Tóm tắt các công trình trên Tạp chí Địa lý Nhân văn 4-2014

01/06/2015 03:50
PHÂN TÍCH MỐI LIÊN HỆ GIỮA SỬ DỤNG ĐẤT VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN THOẠI SƠN, TỈNH AN GIANG

Các tác giả: TRƯƠNG QUANG HẢI, GIANG VĂN TRỌNG

Tóm tắt: Thoại Sơn là huyện nổi tiếng không những về mặt lịch sử - văn hóa mà còn về thế mạnh kinh tế nông nghiệp. Huyện Thoại Sơn có các hợp phần tự nhiên tương đối đồng nhất gây khó khăn trong công tác phân vùng và phân kiểu lãnh thổ. Do vậy, các tác giả đã sử dụng cách tiếp cận liên ngành phân tích mối liên hệ giữa sử dụng đất với phát triển kinh tế - xã hội. Bằng kỹ thuật phân tích cụm bài báo đưa ra 3 nhóm loại hình sử dụng đất với những đặc trưng riêng, làm cơ sở cho phân tích đặc điểm phân hóa kinh tế - xã hội theo lãnh thổ.


CƠ SỞ KHOA HỌC CHO ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG HỢP LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG HỆ THỐNG SÔNG NGÒI VÀ HỒ NƯỚC THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Các tác giả: ĐẶNG VĂN BÀO, NGUYỄN HIỆU, ĐẶNG KINH BẮC, PHẠM THỊ PHƯƠNG NGA, GIANG TUẤN LINH

Công trình này được hoàn thành trong khuôn khổ đề tài trọng điểm cấp ĐHQGHN mã số QGTĐ 12.05

Tóm tắt: Hệ thống các hồ nước và sông ngòi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của thành phố Hà Nội. Kết quả thống kê cho thấy Hà Nội có khoảng 111 hồ, bao gồm cả các hồ ở nội và ngoại thành, với tổng diện tích mặt nước khoảng 2180 ha, được phân loại thành các nhóm hồ tự nhiên và hồ tự nhiên – nhân sinh. Dựa trên việc phân tích chức năng của các hồ nước và sông ngòi, đã xác lập được 12 không gian chứa hồ nước và sông ngòi của Hà Nội với các định hướng sử dụng bền vững khác nhau, trong đó có các không gian bảo tồn nghiêm ngặt các hệ sinh thái, các không gian quản lý tích cực môi trường, các không gian bảo vệ cảnh quan và các hệ sinh thái, các không gian phát triển hành lang xanh, và các không gian phát triển thân thiện với môi trường.


TÍNH BỀN VỮNG TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VÙNG TÂY NGUYÊN

Tác giả: LÊ CAO ĐOÀN

Tóm tắt: Bài báo là một trong những kết quả nghiên cứu của Đề tài “Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn” trong Chương trình Tây Nguyên 3, có mã sốTN3/X10 đã cảnh báo về một sự phát triển không bền vững ở Tây nguyên trong giai đoạn vừa qua. Từ việc phân tích quá trình khai thác tài nguyên ở Tây Nguyên một cách không bền vững, bài báo đã nhấn mạnh cần phải thay đổi quan điểm và nhìn nhận lại giá trị đích thực của Tây Nguyên: đó là tài nguyên sinh thái của Tây Nguyên. Do đó cần phải có các chính sách duy trì, phát triển và bảo vệ thì mới lấy lại được một sự phát triển bền vững cho Tây nguyên trong thời gian tới.


TÁI ĐỊNH CƯ VÀ VẤN ĐỀ THỰC HIỆN CHO CÁC DỰ ÁN PHÁT TRIỂN THỦY ĐIỆN

Các tác giả: VŨ QUẾ HƯƠNG

 Tóm tắt: Những năm gần đây tại Việt Nam, vấn đề tái định cư (TĐC) cho các dự án phát triển ngày càng được các tổ chức quốc tế và chính quyền các cấp quản lý quan tâm nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của quốc gia, chủ đầu tư với lợi ích của những người bị ảnh hưởng bởi dự án. Nhiều công trình nghiên cứu về TĐC được thực hiện đã và đang góp phần nâng cao chất lượng công tác TĐC và xây dựng các chính sách TĐC cho gần với thực tế hơn. Bài viết này được thực hiện nhằm góp phần xây dựng phương pháp luận trong nghiên cứu TĐC cho các dự án đầu tư, phát triển ở Việt Nam nói chung và các dự án phát triển thủy điện nói riêng.


VẤN ĐỀ TÁI ĐỊNH CƯ Ở CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN VỪA VÀ NHỎ MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN VIỆT NAM

Tác giả: NGUYỄN THỊ BÍCH NGUYỆT

Tóm tắt: Tái định cư ở các dự án thủy điện hiện đang là vấn đề quan tâm của những người dân trong vùng Dự án. Để giảm thiểu tác động bất lợi và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, chủ trương của Đảng và Nhà nước xác định công tác di dân tái định cư là hợp phần quan trọng trong các dự án xây dựng công trình thủy điện và nhấn mạnh rằng công tác tái định cư phải đảm bảo cuộc sống của vùng tái định cư tốt hơn hoặc ít nhất là bằng nơi ở cũ. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện di dân tái định cư các dự án thủy điện vẫn tồn tại những bất cập và để lại hậu quả nặng nề đối với đời sống kinh tế xã hội. Bài báo đưa ra những tác động tiêu cực của công tác tái định cư trong các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Miền Trung và Tây nguyên, đồng thời đưa ra một số giải pháp cho các vấn đề trên.

 
LIÊN KẾT VÙNG TRONG BẢO VỆ RỪNG VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC Ở VIỆT NAM: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Các tác giả: NGUYỄN THỊ KIM DUNG, PHẠM THỊ TRẦM, NGUYỄN THỊ THU HÀ

Tóm tắt: Liên kết vùng trong bảo vệ rừng và đa dạng sinh học có thể được hiểu là sự thiết lập các mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương trong vùng lãnh thổ với không gian, thời gian nhất định nhằm giảm các chi phí và sử dụng hợp lý các nguồn lực trong công tác bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý tài nguyên môi trường rừng và bảo vệ nguồn gen quý hiếm. Liên kết vùng có thể phân chia (1) Liên kết ở cấp độ vĩ mô: liên kết khu vực và quốc tế; liên kết giữa trung ương và vùng lãnh thổ; liên kết hệ thống chính quyền cấp tỉnh, huyện trong vùng; liên kết giữa các sở, ban ngành trong vùng; (2) Liên kết ở cấp độ vi mô: liên kết giữa các chủ thể kinh tế (doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh..); liên kết giữa các nhóm cộng đồng, dân cư.

 
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO PHÂN CẤP QUẢN LÍ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM

Các tác giả: Phạm Mạnh Hoà, Ngô Minh Đức

Tóm tắt: Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường đang đứng trước nhiều thách thức đáng quan tâm như: thách thức giữa yêu cầu bảo vệ môi trường với lợi ích kinh tế trước mắt trong đầu tư phát triển; thách thức giữa tổ chức và năng lực quản lý môi trường còn nhiều bất cập trước những đòi hỏi phải nhanh chóng đưa công tác quản lý môi trường vào nề nếp… Bài viết này tập trung trình bày một cách khái quát thực trạng trong phân cấp quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc phân cấp quản lí nhà nước nói chung và trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng.
Liên kết website khác