Ngày xuất bản: 26/04/2015
Tác giả:
Tóm tắt:
Sách do GS.TSKH Lê Đức An biên soạn. Đây là cuốn sách viết về một miền đất-nước không rộng lắm của Việt Nam, nằm tiếp giáp giữa đất liền và biển thường được gọi là Đới bờ biển; nơi có phần đất chỉ bằng 1/7 diện tích đất liền và phần biển nông bằng khoảng 1/3 diện tích biển của cả nước.
Nội dung chi tiết:
Nội dung của cuốn sách trình bày những vấn đề về cấu trúc tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Đới bờ, đồng thời cũng nói đến những dạng thiên tai mà Đới bờ biển thường phải gánh chịu. Sách gồm 2 phần 9 chương, 2 phụ lục, cùng nhiều hình vẽ, biểu bảng, ảnh minh họa, sử dụng 82 tài liệu tham khảo.
Phần I: Đề cập đến không gian và các hệ thống tự nhiên của Đới bờ biển, được trình bày trong 4 chương (chương 1 đến chương 4). Các hệ thống tự nhiên của Đới bờ biển bao gồm các hệ thống đồng bằng, hệ thống cồn đụn cát và hệ thống đồi núi ven biển; các hệ thống thủy vực Đới bờ gồm đầm phá, cửa sông và vũng vịnh; cùng với hệ thống đảo ven bờ tạo nên bộ khung tự nhiên của lãnh thổ. Chương 1: Trình bày về điều kiện tự nhiên của Đới bờ. Trước hết nêu về quan niệm và nhận thức về Đới bờ biển, kế đó trình bày về Đới bờ biển Việt Nam ( diện tích, dân số, các đơn vị hành chính trên Đới bờ, những đặc điểm cơ bản của Đới bờ về mặt tự nhiên, kinh tế-xã hội và môi trường. Cũng ở chương này, sách trình bày khái quát về đặc điểm địa chất, địa hình, khí hậu, thủy hải văn Đới bờ cũng như sự phân hóa đa dạng về mặt tự nhiên của Đới bờ, cuối cùng là sơ đồ phân vùng địa lý tự nhiên Đới bờ biển Việt Nam. Chương 2: Trình bày các hệ thống tự nhiên trên dải ven biển Việt Nam, bao gồm hệ thống đồng bằng ven biển, hệ thống cồn, đụn cát ven biển và hệ thống đồi núi ven biển. Các hệ thống này được trình bày về phạm vi phân bố, đặc điểm, nguồn gốc thành tạo và vai trò của chúng đối với phát triển kinh tế của Đới bờ. Chương 3: Trình bày về hệ thống thủy vực Đới bờ; đó là các hệ thống đầm phá ven biển, hệ thống cửa sông ven biển và hệ thống vũng vịnh ven bờ biển. Trong phần này đã tổng kết và bổ sung thêm nhiều đầm phá và vũng vịnh mới, đặc biệt là các vũng vịnh ở các đảo ven bờ lần đầu tiên được thống kê đưa vào sách. Chương 4: Trình bày khái quát về hệ thống đảo ven bờ Việt Nam, về số lượng, diện tích, phân bố, nguồn gốc, và về vai trò của hệ thống đảo ven bờ trong phát triển kinh tế-xã hội biển.
Phần II: Trình bày về tài nguyên và tai biến Đới bờ biển Việt Nam trong 5 chương (từ chương 5 đến chương 9). Chương 5 trình bày về tài nguyên địa chất và địa mạo, bao gồm các tài nguyên khoáng sản và các di sản, kỳ quan địa chất- địa mạo. Chương 6 nêu về tài nguyên đất và nước (nước mặt, nước ngầm, nước khoáng- nước nóng) trên dải ven biển và trên hệ thống đảo ven bờ; những thuận lợi, khó khăn, hạn chế và kể cả những thách thức đối với việc khai thác và sử dụng bền vững các dạng tài nguyên này. Ở chương 7 bàn về tài nguyên sinh vật, bao gồm tài nguyên sinh vật trên dải ven biển và trên hệ thống đảo ven bờ; tài nguyên sinh vật thủy vực Đới bờ biển (tài nguyên sinh vật đầm phá, cửa sông và tài nguyên sinh vật vũng vịnh ven bờ); tài nguyên sinh vật vùng biển Việt Nam ( đó là các hệ sinh thái san hô, rong, cỏ biển và nguồn lợi cá, tôm, động vật thân mềm) và tiềm năng nuôi trồng hải sản ở Đới bờ biển. Tài nguyên vị thế, một dạng tài nguyên mới được nghiên cứu gần đây nhưng có ý nghĩa quan trọng với nhiều ưu thế về địa-kinh tế và địa-chính trị, quân sự của Đới bờ cũng được đề cập ở chương 8. Cuối cùng là chương 9 nêu về tai biến thiên nhiên mà Đới bờ biển phải thường xuyên gánh chịu, đó là các dạng tai biến: bão và nước dâng do bão, lũ và ngập lụt dải ven biển, xói lở bờ biển, biến đổi khí hậu và nguy cơ nước biển dâng. Có thể nói nội dung phần II trình bày những vấn đề mang tính ứng dụng và là những tài liệu quí giúp cho các nhà khoa học, quản lý tham khảo trong quá trình nghiên cứu, chỉ đạo qui hoạch, tổ chức lãnh thổ Đới bờ biển Việt Nam.
Đóng góp mới của sách: Cuốn sách lần đầu tiên tổng kết tương đối đầy đủ những vấn đề về địa lý cho toàn Đới bờ Việt Nam. Đánh giá khá toàn diện về các hệ thống tự nhiên của Đới bờ cũng như các dạng tài nguyên thiên nhiên Đới bờ sở hữu và cả các dạng tai biến tự nhiên, thiên tai Đới bờ thường xuyên phải đối mặt.
Ý nghĩa về mặt thực tiễn: Định hướng cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên Đới bờ Việt Nam; phục vụ công tác qui hoạch lãnh thổ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên và môi trường Đới bờ.
Ý nghĩa về mặt khoa học: Làm sáng tỏ những đặc điểm chung của Đới bờ Việt Nam, về các quá trình và động lực thành tạo Đới bờ. Phân tích và đánh giá đầy đủ về cấu trúc của Đới bờ biển Việt Nam và vai trò chiến lược của Đới bờ trong phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Ý nghĩa đối với kinh tế - xã hội: Là tài liệu tham khảo cho các nhà khoa học, các nhà chuyên môn và các nhà quản lý. Đây còn là giáo trình phục vụ tốt cho việc giảng dạy đại học và sau đại học có liên quan đến nội dung sách đề cập cho các Trường đại học, các Viện nghiên cứu.
Cuốn sách được trình bày trong khổ 16 x 24cm dày 546 trang do NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ phát hành. Số xác nhận đăng ký xuất bản: 1291-2015/CXBIPH/01-12/KHTNVCN, số quyết định xuất bản:11/QĐ-KHTNCN cấp ngày 26 tháng 5 năm 2015. In 300 cuốn và nộp lưu chiểu quý III/2015.
Tác giả bài viết: Uông Đình Khanh