Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm nhân sự giữ chức viện trưởng Viện Địa lý nhiệm kỳ 2016-2021

18/06/2016 12:59

Sáng nay, ngày 16/6/2016 tại Hội trường Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm nhân sự Viện trưởng Viện Địa lý nhiệm kỳ 2016-2021 đối với 02 ứng viên là PGS. TS. Uông Đình Khanh và TS. Đào Đình Châm.


Toàn cảnh Hội nghị

 


Tới dự Hội nghị có đồng chí Phan Văn Kiệm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, ông Bùi Đình Trí - Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các đại biểu, Ban lãnh đạo, Chi ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên và toàn thể cán bộ trong biên chế của Viện Địa lý.

Hội nghị khai mạc lúc 9h sau lời dẫn của PGS. TS. Lại Vĩnh Cẩm - Quyền Viện trưởng Viện Địa lý. Nhiệm kỳ lãnh đạo của PGS. TS. Lại Vĩnh Cẩm sẽ kết thúc sau tháng 7/2016, do vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm cho các ứng viên giữ chức Viện trưởng Viện Địa lý nhiệm kỳ 2016-2021 là một nhiệm vụ quan trọng, làm cơ sở để Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xem xét, đánh giá, hoàn thiện quy trình bổ nhiệm lãnh đạo nhiệm kỳ mới theo quy định đối với Viện Địa lý.
 

PGS.TS. Phan Văn Kiệm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS. Phan Văn Kiệm - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh, phiếu tín nhiệm chức danh Viện trưởng Viện Địa lý trong quy trình bổ nhiệm lãnh đạo của Viện lần này là yếu tố tham khảo quan trọng cho Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Với yêu cầu của Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm là Viện Địa lý phải đoàn kết, phát triển của vì vậy các cán bộ trong biên chế của Viện có tính thần trách nhiệm cao, cần sáng suốt lựa chọn ứng viên xứng đáng để bỏ phiếu tín nhiệm, nhất là sau khi nghe và thảo luận các vấn đề trong đề án công tác của Viện trưởng Viện Địa lý nhiệm kỳ 2016-2021 của 2 ứng viên là PGS. TS. Uông Đình Khanh và TS. Đào Đình Châm.

Thay mặt Ban Tổ chức - Cán bộ Viện Hàn lâm Khoa  học và Công nghệ Việt Nam, PGS. TS. Bùi Đình Trí phổ biến các bước tiến hành trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm các ứng viên vào chức danh Viện trưởng Viện Địa lý gồm 5 bước:
1. Nghe các ứng viên trình bày đề án công tác của Viện trưởng Viện Địa lý nhiệm kỳ 2016-2021:
2. Phát biểu của đại biểu, cán bộ trong biên chế Viện Địa lý,
3. Góp ý với dề cương, hỏi và đáp các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Viện trưởng Viện Địa lý nhiệm kỳ 2016-2021,
4. Lấy phiếu và thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm, cách thức thực hiện trách nhiệm đối với mỗi lá phiếu,
5. Quyền Viện trưởng Viện Địa lý sẽ tiếp tục làm việc với Ban Tổ chức - Cán bộ sau khi bỏ phiếu, cùng với đại diện Ban thanh tra nhân dân Viện Địa lý tiến hành kiểm kê phiếu.
 
 
Tại Hội nghị, PGS. TS. Uông Đình Khanh trình bày đề án công tác của Viện trưởng Viện Địa lý nhiệm kỳ 2016-2021. Theo ứng viên này, để thực hiện trách nhiệm Viện trưởng, cần tập trung làm tốt 5 vấn đề gồm:

1. Xây dựng và phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ trong nội bộ cơ quan, là yếu tố quan trọng nhất để phát triển Viện Địa lý;

2. Tập trung các hướng nghiên cứu chính của Viện trong nhiệm kỳ tới, bao gồm:
a) Tiếp tục thực hiện các nghiên cứu tổng hợp, nghiên cứu cơ bản địa lý để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, các vấn đề về phân vùng địalý và các vấn đề nóng hiện nay liên quan đến xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các nghiên cứu cơ bản về cảnh quan biển đạo, không gian biển, xây dựng và phát triển GÍ trong quản lý môi trường...
b) Xây dựng tập thể khoa học vững mạnh, đáp ứng các yêu cầu thực tế nghiên cứu và áp dụng, triển khai khoa học, công nghệ, hợp tác với các địa phương, thực hiện các chương trình, đề tài các cấp.
c) Phát triển đội ngũ giáo sư, phó giáo sư. Đây là cơ sở để phát triển kiến thức, thành tự và kinh nghiệm trong nghiên cứu địa lý, phát triển công tác đào tạo đại học và sau đại học cho cơ sở đào tạo Khoa Địa lý của học Viện Khoa học và Công nghệ.
Khuyến khích sử dụng công nghệ, các thuật toán, mô hình trong nghiên cứu và ứng dụng
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và công bố quốc tế.

3. Tăng cường tang thiết bị phục vụ nghiên cứu cơ bản, áp dụng công nghệ hiện đại trong nghiên cứu địa lý, tập trung khai thác các trạm nghiên cứu Cồn Vành và Đồng Hới, xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý, dữ liệu GIS.
 

PGS. TS. Uông Đình Khanh trình bày đề cương thực hiện trách nhiệm Viện trưởng nhiệm kỳ 2016-2021


 
PGS. TS. Uông Đình Khanh đề nghị cán bộ Viện Địa lý cùng chung tay với Banh lãnh đạo nhiệm kỳ mới trong việc tìm kiếm công ăn việc làm thông qua phát triển các dự án, đề tài mới. PGS. TS. Uông Đình Khanh cũng gửi lời cám ơn tới Ban lãnh đạo, Đảng ủy Viện Hàn lâm, Ban lãnh đạo và Chi ủy Viện Địa lý đã tin tưởng, hỗ trợ rất nhiều cho cá nhân mình trong thời gian qua và ông tin rằng với sự đoàn kết, công tâm của ban lãnh đạo, Viện Địa lý sẽ phát triển.

Không nhắc lại các thành tựu của Viện Địa lý đã đạt được trong thời gian qua mà PGS. TS. Uông Đình Khanh đã trình bày tại Hội nghị, TS. Đào Đình Châm trong phần trình bày đề án công tác của Viện trưởng Viện Địa lý nhiệm kỳ 2016-2021 của mình đã sử dụng công cụ SWOT để phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của Viện Địa lý hiện tại để xây dựng đề cương lãnh đạo viện trong nhiệm kỳ sắp tới. Theo đó, trong chương trình hành động, TS. Đào Đình Châm đưa ra 3 vấn đề thực hiện và 6 giải pháp:
 

TS. Đào Đình Châm trình bày đề cương thực hiện trách nhiệm Viện trưởng nhiệm kỳ 2016-2021

Các vấn đề thảo luận trong đề cương thực hiện trách nhiệm Viện trưởng nhiệm kỳ 2016-2021 của TS. Đào Đình Châm gồm:

1. Mục tiêu lãnh đạo: nâng cao vị thế của Viện Địa lý xứng đáng là viện đầu ngành của quốc gia trong nghiên cứu địa lý, xây dựng đội ngũ nghiên cứu tự tin, sáng tạo, xây dựng và duy trì môi trường làm việc dân chủ, hiệu quả và nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ, công nhân viên và người lao động Viện Địa lý.

2. Các hướng nghiên cứu tập trung gồm: nghiên cứu, điều tra cơ bản, nghiên cứu về các vấn đề môi trường và phòng tránh thiên tai, thực hiện nghiên cứu, ứng dung và chuyển giao khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tế của các địa phương và đẩy mạnh nghiên cứu - hợp tác quốc tế để tăng cường công bố quốc tế.

3. Tập trung đầu tư, phát triển đội ngũ theo các mũi nhọn và trọng tâm.

Để thực hiện các mục tiêu, các chương trình hành động trên, 6 nhóm giải pháp được đề xuất bao gồm:

1. Về bộ máy tổ chức: đề cao vai trò cấp ủy, Hội đồng Khoa học, các tổ chức đoàn thể và kiện toàn bộ máy tổ chức của Viện Địa lý. Xây dựng cơ chế chính sách nội bộ và nâng cao hiểu quả công tác quản lý hành chính.

2. Hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng triển khai, chú trọng các nghiên cứu cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa tính sáng tạo của cán bộ nghiên cứu Viện Địa lý, khuyến khích và đãi ngộ cho các cán bộ khi họ đem lại lợi ích và danh tiếng cho cơ quan, khuyến khích xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu gồm các chuyên ngành gần nhau, đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các nghiên cứu liên ngành khác. Đặt chỉ tiêu trong nhiệm kỳ tới có 15-20 nhiệm vụ cấp Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, 5-7nhiệm vụ nghiên cứu cấp bộ.

3. Công tác quy hoạch cán bộ sẽ tập trung bồi dưỡng, phát triển và quy hoạch cán bộ có tiềm năng, năng lực vào các vị trí quan trọng theo các chương trình, nhiệm vụ và vị trí trong cơ quan.

4. Quản lý và khai thác tốt các tiềm năng của hai trạm Cồn Vành và Đồng Hới, quan tâm tháo gỡ khó khăn về tài chính, nhân lực cho các trạm.

5. Tham gia tích cực vào công tác đào tạo đại học và sau đại học, khuyến khích và tăng cường phát triển đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cho khoa Địa lý và học viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

6. Cử cán bộ đi học tập và tu nghiệp ở nước ngoài, khuyến khích công tác đăng ký sáng chế; nâng cấp website, xây dựng, phát triển và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu trực tuyến; quan tâm công tác xuất bản, hội nghị quốc gia về địa tin học, địa lý, GIS; tăng cường vai trò và hoạt động của Hội đồng Khoa học, các tổ chức đoàn thể Viện Địa lý để quan tâm sát sao tới đời sống, nguyện vọng qua đó giúp cải thiện đời sống cán bộ, công nhân viên và người lao động của Viện Địa lý.

TS. Đào Đình Châm đã đề xuất chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ lãnh đạo nếu được tín nhiệm và bổ nhiệm: đội ngũ nghiên cứu có 25 tiến sĩ, 15 tiến sĩ tham gia giảng dạy tại Khoa Địa lý và Đại học USTH, cử 5-10 cán bộ đi học tập ở nước ngoài, phát triển đội ngũ gồm ít nhất 5 phó giáo sư và giáo sư, công bố quốc tế 2-5 bài mỗi năm.



Các đại biểu đóng góp ý kiến cho đề cương của cá ứng viên nói riêng và tương lai của Viện Địa lý nói chung

Tại Hội nghị, các đại biểu, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và lãnh đạo các nhiệm kỳ trước đây đã đóng góp ý kiến cho đề cương của các ứng viên, trong đó các ứng viên cần tập trung vào việc giải quyết một vài vấn đề cụ thể bởi nhiệm kỳ 5 năm không quá dài, bên cạnh đó, các nhiệm vụ với chỉ tiêu cụ thể cũng sẽ giúp cán bộ, viên chức Viện tiện theo dõi nhiệm vụ để kịp thời phản ánh, cải thiện trách nhiệm lãnh đạo của viện trưởng trong nhiệm kỳ tới.


cán bộ trong biên chế Viện Địa lý nhận phiếu theo danh sách
và bỏ phiếu tín nhiệm nhân sự giữ chức viện trưởng Viện Địa lý nhiệm kỳ 2016-2021 tại Hội nghị

Cuối buổi làm việc, Ban tổ chức - Cán bộ cùng với Quyền Viện trưởng đương nhiệm và trưởng ban thanh tra nhân dân Viện Địa lý cùng tiến hành kiểm phiếu. Kết quả kiểm phiếu được Ban tổ chức - Cán bộ Viện Hàn lâm giữ kín và tham mưu cho lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện quy trình bổ nhiệm Viện trưởng Viện Địa lý nhiệm kỳ 2016-2021 đạt hiểu quả tốt nhất./.
 
Liên kết website khác