Viện Địa lý tổ chức du xuân Mậu Thân 2016

09/03/2016 11:59

Ngày 5-3 vừa qua, Công đoàn Viện Địa lý đã tổ chức cho các cán bộ viên chức và người lao động của Viện tham gia du xuân Mậu Thân tại tỉnh Tuyên Quang.

Đoàn Viện Địa lý tham dự buổi du xuân có hơn 80 cán bộ viên chức và người lao động.  Đoàn đã đi thăm quan và thắp hương tại các đền chùa: Đền Trình Cô Đôi, chùa An Vinh, Đền Hạ, đềN Kiếp Bạc, đền Mẫu Thượng, đền Cảnh Sanh, đền Mẫu Ỷ La.

Giới thiệu về các đền chùa tại Tuyên Quang:

- Đền Trình Cô Đôi: thờ phụng và ngưỡng vọng cô đôi Thượng Ngàn và cô bơ Thoải Cung. Trong đền còn thờ đầy đủ Tam tòa thánh mẫu, đức Thánh Trần và am thờ Sơn Thần.
 
- Chùa An Vinh: có nhiều di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật có giá trị về lịch sử, mỹ thuật. Chùa đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, chùa có kiến trúc kiểu chữ "Đinh - J" (lối kiến trúc gọi theo tính tượng hình của tiếng Hán) gồm toà Thiêu hương và tòa Thượng điện. Tòa tiền đường nằm phía trước chùa.
 
- Đền Hạ: được xây dựng vào năm 1738, thờ Mẫu thần. Đền có mái đao cong duyên dáng với những biểu tượng rồng phượng đắp nổi trên lớp mái ngói vẩy. Các ngày lễ lớn được diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch. Khu đền nằm bên bờ sông Lô, nơi có khúc sông uốn lượn hình rồng. Di tích mang đậm nghệ thuật kiến trúc tôn giáo. Hiện nay, trong đền còn có nhiều pho tượng cổ có giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử cùng nhiều bức tranh chạm khắc có giá trị nghệ thuật cao. Đền Hạ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia năm 1992.
 
Đền Kiếp Bạc: nằm bên bờ sông Lô ở thế địa linh, đầu tựa sơn, chân đạp thủy, phong cảnh hữu tình, tạo cho đền vẻ thanh tao. Đền được xây dựng cuối thế kỷ 19, thờ phụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm Nguyên Mông. Đền được xây dựng theo thuyết phong thủy “Tiền minh đường, hữu hậu chẩm”, lấy dòng Lô uốn khúc làm tiền minh đường là nơi tụ thủy, tụ phúc, những mong làm ăn phát đạt, dân khang, vật thịnh; lại lấy ngọn La Sơn làm hậu chẩm tạo thế vững chắc. Hiện đền còn lưu giữ được một số di vật có giá trị như 2 quả chuông đồng, 13 pho tượng thờ, 4 đạo sắc phong của các triều vua, 2 bức hoành phi, 2 đôi chân đèn, đôi câu đối và bộ bát bửu. Năm 2007, đền Kiếp Bạc được tiến hành trùng tu, tôn tạo, trở thành công trình văn hóa tiêu biểu, là nơi thu hút khách thập phương đến tham quan.
 
- Đền Mẫu Thượng: thờ Mẫu thần, được xây dựng năm 1801. Tương truyền đời trước có hai công chúa là Ngọc Lân (tức Mai Hoa công chúa) và Phương Dung công chúa (tức Quỳnh Hoa công chúa) theo xa giá đi xem xét địa phương đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Ngày lễ lớn của đền là ngày 12-2 âm lịch hàng năm, rước mẫu từ đền Thượng về đền Hạ, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Cảnh quan của đền thật là huyền ảo, hữu tình. Trước mặt đền là dòng sông Lô chảy hiền hòa, phía sau là những dãy núi trùng điệp. Đến đền Thượng, du khách vừa đi lễ, vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của phong cảnh nơi đây.
 
- Đền Cảnh Xanh: được xây dựng năm 1935-1936. Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Ngoài ra, đền còn thờ Đức Thánh Mẫu Thượng ngàn. Bà là vị chúa cai quản vùng núi. Ngày lễ lớn của đền là ngày lễ Thượng nguyên 11-12 tháng Giêng âm lịch, thu hút rất đông khách thập phương. Phong cảnh của đền kỳ thú và trang nghiêm, có cây cổ thụ hàng nghìn năm uy nghi, tuyệt mỹ.
 
- Đền Mẫu Ỷ La: được xây dựng năm 1747, theo kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thờ Mẫu. Sau nhiều lần trùng tu, đền hiện còn lưu giữ khá nhiều di vật, cổ vật quý hiếm có niên đại từ giữa thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trong hậu cung có bộ tượng Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải Phủ, Mẫu Sơn Trang); trung cung có bộ Ngọc Hoàng (tượng Ngọc Hoàng, tượng Nam Tào, tượng Bắc Đẩu, Long Vương); bộ Quan Hoàng (quan Hoàng Ba, quan Hoàng Bảy, quan Hoàng Mười; hệ thống khán thờ, câu đối, sắc phong, chuông đồng… Đền Ỷ La là một di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật có giá trị và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Hiện nay, đền Ỷ La đã trở thành một trong những điểm du lịch của thị xã để du khách thập phương đến thăm viếng, lễ đền tỏ lòng thành kính.

Một số hình ảnh về chuyến du xuân của đoàn Viện Địa lý:











Liên kết website khác