộc Mạ có khoảng 31.869 người, tập trung nhất tại huyện Bảo Lâm và một số khác phân bố rải rác ở các huyện, thành: Bảo Lộc, Lâm Hà, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Cũng như người Chăm, Cơ ho, Mnông, Rắg lây…, người Mạ là chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh, đều là các dân tộc bản địa lâu đời ở Nam Việt Nam. Tuy vậy, từ sau năm 1975 cùng với nhiều biến động của lịch sử, luồng dân di cư từ nhiều địa phương đến đã làm cho cơ tầng kinh tế - văn hóa dân tộc Mạ có nhiều thay đổi, chứa đựng nhiều vấn đề cần nghiên cứu, lý giải từ góc độ khoa học. Bài viết này phần nào đề cập đến những thách thức, bất cập cũng như lợi thế; đồng thời gợi mở về một số hướng phát triển nông nghiệp của người Mạ ở Lâm Đồng.
TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI ĐẾN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TRONG GẦN 30 NĂM ĐỔI MỚI VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
Tác giả: VŨ VĂN NÂM
Tóm tắt: Chính sách đất đai đối với phát triển nông nghiệp được coi là then chốt trong phát triển kinh tế của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam. Việc xem xét, đánh giá các tác động của chính sách đất đai có ý nghĩa quan trọng đến việc thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Vì vậy, bài viết này tập trung làm rõ: (i) Khái quát những chính sách đất nông nghiệp trong gần 30 năm qua; (ii) Phân tích những tác động tích cực và tiêu cực của chính sách đất đai đến phát triển nông nghiệp Việt Nam; (iii) Xây dựng các khuyến nghị chính sách đất đai góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ VẤN ĐỀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN Ở VIỆT NAM
Các tác giả: PHẠM QUANG TIẾN, NGUYỄN THỊ HỒI
Tóm tắt: Khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản là một nội dung cần được đặc biệt ưu tiên trong chương trình phát triển bền vững của quốc gia, bao gồm các hoạt động về khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, trong đó sử dụng tiết kiệm là chủ đạo. Việt Nam có hơn 1.000 mỏ lớn nhỏ đang được khai thác. Do quản lý chưa chặt chẽ nên tình trạng khai thác thiếu quy hoạch, khai thác bằng công nghệ lạc hậu rất bừa bãi đối với các mỏ nhỏ, đã gây ra tình trạng thất thoát tài nguyên khoáng sản, mất rừng, xói lở đất, bồi lắng và ô nhiễm môi trường sông suối, ven biển. Nhằm mục đích sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững, lâu dài nguồn lực khoáng sản phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta cần áp dụng tổng hợp các biện pháp về kinh tế, luật pháp, giáo dục…nhằm tạo ra những chuyển biến căn bản về nhận thức của toàn dân, chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.
SỬ DỤNG ArcGIS TÍNH TOÁN BIẾN ĐỘNG RỪNG LAI CHÂU VÀ ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
Tác giả: NGUYỄN VĂN MINH
Tóm tắt: Lai Châu là một tỉnh miền núi nằm ở vùng Tây Bắc nước ta, trước đây là vùng có lớp phủ rừng phong phú, nhưng hiện nay đã bị suy giảm hơn một nửa. Nghiên cứu để phục hồi và phát triển rừng của tỉnh không chỉ có tính chất bảo vệ tự nhiên mà còn bảo vệ sinh kế và môi trường. Bài báo trình bày cách sử sụng phần mềm ArcGIS để phân tích biến động hiện trạng rừng, từ đó có những biện pháp nâng cao chất lượng rừng cho tỉnh Lai Châu. Nội dung bài báo gồm 4 phần: khái quát đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội của Lai Châu; phân tích đặc điểm hiện trạng rừng Lai Châu; sử dụng Arcgis để tính toán biến động và kết luận, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng rừng của Lai Châu.