Phòng, chống ma tuý
là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.
Để đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn ma tuý, Luật Phòng, chống ma tuý nghiêm cấm các hành vi sau:
1. Trồng cây có chứa chất ma túy;
2. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;
3. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy;
4. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy;
5. Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội về ma túy mà có;
6. Chống lại hoặc cản trở việc cai nghiện ma túy;
7. Trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma túy;
8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy;
9. Các hành vi trái phép khác về ma túy.
Chính sách của Nhà nước đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia các hoạt động phòng, chống ma tuý:
Nhà nước có chính sách khuyến khích, bảo vệ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống tệ nạn ma tuý; tổ chức đấu tranh chống các tội phạm về ma tuý và sử dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, pháp luật, văn hoá, xã hội, nghiệp vụ để tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia phòng, chống tệ nạn ma tuý; kết hợp phòng, chống tệ nạn ma tuý với phòng, chống các loại tội phạm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.
Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia các hoạt động phòng, chống ma tuý được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật.
Trường hợp cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức do tham gia phòng, chống ma tuý mà bị thiệt hại về tài sản thì được Nhà nước đền bù; trường hợp cá nhân bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
Cá nhân và gia đình có trách nhiệm gì trong đấu tranh phòng, chống ma tuý:
Giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma tuý;
Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh;
Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma tuý của thân nhân và của người khác;
Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.
Trách nhiệm của nhà trường và cơ sở giáo dục khác trong hoạt động phòng, chống ma tuý:
Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma tuý;
Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma tuý;
Phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma tuý.
Bạn phải làm gì nếu bạn bị nghiện ma tuý:
Tự khai báo về tình trạng nghiện ma tuý của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú và tự đăng ký hình thức cai nghiện ma tuý;
Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cai nghiện ma túy.
*Trong thời gian cai nghiện bắt buộc, người nghiện ma tuý có trách nhiệm tuân thủ nội quy và chịu sự quản lý, giáo dục của cơ sở cai nghiện bắt buộc; lao động, học tập, chữa bệnh để cai nghiện và góp phần đảm bảo đời sống trong thời gian cai nghiện.
Khi gia đình bạn có người nghiện ma tuý thì trách nhiệm của gia đình bạn là gì:
Khai báo với UBND cấp xã về người nghiện ma tuý trong gia đình mình và đăng ký hình thức cai nghiện cho người đó;
Động viên, giúp đỡ và quản lý người nghiện ma tuý cai nghiện tại gia đình, cai nghiện ma tuý tại cộng đồng theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế và UBND cấp xã;
Theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội;
Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện và đóng góp kinh phí cai nghiện theo quy định của pháp luật.
Hiện nay có những hình thức cai nghiện ma tuý nào:
Có 3 hình thức cai nghiện ma tuý, đó là:
- Cai nghiện ma tuý tại gia đình;
- Cai nghiện ma tuý tại cộng đồng;
- Cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện.
Việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý được quy định như thế nào :
Mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật; việc xử lý phải kiên quyết, công khai và thông báo cho cơ quan, tổ chức, chính quyền cơ sở nơi người vi phạm làm việc hoặc cư trú.
Người nào sử dụng tài sản, phương tiện của mình để chứa chấp hoặc tạo điều kiện cho các hoạt động trái phép về ma tuý; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về phòng, chống ma tuý; cản trở, chống đối, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người tố giác, người làm chứng, người bị hại, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của Luật này trong khi thi hành nhiệm vụ về phòng, chống ma tuý thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Để tìm hiểu thêm về Ma túy, các chính sách về phòng chống ma túy và các biện pháp phòng tránh ma túy, hãy tham khảo: