Nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình Tây Nguyên 3 mã số TN18/T05

02/06/2021 11:59

     Ngày 31/5/2021, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước (HĐKHCNCNN) đã đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu cải tạo, quản lý thảm cỏ tự nhiên và chế biến thức ăn từ các nguyên liệu sẵn có phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, voi) quy mô tập trung và quy mô nông hộ tạo sinh kế bền vững cho người dân Tây Nguyên”, mã số TN18/T05. Đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2017-2020) do TS. Vũ Anh Tài làm chủ nhiệm, Viện Địa lý là cơ quan chủ trì.

Mục tiêu của đề tài:

Xác định được các thảm thực vật cần cải tạo và phương thức cải tạo thành bãi chăn thả, vùng cung cấp thức ăn chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, voi) khu vực Tây Nguyên;

Xác định và xây dựng được các phương thức chế biến thức ăn chăn nuôi đại gia súc;

Xây dựng các mô hình cải tạo, quản lý thảm thực vật, mô hình cung cấp thức ăn chăn nuôi đại gia súc quy mô tập trung và quy mô nông hộ tạo sinh kế bền vững cho người dân Tây Nguyên

Các kết quả đạt được của đề tài:

Sau thời gian gần 4 năm thực hiện các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và xây dựng các mô hình thí điểm, xây dựng cơ sở dữ liệu GIS, đề tài TN17/T05 đạt được kết quả chính:

1. Đã đánh giá được hiện trạng phát triển đàn đại gia súc và nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi đại gia súc ở Tây Nguyên. Đại gia súc của Tây Nguyên hiện gồm trâu, bò và voi. Chăn thả vẫn là phương thức phổ biến nhất hiện nay trên toàn lãnh thổ Tây Nguyên. Đàn gia súc của Tây Nguyên hiện tại có hơn 0,911 triệu con trâu bò và 53 con voi nhà, trong đó, Trâu chiếm gần 11% (97,389 con) và bò có 814,375 con (hơn 89%). Ngoại trừ một số ít trang trại có áp dụng chăn thả luân phiên, có thể nói Chăn thả luân phiên chưa được áp dụng trên toàn lãnh thổ Tây Nguyên. Voi chỉ được nuôi tại Đắk Lắk và Lâm Đồng, chủ yếu phục vụ nhu cầu du lịch, voi nhà không có bãi chăn thả riêng. Bò sữa chủ yếu được nuôi tại Lâm Đồng. Bò nuôi nhốt, ngoài bò sữa, còn lại đều là bò lai. Trâu và bò vàng được nuôi theo hình thức chăn thả. Nhu cầu thức ăn của đàn đại gia súc ở Tây Nguyên được xác định cần khoảng 1,75 triệu tấn (VCK), trong đó, mùa mưa cần gần 0,97 triệu tấn và mùa khô cần hơn 0,78 triệu tấn. Nguồn cung cấp thức ăn cho gia súc ở Tây Nguyên bao gồm cỏ tự nhiên (11 sinh cảnh tự nhiên va rừng trồng) với diện tích có thể chăn thả khoảng 1,86 triệu ha; cỏ trồng có khoảng 13.726 ha, chủ yếu trồng Cỏ voi, VA06, Ghi-nê, cỏ họ đậu và một số loại cỏ khác và nguồn PPNN rất phong phú, chủ yếu là rơm lúa, thân lá ngô, ngọn lá mía,...

2. Đã xác định các diện tích thảm thực vật tự nhiên cần cải tạo để phục vụ chăn nuôi đại gia súc ở Tây Nguyên bao gồm trảng bụi và trảng cỏ nhiệt đới, chiếm khoảng 19% diện tích chăn thả tự nhiên (280.936 ha).

3. Đã xác định được các phương thức cải tạo, quản lý đồng cỏ tự nhiên: Hầu hết các địa phương không áp dụng chăn thả luân phiên và không cải tạo đồng cỏ tự nhiên. Việc cải tạo chỉ áp dụng ở quy mô rất nhỏ tại một số trang trại có vốn đầu tư lớn. Đề tài đã đề xuất các biện pháp cải tạo đồng cỏ tự nhiên bao gồm cải tạo sơ bộ, cải tạo cơ bản kết hợp sử dụng các giống cỏ Mulato II, Ghine và Ruzi đồng thời áp dụng chăn thả luân phiên để đảm bảo đồng cỏ đạt hiệu quả cung cấp lượng TACN cao nhất.

4. Đã xác định được các phương thức chế biến thức ăn sử dụng các nguyên liệu sẵn có phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc trên lãnh thổ Tây Nguyên: đã có nhiều phương thức chế biến nhưng hầu hết chỉ ở các mô hình thí điểm hoặc các khu vực chăn nuôi tập trung có trình độ cao, chưa phổ biến được trên toàn lãnh thổ, hoặc các biện pháp chế biến chưa hoàn toàn khả thi với điều kiện và trình độ của người dân. Đề tài đã lựa chọn được các quy trình tích trữ và chế biến thức ăn được đánh giá là phù hợp nhất đôi với đại đa số người chăn nuôi trâu bò tại Tây Nguyên hiện nay, đó là quy trình thu gom rơm bằng máy công nghiệp, quy trình ủ chua cỏ, ngọn lá ngô; quy trình ủ chua ngọn lá mía; quy trình kiềm hóa rơm tươi, kiềm hóa rơm khô và chế biến, sử dụng thân lá lạc, vỏ quả điều, ngọn lá sắn làm TACN, kết hợp với các công thức TMR áp dụng theo từng mùa trong nuôi bò vỗ béo đạt hiệu quả kinh tế cao.

5. Đã xác định được 4 mô hình tổng hợp thí điểm cải thiện chất lượng đồng cỏ, vùng chăn thả và chế biến thức ăn cho đại gia súc quy mô nông hộ và quy mô trang trại ở Tây Nguyên: thành công của 4 mô hình mang lại lợi ích không nhỏ cho sinh kế của người dân, cả quy mô nông hộ và quy mô tập trung (trang trại). Các mô hình đã chứng minh những lựa chọn, đề xuất các giải pháp cải tạo đồng cỏ thâm canh, quản lý và cải tạo đồng cỏ tự nhiên, các quy trình tích trữ, chế biến thức ăn và áp dụng TMR trong chăn nuôi đại gia súc ở Tây Nguyên là hoàn toàn khả thi, có hiệu quả kinh tế cao, có thể nhân rộng mô hình. Có thể khẳng định lại, các giống cỏ và quy trình kỹ thuật trồng cỏ VA06, Taiwan napples, Mulato II và Ruzi rất có ích cho việc cải tạo đồng cỏ ở Tây Nguyên, trong đó, Mulato II đã chứng minh chịu được lửa rừng và khô hạn còn Ruzi rất phù hợp với cải tạo sơ bộ đồng cỏ tự nhiên quy mô lớn, nhất là cho các bãi chăn thả của trang trại lớn, của cộng đồng (cải tạo sơ bộ, áp dụng đại trà). Bên cạnh đó, các biện pháp ủ chua thức ăn, kiềm hóa rơm được đánh giá là rất dễ thực hiện, đem lại hiệu quả cao cho sinh kế của người dân.

6. Đã phân tích và đánh giá được mức độ phù hợp giữa phát triển đại gia súc và nguồn thức ăn để định hướng phát triển hợp lý vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi: trên cơ sở các nguồn thức ăn hiện tại (3,4 triệu tấn (VCK): mùa mưa có 2,35 triệu tấn và mùa khô có 1,05 triệu tấn; 1,97 triệu tấn cỏ tự nhiên, 0,55 triệu tấn cỏ trồng và 0,89 triệu tấn TACN từ PPNN), tiềm năng tối đa (8,45 triệu tấn (VCK): mùa mưa có gần 4,62 triệu tấn và mùa mưa có khoảng 3,83 triệu tấn) và giới hạn tối thiểu (0,815 tấn (VCK): 0,383 tấn cỏ tự nhiên, 0,14 tấn cỏ trồng và 0,29 tấn PPNN), đối chiếu với nhu cầu thức ăn của đàn gia súc (1,75 triệu tấn (VCK): mùa mưa cần gần 0,97 triệu tấn và mùa khô cần hơn 0,78 triệu tấn) ở từng địa phương, đã xác định những địa phương có rủi ro cao, mất cân bằng giữa nhu cầu sử dụng và khả năng cung cấp, đó là xảy ra ở các địa phương mà hiện trạng không đáp ứng đủ nhu cầu của tổng đàn, nguồn đáp ứng tối thiểu dưới 50%, bao gồm các địa phương: Pleiku, An Khê, Chư Păh, Ia Grai, Ia Pa, Krông Pa, Chư Pưh (Gia Lai), Buôn Mê Thuột, Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’Gar, Buôn Hồ (Đắk Lắk). Các địa phương bị mất cân bằng trung bình bao gồm tp. Kon Tum (Kon Tum), Đắk Đoa, Đức Cơ, Chư Sê (Gia Lai), Krông Păk, Krông Bông (Đắk Lăk) và các địa phương bị mất cân bằng nhẹ là Mang Yang, Kông Chro (Gia Lai), Ea Hleo, Krông Năng, Krông Buk, Krông Ana và Lắk (Đắk Lắk). Các địa phương còn lại có tiềm năng phát triển đàn gia súc rất tốt. Để đảm bảo tính cân bằng giữa cung và cầu, giảm thiểu rủi ro cho người dân chăn nuôi đại gia súc, đề tài đã đề xuất được các giải pháp áp dụng cụ thể cho từng địa phương, bao gồm các giải pháp về cải tạo và quản lý đồng cỏ chăn thả (cải tạo sơ bộ, cải tạo cơ bản, chăn thả luân phiên), cải tạo đồng cỏ thâm canh bằng các giống cỏ và kỹ thuật tương tứng, các biện pháp tích trữ, chế biến thức ăn ngay từ mùa mưa để đảm bảo không thiếu thức ăn trong mùa khô (ủ chua, kiềm hóa rơm, áp dụng TMR).

7. Đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu GIS về hiện trạng thảm thực vật cần cải tạo, bãi chăn thả, vùng canh tác, tiềm năng cung cấp thức ăn phục vụ chăn nuôi đại gia súc ở Tây Nguyên: bộ cơ sở dữ liệu GIS của 63 bản đồ ở các tỷ lệ 1:250.000; 1:100.000 và 1:50.000 được xây dựng trên nền tảng dữ liệu địa hình thống nhất, dữ liệu ảnh vệ tinh cập nhật cũng như những điều chỉnh mới nhất về ranh giới hành chính và đặc biệt là những kết quả điều tra, nghiên cứu, phân tích của đề tài được số hóa, thể hiện trên các bản đồ chuyên ngành cụ thể. Dữ liệu này có thể được sử dụng, chia sẻ cho các địa phương góp phần không nhỏ cho công tác quy hoạch và định hướng phát triển ngành chăn nuôi nói riêng, phát triển nông thôn mới nói chung.

Trên cơ sở đó, đề tài đã có một số kiến nghị và đề xuất;

1. Voi là động vật dạ dày đơn nên chế độ ăn không giống với trâu, bò, do đó, chúng chỉ ăn thức ăn xanh thô là chính, thức ăn qua chế biến có thể gây rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, rất cần có những khu vực được quy hoạch là nơi cung cấp thức ăn cho đàn voi nhà của Tây Nguyên, bao gồm cả thức ăn từ canh tác (voi ở Đà Lạt đã có nguồn cung) và thức ăn tự nhiên khác. Do hiện tại các địa phương không có bãi chăn thả riêng cho đàn voi nhà ngoại trừ Trung tâm bảo tồn voi Đăk Lăk, chủ voi thường không phải là chủ rừng và nếu có thì diện tích rừng của hộ gia đình cũng quá nhỏ so với nhu cầu cùa đàn voi (bán kính khoảng 10km / 1 con voi nhà). Đàn voi nhà vẫn bị xích và thả trong các khu vực rừng phòng hộ, rừng sản xuất, gây thiệt hai không nhỏ cho chủ rừng. Chính quyền và chủ voi ở huyện Lăk và thành phố Đà Lạt cần sớm giải quyết vấn đề khu vực chăn thả cho voi để đảm bảo đàn voi có nơi sinh hoạt riêng, tạo điều kiện cải thiện sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng bên cạnh việc xúc tiến phát triển thêm các nguồn cung cấp thức ăn từ khu vực đất canh tác (chuối, cỏ voi, rau củ quả khác,...).

2. Các địa phương được đánh giá có rủi ro lớn khi để xảy ra mất cân bằng giữa nhu cầu sử dụng thức ăn của đàn đại gia súc và khả năng cung cấp thức ăn tại chỗ, nhất là khi xảy ra hiện tượng thời tiến khô nóng kéo dài cần phải có những giải pháp điều chỉnh bao gồm giảm thiểu tổng đàn và tăng cường cải tạo, bổ sung nguồn thức ăn từ cỏ trồng (áp dụng đồng bộ giống và kỹ thuật, cung cấp đủ nước tưới), tích trữ và chế biến thức ăn nhất là PPNN. Cụ thể: Đăk Đoa, Mang Yang, Kông Chro và Phú Thiện, Pleiku, an Khê, Ayun Pa, Đức Cơ, Chư Sê, Đăk Pơ, Ia Pa, Krông Pa và Chư Pưh (Gia Lai); Buôn Đôn, Krông Bông, BMT, Ea Súp, Cư M’Gar, Krông Păk, Cư Kuin và Buôn Hồ (Đăk Lăk); Cư Jut (Đăk Nông); Cát Tiên và Đơn Dương (Lâm Đồng).

3. Bên cạnh đó, cần xây dựng được các chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn sẵn có, nhất là thức ăn tích trữ và thức ăn đã qua chế biến trong nội bộ các tỉnh để có thể cung cấp cho các huyện bị thiếu, ví dụ như Bảo Lộc và Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai ; Pleiku và Đăk Đoa, Che Prông, Ia Grai, Chư Păh; Buôn Hồ và Krông Buk, Cư M’Gar, Krông Păk; An Khê và K’Bang, Đăk Pơ,...

4. Khuyến khích các hộ dân, gia trại, trang trại phát triển chăn nuôi đại gia súc trình độ cao, bao gồm việc chủ động được nguồn cỏ trồng, tích cực thu gom PPNN và triển khai chế biến TACN, áp dụng TMR nuôi bò vỗ béo, nuôi bò sữa, bò thịt cao sản, chuyển đổi cơ cấu từ chăn thả sang nuôi nhốt và bán chăn thả.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu và đánh giá loại Đạt.

Một số hình ảnh về hoạt động của đề tài:

Đồng cỏ của hộ dân được cải tạo thành công và được nghiệm thu

Cỏ Taiwanes được hộ dân tự nhân giống triển khai trồng rộng rãi

Đồng cỏ tự nhiên được cải tạo bằng cỏ Mulato II đã tái sinh sau mùa khô và bị cháy

Cỏ ruzi rất thích hợp cả cho cải tạo sơ bộ và cải tạo hoàn toàn đồng cỏ chăn thả

Trang trại và hộ dân đã tích trữ, chế biến được hàng trăm tấn thức ăn cho gia súc, không để gia súc thiếu thức ăn trong mùa khô. Thức ăn được đánh giá chất lượng đảm bảo

Liên kết website khác