Kỹ sư Nguyễn Văn Mạnh tiếp tục được nhận học bổng từ Liên hiệp quốc sau Khóa học thứ 20 về Viễn thám và GIS của CSSTE-AP

20/04/2016 04:56

Trung tâm Đào tạo Khoa học Không gian và Công nghệ Châu Á – Thái Bình Dương (CENTRE FOR SPACE SCIENCE AND TECHNOLOGY EDUCATION  IN ASIA AND THE PACIFIC, CSSTE-AP)  được thành lập vào ngày 1 tháng 11 năm 1995 tại Ấn Độ với sự thỏa thuận hợp tác ban đầu bởi 10 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hoạt động dưới sự điều hành và quản lý trực tiếp bởi Bộ Khoa học Không gian trực thuộc Chính phủ Ấn Độ. Hàng năm, với nguồn kinh phí được hỗ trợ từ Liên Hợp Quốc, các học bổng thường niên đã được cấp cho các nhà khoa học đến từ các quốc gia trong khu vực tham gia học tập và nghiên cứu tại các Viện đầu ngành của Ấn Độ dưới dạng các khóa học ngắn hạn như Viễn thám và Hệ thống thông tin địa lý (GIS) tại Viện Viễn thám Ấn Độ (IIRS) – Dehradun, Trung tâm Ứng dụng Không gian (SAC) và Phòng Thí nghiệm nghiên cứu Vật lý (PRL) tại Ahmedabad.
 

Chứng chỉ tốt nghiệp khoa học và Chứng nhận đạt Hạng Ba của KS. Nguyễn Văn Mạnh
sau Khóa học thứ 20 về Viễn thám và GIS của CSSTE-AP

 

Khóa học thứ 20 về Viễn thám và GIS của CSSTE-AP được tổ chức từ ngày 01/07/2015 đến 31/03/2016 tại Viện Viễn thám Ấn Độ với 24 học viên đến từ 15 quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Khóa học được thiết kế với mục tiêu nâng cao kiến thức nghiên cứu và khai thác triệt để công nghệ Địa tin học trong quan trắc, duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết những thách thức như biến đối khí hậu, sử dụng đất bền vững và giảm nhẹ thiên tai. Các học viên được lựa chọn tham gia khóa học đều đã có sẵn một trong những kiến thức cơ bản về Môi trường, Khí tượng, Thủy văn, Quản lý đô thị, Trắc địa Bản đồ, Nông nghiệp, Rừng, Địa chất và Biển.
 

Học viên từ 15 quốc gia nhận chứng chỉ tốt nghiệp sau khi kết thúc khóa học

Kỹ sư Nguyễn Văn Mạnh - Cán bộ phòng Viễn thám, Bản đồ và GIS là học viên Việt Nam duy nhất tham gia khóa học về Viễn thám và GIS lần thứ 20 tại Viện Viễn thám Ấn Độ. Trong suốt thời gian tham gia khóa học, với sự cố gắng của bản thân, Mạnh còn nhận được nhiều sự giúp đỡ về mặt chuyên môn đến từ các giảng viên trong trường cũng như hỗ trợ tích cực từ phía các đồng nghiệp tại phòng Viễn thám, Bản đồ và GIS của Viện Địa lý, đặc biệt là từ Trưởng phòng PGS.TS. Phạm Quang Vinh, Mạnh đã hoàn thành chương trình học với điểm tổng kết của toàn khóa là 8,68/10, nằm trong danh sách 3 sinh viên xuất sắc nhất của khóa học, qua đó tiếp tục giành được nguồn kinh phí hỗ trợ từ Liên Hợp Quốc trong vòng 6 tháng để hoàn thành và bảo vệ luận văn Thạc sĩ tại Viện Viễn thám Ấn Độ trong thời gian tới.
             


KS. Nguyễn Văn Mạnh nhận huy chương, giấy khen và chụp ảnh lưu niệm cùng top 3 học viên

Ngoài ra, trong suốt quá trình học tập tại Ấn Độ, từ phía nhà trường, CSSTE-AP, đã tạo nhiều cơ hội để các học viên được tham dự các Hội thảo trong nước cũng như quốc tế, nổi bật là Hội thảo quốc tế châu Á- Thái Bình Dương về Viễn thám (SPIE) được tổ chức tại New Delhi từ ngày 4-7/4/2016 với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học đến từ Cơ quan Hàng Không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO),…nhằm mục đích cho các học viên đồng thời là các nhà khoa học trẻ tham gia tích lũy, nghiên cứu, học hỏi các kinh nghiệm từ các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.
                 

KS. Nguyễn Văn Mạnh chụp ảnh cùng Phó Chủ tịch của JAXA – GS. Shizuo Yamamoto tại Hội thảo (trái)
và GS. Xiaoxiong Xiong (Jack) của NASA (phải)
Liên kết website khác