Xây dựng thành công mô hình giám sát rác thải bãi biển

01/07/2024 11:59
Trong quá trình nghiên cứu, đánh giá hiện trạng rác thải biển tại khu vực Nam Trung Bộ, các nhà khoa học Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã kết hợp điều tra, khảo sát hiện trạng với mô hình tính toán sự lan truyền rác thải biển để xây dựng thành công mô hình giám sát rác thải bãi biển đầu tiên tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu hỗ trợ hiệu quả cho các đơn vị có liên quan nhằm xây dựng chính sách, kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, đánh giá các chính sách phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, ảnh hưởng của các hiện tượng biển đổi khí hậu, hoạt động ứng phó của con người đối với ô nhiễm môi trường biển.
 

Chủ nhiệm TS. Dương Thị Lịm và nhóm nghiên cứu đi thực địa về rác thải biển tại Đà Nẵng

Giám sát rác thải biển - vấn đề cấp bách hiện nay

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có địa hình đan xen giữa rừng, núi và biển. Các thành  phố ven biển có nhiều bãi biển đẹp, khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình nóng quanh năm thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là ngành du lịch - dịch vụ. Tuy nhiên, sự đô thị hóa, các thành phố ven biển phát triển nhanh, gây ra ô nhiêm rác thải, chất thải từ hoạt động sinh hoạt, kinh tế như hàng hải, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, kinh doanh du lịch - dịch vụ, là vấn đề cấp bách cần được sự quan tâm hiện nay.

Việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường của toàn vùng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do ô nhiễm môi trường biển đang diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó, ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những thách thức lớn nhất. Rác thải biển tiềm ẩn nhiều rủi ro đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc giám sát rác thải biển vẫn đang là thách thức với hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, chưa có mô hình tiêu chuẩn về việc giám sát rác thải biển chung cho tất cả các quốc gia, hoặc riêng cho từng quốc gia do việc giám sát phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, địa hình, chế độ hải văn của từng khu vực.

Với mục tiêu gắn phát triển kinh tế biển với các ngành trọng tâm như nuôi trồng thủy sản, du lịch dịch vụ, vận tải biển xanh, bền vững, các địa phương trong vùng cần có các chương trình, kế hoạch giám sát thường xuyên, định  kỳ ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm rác thải biển.

Nghiên cứu xây dựng mô hình

Các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trên thế giới khuyến khích các nước có biển thực hiện việc giám sát rác thải biển phù hợp điều kiện thực tế trong khu vực, dựa trên các khung tiêu chuẩn quốc tế, nhằm cung cấp dữ liệu về rác thải biển, đánh giá hiệu quả các chiến lược, kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải đại dương trên toàn cầu, ở cấp độ quốc gia, cấp khu vực, cấp địa phương. Từ thực tiễn trên, TS. Dương Thị Lịm và cộng sự đã đề xuất và được Viện Hàn lâm phê duyệt thực hiện nhiệm vụ: “Điều tra, xây dựng mô hình giám sát rác thải biển và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng ven biển Nam Trung Bộ” (mã số: UQSNMT.02/21-22).

Trong khuôn khổ nghiên cứu, các nhà khoa học đã điều tra và xác định nguồn gốc của rác thải biển tại khu vực ven biển vùng Nam Trung Bộ (Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn). Qua xác định nguồn gốc địa lý của rác thải biển cho thấy: Khoảng 80% số lượng rác thải biển trong khu vực có nguồn gốc lục địa, khoảng 20% có nguồn gốc trên biển. Việc xác định nguồn gốc rác thải biển theo lĩnh vực ngành nghề cho kết quả theo thứ tự: Thủy sản>công cộng>không rõ nguồn gốc>vận chuyển>y tế>trái phép. Trong đó, rác thải có nguồn gốc từ thủy sản (43%), công cộng (34%) so với tổng số lượng rác thải biển, chiếm số lượng lớn rác thải biển trong khu vực. Mật độ rác thải trên các bãi biển trong khu vực nghiên cứu nằm trong khoảng từ 0,005 -1,054n/m2 và các bãi biển được đánh giá là sạch so với các khu vực khác trong cả nước và trên thế giới. Rác thải nhựa chiếm thành phần chính (97%) so với tổng rác thải biển. Rác có kích thước macro và meso chiếm thành phần chủ yếu (khoảng hơn 99%). Tổng số lượng rác thải quan sát tại khu vực cửa sông Hàn là 446 đơn vị rác, với mật độ từ 500 - 1875n/km2, mật độ rác thải nổi ở khu vực cửa sông có xu hướng tăng cao vào mùa khô, giảm vào mùa mưa.

a) Bãi biển khu vực Đà Nẵng b) Bãi biển khu vực Nha Trang  c) Bãi biển khu vực Quy Nhơn

Sơ đồ vị trí thu mẫu rác thải bãi biển khu vực ven biển Nam Trung Bộ

   
Sơ đồ thu mẫu rác thải bãi biển

Từ số liệu điều tra, các nhà nghiên cứu đã xây dựng thành công mô hình giám sát rác thải biển và thực hiện thí điểm tại khu vực Đà Nẵng với các thông tin cụ thể sau: Tính toán sự lan truyền của rác thải bằng phao đo quỹ đạo trôi của khối nước chứa rác kết hợp với phần mềm tính toán DELFT3D xác định vị trí xây dựng mô hình giám sát (vị trí tập trung của rác thải biển). Vị trí đơn vị thu mẫu giám sát rác thải biển KV1 có tọa độ 4 điểm (16.0738, 108.18677; 16.07362, 108.18771; 16.07384, 108.18774; 16.07402, 108.18684) thuộc bãi vịnh Đà Nẵng có chiều dài dọc theo bãi biển 100 m, chiều rộng bãi 25 m. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công danh mục rác thải biển cho khu vực Đà Nẵng (sử dụng cho các kỳ giám sát tiếp theo) và xây dựng hướng dẫn đánh giá/kiểm soát chất lượng cho việc giám sát rác thải biển tại khu vực nghiên cứu.

a. Sơ đồ hệ thống đo đạc qũy đạo của rác thải biển tầng mặt và tầng sâu b.Phao nổi xác định quỹ đạo di chuyển của rác thải biển

Phao đo quỹ đạo trôi của khối nước chứa rác

TS. Dương Thị Lịm chia sẻ: Mô hình giám sát rác thải biển của nhóm nghiên cứu có thể ứng dụng để giám sát hiện trạng rác thải biển tại khu vực Đà Nẵng và đánh giá xu hướng của rác thải trong môi trường biển. Kết quả nhiệm vụ đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nghiên cứu hiện trang ô nhiễm rác thải biển đang gây nhiều  vấn nạn tại khu vực Nam Trung Bộ, góp phần thúc đẩy việc làm sạch môi trường biển, phát triển kinh tế vùng xanh, bền vững. Để giảm thiểu ô nhiễm rác thải biển, các địa phương vùng ven biển Nam Trung Bộ cần xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu ô nhiễm rác thải tại địa phương, đặc biệt quan tâm đến giải pháp quản lý rác thải rắn trong lĩnh vực thủy sản, đô thị, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại rác thải biển với hệ sinh thái, kinh tế - xã hội.

Nguồn: vast.gov.vn

Liên kết website khác