Tóm tắt các công trình trên Tạp chí Địa lý Nhân văn 2-2014

01/06/2015 03:57
TĂNG TRƯỞNG BAO TRÙM VÀ BỀN VỮNG THÁCH THỨC TOÀN CẦU - VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Tác giả: LÊ THÀNH Ý

Tóm tắt: Hạ tuần tháng 3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp cùng Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức Hội thảo Quốc tế “Cải cách kinh tế tăng trưởng bao trùm và bền vững” nhằm xem xét  bài học và kinh nghiệm trong cải cách nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Tổng Giám đốc UNDP, Helen Clark nhận xét, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 7,3%/năm trong suốt giai đoạn 1990 - 2010, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới; thành tựu kinh tế đã cải thiện đời sống người dân, giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo, song giống như nhiều nước châu Á, một bộ phận dân cư vẫn còn nằm bên lề của tiến trình phát triển chung. Trước thách thức toàn cầu và ở việt Nam, bài viết đề cập mốt số khía cạnh để cùng trao đổi.

THỂ CHẾ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG TÂY NGUYÊN NHỮNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU BƯỚC ĐẦU

Tác giả: HÀ HUY THÀNH

Tóm tắt: Bài viết là những kết quả bước đầu của đề tài khoa học cấp Nhà nước “Xây dựng các luận cứ khoa học cho việc bổ sung và đổi mới hệ thống thể chế phát triển bền vững vùng Tây Nguyên”(mã số TN3/X09).

Theo tác giả, về đại thể, dưới tác động của các chính sách phát triển trong những năm vừa qua, vùng Tây Nguyên bị biến đổi cực kỳ mạnh mẽ. Trong những biển đổi ghi nhận được thì xu thế không bền vững áp đảo xu thế bền vững, thể hiện: (i) sản xuất sơ cấp phát triển nhanh; (ii) cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, xã hội; (iii) đời sống văn hóa -xã hội biến đổi nhanh, nhưng không được định hướng để bắt kịp tiến trình hội nhập; (iv) xây dựng năng lực và đào tạo nguồn nhân lực còn chậm, cản trở tính làm chủ và tự chủ của cộng đồng các dân tộc bản địa; (v) cơ chế tham vấn và phản hồi yếu; (vi) đặc điểm tự nhiên và nhân văn của vùng chưa được tính đến đầy đủ trong các cơ chế, chính sách phát triển.

PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA (Nghiên cứu trường hợp ở Sơn La)

Các tác giả: NGUYỄN CÔNG THẢO, PHẠM THỊ CẨM VÂN

Tóm tắt: Giống như ở một số địa phương, trong vòng vài năm trở lại đây việc phát triển cây cao su đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng ở tỉnh Sơn La nói chung, huyện Mường La nói riêng. Quá trình này dẫn đến việc thay đổi mục đích sử dụng đất ở quy mô lớn và qua đó có tác động đến sinh kế của người dân. Bài viết này tập trung tìm hiểu những điểm tích cực cũng như hạn chế của cây cao su đối với người dân qua 2 điểm nghiên cứu ở huyện Mường La. Phát hiện chính của nghiên cứu cho thấy, bên cạnh việc đem lại thu nhập trước mắt cho các hộ dân góp đất trồng cao su, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng này cũng đã dẫn đến một số hệ lụy về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, đòi hỏi cần có những biện pháp ứng phó cụ thể trong thời gian tới.

GÓP BÀN VỀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRONG BỐI CẢNH TĂNG TRƯỞNG XANH

Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH HÒA

Tóm tắt: Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của nước ta chưa bền vững, chủ yếu dựa trên các yếu tố như vốn, lao động và khai thác tài nguyên thiên nhiên,... Việc tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, khó duy trì được trong thời gian dài khi những lợi thế tự nhiên về các nguồn tài nguyên sẽ dần mai một đi và phải trả giá về mặt môi trường. Do vậy, cần tư duy lại về cách tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên. Với nghĩa đó, bài viết đề cập về thực tiễn hoạt động khai thác titan tại tỉnh Bình Định nhằm góp phần thảo luận những vấn đề đặt ra trong bối cảnh thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.

ĐÁNH GIÁ CẢNH QUAN CHO MỤC ĐÍCH PHÁT TRIỂN NÔNG – LÂM NGHIỆP, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Ở MÓNG CÁI, TỈNH QUẢNG NINH

Tác giả: TRẦN THỊ TUYẾT

Tóm tắt: Móng Cái là thành phố nằm ở phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh với sự đa dạng về điều kiện tự nhiên đã hình thành 40 loại cảnh quan khác nhau. Kết quả đánh giá cảnh quan ở Móng Cái không những góp phần quan trọng cho phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản mà còn nâng cao nhận thức về vai trò và chức năng của cảnh quan nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế lãnh thổ Móng Cái.

CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NGÀNH THEO HƯỚNG PTBV: TỪ LÝ LUẬN, KINH NGHIỆM VÀ  BÀI HỌC RÚT RA ĐỐI VỚI TỈNH THÁI NGUYÊN

Tác giả: PHẠM THỊ NGA

Tóm tắt: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Để có một cơ cấu kinh tế hợp lý, mỗi vùng, mỗi quốc gia cần phải xuất phát từ điều kiện lịch sử của mình. Thực tế, trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, sự khác biệt về các nhân tố tự nhiên và kinh tế - xã hội tác động không nhỏ tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành. Do vậy, để thực hiện hiệu quả quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng phát triển bền vững (PTBV), việc nghiên cứu cơ sở lý luận và khái quát kinh nghiệm thực tiễn là hết sức cần thiết, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo hướng PTBV.

Từ khóa: chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, phát triển bền vững, lý luận, kinh nghiệm, tỉnh Thái Nguyên.

SỰ ĐA DẠNG VĂN HÓA TRONG MỘT SỐ TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI NHẬP CƯ Ở HỘI AN

Tác giả: HOÀNG SĨ NGỌC

Tóm tắt: Sự giao thoa trong giao lưu văn hóa là sự vận động thường xuyên, tất yếu của xã hội loài người. Sự giao thoa này thường xuyên và sâu sắc nhất có lẽ là ở các cộng đồng người nhập cư với văn hóa bản địa. Trường hợp giao thoa văn hóa của người nhập cư ở Hội An với văn hóa người Việt là một minh chứng. Bài viết này làm sáng rõ quá trình có mặt của người nhập cư ở Hội An và sự giao thoa văn hóa trong một số tín ngưỡng thờ cúng. Thực tế giao thoa văn hóa này vừa giúp cộng đồng người nhập cư hội nhập và phát triển ổn định nơi vùng đất mới, vừa làm nên nét đặc trưng của bản sắc văn hóa Hội An trong lòng đất nước Việt Nam.

ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP BẢN ĐỒ SỐ NGHIÊN CỨU NGƯỜI CAO TUỔI THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Tác giả: BÙI THU PHƯƠNG

Tóm tắt: Thủ đô Hà Nội đang bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và theo đó xu hướng “già hóa dân số” cũng đang xuất hiện. Thực tế nhận thấy vấn đề người cao tuổi (NCT) đang mang tính thời sự vừa cấp bách vừa lâu dài, có ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô Hà Nội. Việc ứng dụng phương pháp bản đồ số góp phần nhận thức rõ đặc điểm về thành phần và sự phân bố NCT ở thành phố Hà Nội, cho phép người đọc có cái nhìn tổng quan và khái quát nhất, dễ dàng đối sánh, đánh giá một cách trung thực, đầy đủ và khoa học vấn đề nói trên.
Liên kết website khác