Giáo trình: Cơ sở Sinh Khí hậu

04/11/2013 11:05

Tên sách: Cơ sở khoa học của Sinh Khí hậu và thực tiễn nghiên cứu

Tác giả: Nguyễn Khanh Vân

Nhà xuất bản: Đại học Sư phạm Hà Nội

Tóm tắt giáo trình “ Cơ sở sinh khí hậu”
 

“Cơ sở Sinh khí hậu” là một giáo trình chuyên đề khoa học, đề cập đến một hướng nghiên cứu vẫn còn đang mới ở Việt Nam - hướng nghiên cứu Sinh khí hậu (SKH).

Nhiều nội dung của Giáo trình là các kiến thức cơ bản, các quy luật…, là kết quả nghiên cứu, thực nghiệm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Phần còn lại - trong đó có những đóng góp đáng kể là sự phát triển cơ sở lý luận Sinh khí hậu học, là các kết quả nghiên cứu, thực tiễn được tổng kết trong trên 20 năm gần đây của chính tác giả, thực hiện trên lãnh thổ các vùng, miền khác nhau ở Việt Nam. Trong xu thế “sinh thái hoá” các nghiên cứu địa lý, có thể thấy việc ứng dụng và phát triển các cơ sở khoa học của nghiên cứu SKH, bổ sung, hoàn thiện về lý luận, phương pháp luận nghiên cứu cũng như sử dụng các kết quả nghiên cứu trong từng hoàn cảnh cụ thể, với những mục đích riêng luôn mang tính thời sự quan trọng.

Giáo trình này được biên soạn trên cơ sở các chuyên đề cùng tên đã được dùng làm tài liệu giảng dạy cho học viên các lớp Cao học chuyên ngành Địa lý tự nhiên của khoa Địa lý ĐHSP Hà Nội, cho các cán bộ giảng dạy của khoa Địa lý, ĐHSP Thái Nguyên, khoa Sử - Địa, Trường Đại học Tây Bắc trong chương trình chuyên đề nâng cao trình độ hàng năm của các đơn vị trên.

Giáo trình còn có thể sử dụng làm tài liệu nghiên cứu tham khảo cho các đối tượng khác như: các cán bộ nghiên cứu các chuyên ngành khí hậu học, sinh thái học, y học (sức khoẻ cộng đồng), du lịch, nghỉ dưỡng và kiến trúc, xây dựng.

Ngoài ra, nội dung giáo trình còn phù hợp trong đào tạo của một số các khoa, các trường: khoa Địa lý của ĐH KHTN, khoa Du lịch của ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, khoa Quản lý ruộng đất (Bộ môn Khí hậu nông nghiệp), Đại học Nông nghiệp, Đại học Y, Đại học Kiến trúc, Đại học Tây Bắc...

Với kinh nghiệm nghiên cứu của bản thân và rất nhiều nguồn tài liệu khác, biên soạn giáo trình này tác giả mong muốn cung cấp cho người đọc, các đối tượng sử dụng là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh hay những người làm công tác nghiên cứu... một cái nhìn tổng thể, toàn diện về Sinh khí hậu học cả về cơ sở lý luận và thực tiễn nghiên cứu. Với định nghĩa tổng quát theo quan điểm sinh thái học “SKH nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện khí hậu, thời tiết (yếu tố sinh thái cảnh) tác động lên giới sinh vật của hệ sinh thái (sinh vật cảnh: bao gồm từ các quần xã thực vật, động vật tới các quần xã vi sinh vật và cả con người)”, là một khoa học liên ngành, nghiên cứu SKH là “chiếc cầu nối” giữa một số ngành khoa học gần gũi lại với nhau, đưa một số kết quả nghiên cứu đã đạt được áp dụng vào trong thực tiễn (làm cơ sở cho quy hoạch bố trí sản xuất, phát triển một số ngành kinh tế...) để rồi sau đó chính những thực tiễn này lại góp phần khẳng định, làm giàu hơn nữa cơ sở lý luận của SKH.

Giáo trình “Cơ sở Sinh khí hậu” được biên soạn thành 5 chương:

Chương 1: “Sinh khí hậu và mối liên hệ với các khoa học khác”. Nội dung của chương này trình bầy các khái niệm và các định nghĩa về SKH và khí hậu ứng dụng (KHƯD), giới thiệu vị trí của nghiên cứu SKH trong tổng thể khoa học KHƯD, phân tích làm rõ vai trò, mối quan hệ của SKH với một số ngành khoa học có liên quan cũng như xác định một số hướng nghiên cứu chủ chốt của SKH.

Chương 2: “Sinh khí hậu thảm thực vật tự nhiên” được dành để giới thiệu một trong những hướng nghiên cứu chủ đạo của SKH - SKH thảm thực vật tự nhiên. Đây là một hướng nghiên cứu có bề dầy lịch sử đã có được những thành công nhất định về mặt cơ sở lý luận cũng như những hoạt động thực tiễn. Hướng nghiên cứu này đã đóng vai trò khởi đầu, góp phần hình thành hướng nghiên cứu độc lập là SKH nói chung. SKH thảm thực vật tự nhiên đã liên kết một số ngành khoa học có liên quan như khí hậu học, sinh thái học, địa lý học thực vật..., bổ sung lẫn nhau cho sự phát triển chung của Khoa học Địa lý cũng như các ngành khoa học khác có liên quan trong nhóm Các khoa học về Trái Đất.

Chương 3: “Sinh khí hậu sức khỏe con người” là chương có nội dung được biên soạn, trình bầy về một hướng nghiên cứu tuy ra đời muộn hơn SKH thảm thực vật tự nhiên nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống con người, đặc biệt trong xu thế phát triển đi lên của xã hội hiện nay. Hướng nghiên cứu này đã gắn kết rất chặt chẽ các khoa học nghiên cứu khí hậu, thời tiết với sức khoẻ con người trong cuộc sống; dùng khí hậu để chữa bệnh (khí hậu liệu pháp - xác định nguyên nhân do thời tiết, khí hậu bất lợi của nên một số bệnh tật); ứng dụng nghiên cứu SKH trong xây dựng, thiết kế nhà ở, các công trình công cộng, nghiên cứu đánh giá riêng, đánh giá chung điều kiện, tài nguyên SKH trong phát triển các loại hình du lịch khác nhau (du lịch tham quan, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao).

Chương 4: “Sinh khí hậu vật nuôi”. Chăn nuôi luôn có một vai trò quan trọng trong cuộc sống lao động, sản xuất của con người, chuyên đề “Cơ sở Sinh khí hậu" sẽ chưa đầy đủ nếu chúng ta không nhắc tới việc ứng dụng những hiểu biết của con người về mối ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết đối với các vật nuôi, trong lĩnh vực chăn nuôi, gia súc, gia cầm. Chương 4 trình bầy sơ lược về ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết đối với thể trạng vật nuôi trong các giai đoạn khác nhau của vòng đời, đến sự hình thành sản lượng, chất lượng sản phẩm của gia súc gia cầm trong chăn nuôi. Đề xuất một số gợi ý về thiết kế, quy mô xây dựng chuồng trại cho gia súc, gia cầm, để chăn nuôi thực sự có được hiệu kinh tế quả cao, ít bị tổn hại do thời tiết khí hậu bất lợi.

Chương 5: “Nghiên cứu thành lập các bản đồ sinh khí hậu”. Xuất phát từ vai quan trọng của nghiên cứu SKH ứng dụng, xây dựng cơ sở khoa học phục vụ quy hoạch phát triển một số ngành kinh tế khác nhau (nông lâm nghiệp; kiến trúc - xây dựng nhà ở, các công trình công cộng; du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng...), bên cạnh các kết quả nghiên cứu về mặt lý luận, nghiên cứu SKH còn cần phải được thể hiện cả bằng ngôn ngữ bản đồ. Chương cuối của giáo trình sẽ giới thiệu một số nguyên tắc, yêu cầu chung trong việc lựa chọn hệ thống chỉ tiêu phân loại, phân kiểu SKH, một số nét đặc thù riêng của việc xây dựng bản đồ SKH các loại. Bên cạnh đó, chương này còn đề xuất những gợi ý cho việc sử dụng bản đồ SKH các loại trong công tác đánh giá tài nguyên môi trường.

Liên kết website khác