Hội thảo góp ý Chương trình Tây nguyên III

13/09/2013 04:31
Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Góp ý chương trình Tây Nguyên III” ngày 16/7. Hội thảo có sự tham gia góp ý kiến của nhiều nhà khoa học đầu ngành Việt Nam.

Tại hội thảo, các nhà khoa học khẳng định, so với nhiều năm trước diện mạo của Tây Nguyên đã thay đổi cả về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội. Bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian qua, Tây Nguyên cũng đối mặt với nhiều thách thức  như tăng trưởng không bền vững, khai thác tài nguyên ồ ạt và sử dụng đất không hợp, tốc độ suy thoái tài nguyên diễn ra nhanh...
 

Móng nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai, Lâm Đồng. Ảnh: Laodong
Công trường khai thác quặng alumin tại Đăk Nông. Ảnh: Tienphong


Chính vì thế, việc xây dựng “Chương trình nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên – môi trường, kinh tế - xã hội và đề xuất luận cứ KHCN phục vụ chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030” (gọi tắt là Chương trình Tây nguyên III) là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Khác với Chương trình Tây Nguyên I (thực hiện năm 1976 – 1980 ) và Tây Nguyên II (thực hiện từ năm1984 – 1988) chỉ tập trung đánh giá điều tra và đánh giá cơ bản điều kiện tự nhiên, xã hội, chương trình Tây Nguyên III sẽ toàn diện hơn. Chương trình sẽ đánh giá thực tài nguyên môi trường tự nhiên, kinh tế, văn hóa và xã hội của Tây Nguyên sau hơn hai thập kỷ đổi mới, đánh giá lại quá trình phát triển vừa qua của Tây Nguyên; phân tích những cơ hội và thách thức...Từ đó, sẽ đề xuất chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng chương trình này cần phải làm ngay và làm quyết liệt trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây là một chương trình lớn, 2 năm không đủ thời gian để thực hiện.

Được biết, từ tháng 8/2010, các các đầu việc đầu tiên để triển khai sẽ được đẩy mạnh. Ban chủ nhiệm chương trình Tây Nguyên sẽ được thành lập. Chương trình Tây Nguyên III do  Viện KHCN Việt Nam, Viện KHXH Việt Nam và Liên hiệp các Hội KH&CN Việt Nam phối hợp thực hiện. Tổng kinh phí  dự kiến là 350 tỷ đồng.  Số đề tài dự kiến là 25 – 27 theo các nhóm. Chương trình dự kiến thực hiện trong 5 năm từ 2011 – 2015.
 

 

Nội dung nghiên cứu chính:

Chương trình nghiên cứu Tây Nguyên III hướng tới mục tiêu phát triển bền vững Tây Nguyên bao gồm 3 cực:

 

- Bền vững về tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có hiệu quả và hàm lượng tri thức cao, thu hút được đầu tư doanh nghiệp.

 

-Bền vững về quản lý tài nguyên hạn chế suy thoái môi trường bằng các công nghệ hiện đại.

 

- Bền vững về quản lý xã hội, tăng lao động, việc làm duy trì bản sắc văn hóa dân tộc bằng các chủ trương chính sách, mô hình tổ chức xã hội phù hợp qui luật khách quan.

 

1- Nghiên cứu đánh giá tổng hợp diễn biến kinh tế - xã hội Tây Nguyên hơn 25 năm khai thác phát triển 1988 – 2015 và đề xuất mô hình phát triển Tây Nguyên trong giai đoạn CNH – HĐH và hội nhập của đất nước.

 

2- Xây dựng luận cứ khoa học cho vịệc quản lý tổng hợp, quy hoạch, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quan trọng: sinh vật - đất – nước– khoáng sản – khí hậu... Xây dựng các mô hình khai thác, quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường ở các vùng sinh thái đặc thù và các lưu vực sông quan trọng trên Tây Nguyên.

 

3- Nghiên cứu hiện trạng các hệ sinh thái cơ bản trên Tây Nguyên; tính đa dạng, độc đáo của các hệ sinh thái điển hình trên Tây Nguyên; các giải pháp, khai thác bền vững và giải pháp phục hồi các hệ sinh thái bị thoái hóa.

 

4- Nghiên cứu nguyên nhân hiên trạng và cảnh báo một số dạng thiên tai như: nứt đất, trượt lở đất, lũ quét, lũ lụt, lốc bão, sấm sét, hoang mạc hóa, thoái hóa đất, hạn hán… đề xuất các giải pháp giảm thiểu và phòng tránh.

 

5- Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chế biến, bảo quản nông lâm sản, mô hình kinh tế - sinh thái, các sản phẩm sinh học (thực phẩm, dược phẩm, chế phẩm chức năng, hóa hợp chất tự nhiên…), năng lượng, phân bón, chế phẩm cải tạo môi trường, xử lý ô nhiễm… Các công nghệ thích hợp khai thác sử dụng hợp lý có hiệu quả tài nguyên phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

 

6- Đào tạo chuyển giao công nghệ viễn thám, GIS và các mô hình trong nghiên cứu điều kiện tự nhiên, tài nguyên môi trường và thiên tai Tây Nguyên.

 

7- Xây dựng và chuyển giao cơ sở dữ liệu tài nguyên thiên nhiên môi trường, kinh tế - xã hội cho toàn Tây Nguyên và mỗi tỉnh bằng các phần mềm tiên tiến, dễ truy cập. Đồng thời xây dựng các bộ Atlas điện tử phục vụ công tác quản lý điều hành của lãnh đạo các cấp. Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, đào tạo nguồn nhân lực quản lý khoa học và cơ chế cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý lãnh thổ.

 

Liên kết website khác