Chủ nhiệm đề tài: Ths. Nguyễn Xuân Hòa
Đây là một điểm nóng trong việc các hộ dân khai khác các nguồn lợi thuỷ sản sẵn có dẫn đến huỷ hoại sự đa dạng của các hệ sinh thái ven biển, đặc biệt là hệ thống rừng ngập mặn.
Việc áp dụng một mô hình sinh kế bền vững, thích hợp với điều kiện và hoàn cảnh của 3 xã vùng đệm đó là du lịch sinh thái.
Năm 2008, dân số trung bình của 3 xã vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải là 16.014 người trong đó dân số của xã Nam Thịnh là 6.620 người (1.588 hộ), xã Nam Hưng là 5.372 người (1.420 hộ) và xã Nam Phú là 4635 nhân khẩu (1.246 hộ).
Mật độ dân số trung bình ở đây là 364 người/km2, trong đó mật độ dân số của xã Nam Thịnh là 792 người/km2, xã Nam Hưng là 423 người/km2 và xã Nam Phú là 188 người/km2.
1. Đặc điểm tài nguyên du lịch
3 xã vùng đệm có các loại tài nguyên du lịch như: hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng phi lao chắn cát trên cồn Vành, hệ sinh thái thuỷ sinh, hệ sinh thái vùng cửa sông-ven biển, hệ sinh thái vùng ven biển. Khu BTTN Tiền Hải còn là nơi trú ngụ của các loài chim. Ở đây còn có hai cồn cát lớn là cồn Thủ thuộc xã Nam Thịnh với diện tích 150 ha và nằm cách đất liền 4km có thể khai thác làm bãi tắm biển. Thứ hai là Cồn Vành với diện tích 2.000 ha. Trên cồn Vành có nhiều dạng cảnh quan đẹp, hệ thống đường giao thông thuận tiện, có trạm hải đăng cồn Vành, rừng phi lao chắn cát, và bãi tắm biển sạch, đẹp, nước biển trong, xanh. Hiện tại, đã có nhiều khách du lịch tới đây để tắm biển, nghỉ ngơi và thư giãn. Ngoài ra nơi đây còn có hàng loạt di tích lịch sử văn hóa như hệ thống đình, chùa nhà thờ... cùng các lễ hội diễn ra quanh năm, có hệ thống các nhà có kiến trúc cổ và các trò chơi dân gian.
2. Hiện trạng môi trường vùng đệm khu BTTN Tiền Hải
Trên thực tế, chất lượng môi trường tự nhiên địa bàn các xã ven biển chưa bị ô nhiễm, đặc biệt tại các khu vực làng nghề thì đã xuất hiện các dấu hiệu ô nhiễm. Tuy vậy, chất lượng môi trường ở đây nhìn chung đều phù hợp với quyết định 02/2003/QĐ-BTNMT về qui chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch.
3. Định hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng
- Mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
a. Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải.
Giới thiệu về khu BTTN Tiền Hải, rừng ngập mặn, các loài chim. Tham quan rừng ngập mặn, quan sát đời sống sinh hoạt của các loài chim, chèo thuyền bằng tay trên các kênh rạch trong rừng ngập mặn.
b. Khu du lịch phố biển Đồng Châu
Có các khu nghỉ dưỡng thưởng ngoạn khí hậu biển, tắm biển, tắm nước khoáng; Trung tâm hội nghị, hội thảo, các dịch vụ thương mại đặc trưng khác của phố biển.
c. Khu du lịch sinh thái cộng đồng
Tham quan thưởng ngoạn phong cảnh yên bình của làng quê, du lịch homestay, thưởng thức văn hoá nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật ẩm thực, tham gia trò chơi dân gian, đạp xe vãn cảnh, thăm đồng ruộng, chợ quê...
d. Khu du lịch sinh thái Cồn Vành
Lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, ăn uống ẩm thực, văn hóa nghệ thuật, thể thao, hội nghị, hội thảo, tắm biển, tham quan nghiên cứu hệ sinh thái biển…; đồng thời kết hợp các tuyến du lịch từ Cồn Vành đi các điểm du lịch làng nghề, di tích lịch sử khác trong toàn tỉnh bằng cả đường bộ và đường thủy.
Các điểm du lịch bổ trợ bao gồm: Điểm du lịch nước khoáng thiên nhiên Tiền Hải, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, làng nghề dệt đũi Nam Cao
- Mô hình quản lý du lịch sinh thái cộng đồng
3 BQL du lịch ở 3 khu du lịch Đồng Châu, Cồn Vành và Cụm du lịch sinh thái cộng đồng đều tương đồng với nhau, dưới sự lãnh đạo của Phòng Văn hoá, thể thao và Du lịch huyện Tiền Hải. BQL du lịch sinh thái tại cộng đồng 3 xã vùng đệm do người dân bầu lên gồm có 7 người: 6 người chia đều cho 3 xã, 01 người còn lại là đại diện của BQL khu BTTN Tiền Hải. BQL này cũng được sự tư vấn giúp đỡ của BQL khu DTSQ ĐBSH, tổ chức MCD và các tổ chức, doanh nghiệp phát triển du lịch.
KẾT LUẬN
Du lịch sinh thái cộng đồng tại đây được xác định là nơi nghỉ ngơi thư giãn cuối tuần của thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Định hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở đây là nền tảng vững chắc trong việc bảo tồn các loại tài nguyên du lịch và đặc biệt là bảo tồn và giảm sức ép lên khu BTTN Tiền Hải và tạo ra cho khu vực một lĩnh vực sinh kế mới tạo thêm thu nhập và việc làm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Thái Bình năm 2003.
2. Sở kế hoạch và đầu tư Thái Bình:Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế –xã hội vùng ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn đến 2020.
3. Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD):Định hướng kế hoạch kinh doanh du lịch sinh thái
4. Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD): Nam Phú PRA – Technical report VN.